Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Kết nối giáo dục, đào tạo kỹ năng với các yêu cầu của thị trường lao động trong kỷ nguyên số
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, phát triển nguồn nhân lực thúc đẩy đào tạo nghề, tăng cường thông tin về thị trường lao động hiệu quả, tạo việc làm bền vững thực hiện các chính sách an sinh phù hợp bảo đảm các tầng lớp xã hội có thể tham gia tích cực vào lực lượng lao động và hưởng lợi từ cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật là một trong những ưu tiên của năm APEC 2017 hướng tới tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm.
* Xin Thứ trưởng cho biết về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tổ chức Đối thoại chính sách cao cấp APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số trong giai đoạn hiện nay?
- Phát triển nguồn nhân lực hiện là ưu tiên hợp tác của Diễn đàn APEC, là mối quan tâm hàng đầu của từng nền kinh tế thành viên, đặc biệt trong kỷ nguyên số - kỷ nguyên mà một mặt công nghệ và số hóa hứa hẹn những cải thiện về năng suất, tăng sản lượng kinh tế và tạo công ăn việc làm, mặt khác cũng tiềm ẩn những nguy cơ như làm cho một số công việc trở nên lỗi thời và khiến tính dễ bị tổn thương và phi chính thức càng tăng lên, vấn đề học tập suốt đời và đào tạo nghề, gắn kết doanh nghiệp – đào tạo – thị trường để nâng cao cơ hội việc làm cho lao động trẻ được coi là nhân tố quan trọng thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm.
Đối thoại Chính sách Cao cấp về Phát triển Nguồn nhân lực trong Kỷ nguyên số được tổ chức trong năm Việt Nam chủ trì APEC 2017 không chỉ đề xuất tầm nhìn của APEC trong phát triển nguồn nhân lực ở bối cảnh kỷ nguyên số mà còn phù hợp với lợi ích của ta trong tranh thủ hợp tác quốc tế về phát triển nguồn nhân lực, kết nối giáo dục đào tạo kỹ năng với các yêu cầu của thị trường lao động, góp phần triển khai đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, phục vụ tái cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp khẳng định, phát triển nguồn nhân lực hiện là ưu tiên hợp tác của Diễn đàn APEC, là mối quan tâm hàng đầu của từng nền kinh tế thành viên, đặc biệt trong kỷ nguyên số |
* Trong các nền kinh tế APEC, việc đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế kỹ thuật số đang là thách thức lớn. Đối thoại sẽ góp phần hỗ trợ các nền kinh tế thành viên APEC trên phương diện kỹ năng, giáo dục và đào tạo và thị trường lao động như thế nào, thưa Thứ trưởng?
- Hiện nay, nhiều nền kinh tế APEC đã và đang tích cực thực hiện các hoạt động để nâng cao khả năng sẵn sàng cho Công nghiệp 4.0. Do đó, giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam nói riêng cũng phải đưa ra những chiến lược và biện pháp cụ thể nhằm đối phó với những thách thức trong phát triển kỹ năng, giáo dục và đào tạo đồng thời tận dụng các cơ hội to lớn do Công nghiệp 4.0 mang lại.
Đối thoại sẽ góp phần hỗ trợ các nền kinh tế thành viên APEC hoạch định chính sách, đánh giá nhu cầu kỹ năng trong tương lai. Cho đến nay, vẫn còn thiếu các quan sát, đánh giá cụ thể ở từng ngành nghề và sự khác biệt cần thiết trong bối cảnh Công nghiệp 4.0. Hầu hết các yêu cầu về trình độ và kỹ năng của người lao động còn chung chung, phần lớn chỉ mới đề cập đến các năng lực xã hội và năng lực chung cùng với yêu cầu nhiều hơn về kỹ năng công nghệ thông tin. Do đó cần phải có những nghiên cứu, khảo sát để xác định các nhu cầu thị trường lao động và đòi hỏi kỹ năng ở từng ngành nghề cụ thể thông qua hợp tác APEC.
Ảnh minh họa |
* Thứ trưởng kỳ vọng gì ở Đối thoại lần này? Đặc biệt là những chính sách gắn liền với ngành LĐ-TB&XH như phát triển nguồn nhân lực thúc đẩy đào tạo nghề, tăng cường thông tin về thị trường lao động...?
- Các hoạt động trong khuôn khổ APEC trong những năm vừa qua đã rất thiết thực đối với các nền kinh tế, đặc biệt đối với Việt Nam như phát triển tiêu chuẩn nghề và tiêu chuẩn đào tạo tiếp cận thị trường lao động theo chuẩn mực quốc tế. Đó là, các lĩnh vực logistics, nuôi trồng thủy sản, xây dựng, cơ khí chế tạo, ô tô, du lịch. Chúng tôi hy vọng rằng, qua Đối thoại lần này sẽ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong đào tạo và quản lý đào tạo phát triển nguồn nhân lực, các giải pháp công nghệ thông tin và hợp tác doanh nghiệp cả quốc nội và APEC nhằm xác định cơ chế đảm bảo sự linh hoạt và thích ứng của đào tạo nghề và phát triển kỹ năng. Đồng thời, các hợp tác APEC sẽ tăng cường hệ thống thông tin thị trường lao động và trao đổi kinh nghiệm thông qua các dự án cụ thể với sự tham gia của các nền kinh tế để thích ứng với tốc độ cũng như đòi hỏi và thách thức của Công nghiệp 4.0.
*Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Đối thoại Chính sách cao cấp APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số được tổ chức từ ngày 14 – 15/5 tại Hà Nội sẽ tập trung vào 4 vấn đề lớn. Trong đó, liên quan đến tương lai việc làm và thị trường lao động, các nền kinh tế APEC sẽ cùng nhau xem xét tác động của công nghệ mới và số hóa trong thế giới việc làm thông qua việc cung cấp sự hiểu biết tốt hơn về Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và tác động không đồng nhất đối với các nền kinh tế thành viên APEC; Xem xét các cách tiếp cận chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ khả năng thích ứng của thị trường lao động, công ăn việc làm, phương pháp học tập suốt đời và sự tham gia của lực lượng lao động; Xây dựng và đề xuất các biện pháp can thiệp chính sách bao gồm vai trò của các chính sách thay đổi cơ cấu trong việc thúc đẩy sự tham gia của lực lượng lao động; Xem xét vai trò của thị trường lao động trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến toàn cầu hóa và tự động hóa.
Theo Tiểu Ban An ninh – Tuyên truyền cho Đối thoại của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đối thoại dự kiến sẽ thông qua Tuyên bố của các Bộ trưởng về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số và Khuôn khổ APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Khuôn khổ này phấn đấu trở thành Văn kiện Cấp cao của các nhà lãnh đạo APEC vào tháng 11 tới đây và là một trong các văn kiện ghi dấu ấn của năm APEC 2017.
Đối thoại dự kiến sẽ thu hút sự tham dự của khoảng 200 đại biểu, trong đó có Bộ trưởng các Bộ phụ trách lao động và việc làm đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC, đại diện các Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này và các bên liên quan trong nước và khu vực từ 21 nền kinh tế thành viên APEC. Cùng với Đối thoại cao cấp, từ 11 – 14/5 đã diễn ra một số hội thảo bên lề được tổ chức như: Hội nghị về Thông tin thị trường lao động trong Kỷ nguyên số vào ngày 11/5, Hội nghị thúc đẩy An sinh xã hội trong APEC vào ngày 12/5, Hội nghị trù bị cho cuộc Đối thoại Chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số dự kiến vào ngày 13/5, Hội nghị Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực HRD WG vào ngày 14/5.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.