Thủ tướng: Huế phải tận dụng 'vẻ đẹp chẳng nơi nào có được'
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Chiều 2/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên-Huế. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ, ngành.
Phát triển dưới mức tiềm năng
Theo báo cáo của Thừa Thiên-Huế, năm 2017, tỉnh đạt và vượt 12/13 chỉ tiêu. Chỉ tiêu duy nhất không đạt là tăng trưởng kinh tế, chỉ đạt 7,76% (kế hoạch là 8-8,5%), xếp thứ 5/12 tỉnh khu vực miền Trung.
Năm qua, tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ với tổng giá trị thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng.
Năm 2018, tỉnh tập trung phát triển du lịch, dịch vụ, coi đây là một trong những mũi đột phá chiến lược, với mục tiêu đóng góp 25-30% trong tổng thu ngân sách Nhà nước. Hiện ngành du lịch-dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chiếm gần 57% trong GRDP, nhưng chỉ đóng góp 15% vào ngân sách của tỉnh.
Tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm là giải tỏa di dời dân ở khu vực Đại Nội, tăng cường xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ trùng tu Kinh thành Huế và khai thác cảnh quan thiên nhiên hai bờ sông Hương. Quy hoạch phát triển và khai thác có hiệu quả Vườn quốc gia Bạch Mã phục vụ du lịch để kết nối với Bà Nà - Vịnh Lăng Cô - phố cổ Hội An tạo thành trung tâm du lịch đẳng cấp thế giới.
Nhất trí với lối đi của Thừa Thiên-Huế, một số ý kiến thành viên đoàn công tác Chính phủ chia sẻ với “thế khó” của tỉnh, khi mà mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp. Để tạo bứt phá trong phát triển kinh tế, cần phải thu hút các dự án công nghiệp, song Thừa Thiên-Huế là vùng đất có nhiều di sản (5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận), nếu tập trung phát triển công nghiệp sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống và di sản, cản trở tiến trình tăng trưởng xanh và bền vững.
Du lịch cần xác định là lợi thế chuyên biệt, lâu dài để dồn hết sức phát triển; công nghiệp và nông nghiệp phải đi theo, hay “nhường cho du lịch”, tức là phát triển công nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, đặc sản, hữu cơ, “chứ không thể xây điện than…”. Bên cạnh đó, tỉnh cần có các sản phẩm du lịch đặc thù để níu chân du khách, vì tỷ lệ khách lưu trú hiện nay còn ở mức thấp.
Thủ tướng trò chuyện với người nước ngoài tại Trung tâm Hành chính công Thừa Thiên-Huế. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Biểu dương nỗ lực của Thừa Thiên-Huế, Thủ tướng nhìn nhận tỉnh phát triển ở dưới mức tiềm năng. Tỉnh có thế mạnh rất lớn về kết cấu hạ tầng, có thể phát triển du lịch, dịch vụ mạnh hơn; phát triển kinh tế biển đóng góp nhiều hơn, kinh tế rừng, công nghiệp chế biến có những định hướng rõ hơn, nhưng chưa tạo được đột phá cần thiết. Nhất là môi trường đầu tư ở mức trung bình. Một số dự án lớn còn chậm tiến độ.
“Các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện phải có tầm nhìn, phải có trách nhiệm hơn, sát dân, sát cơ sở hơn, lo lắng công việc nhiều hơn, giải quyết vướng mắc kịp thời hơn cho người dân và doanh nghiệp để tạo nên sự phát triển mạnh mẽ, đột phá hơn của tỉnh nhà”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Đừng để phát triển bình bình”.
Cần giữ được đất Huế cổ kính
Thủ tướng nhấn mạnh, Huế có tiềm lực ít có nơi nào sánh được. Đó là vùng đất của văn hóa lịch sử Việt Nam, là "một Kyoto của Việt Nam". Huế nằm trong vùng dày đặc di sản văn hóa và nhiều di sản thiên nhiên như: Hội An, Đà Nẵng, Phong Nha, Sơn Đoòng, Mỹ Sơn… và bản thân Huế cũng là một thành phố di sản với quần thể di tích lịch sử nổi tiếng, thắng cảnh kỳ vĩ ít nơi nào sánh kịp như vịnh Lăng Cô, Bạch Mã.
Vì vậy, với đặc điểm như thế, phát triển Huế phải khác với mô hình của thành phố sôi động như TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, mà nên tận dụng thế mạnh là văn hóa lịch sử, vẻ đẹp bình an, lãng mạn “để mà tìm thấy “vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được” (lời một bài hát) là cái gì?”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Thủ tướng trò chuyện, thăm hỏi cán bộ, viên chức của Trung tâm Hành chính công Thừa Thiên-Huế. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thừa Thiên-Huế cần có quy hoạch tốt và quản lý tốt quy hoạch để giữ được đất Huế cổ kính và hai bờ sông Hương được bảo tồn. Huế được hiện đại hóa nhưng hài hòa trong tổng thể. Khai thác lợi thế so sánh của các ngành nhưng không mâu thuẫn, cản trở lẫn nhau, nhất là kinh tế biển, công nghiệp chế biến không được ảnh hưởng đến môi trường, du lịch.
Hướng đột phá của Huế vẫn phải là du lịch, dịch vụ và các liên kết kinh tế. Cần một hệ sinh thái các ngành nghề hỗ trợ du lịch và làm bài bản, chuyên nghiệp có chiều sâu, làm sao để du khách đến Huế lưu lại dài ngày hơn.
Tỉnh cần phát triển các loại hình doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình, kinh tế hợp tác, hợp tác xã, đặc biệt các làng nghề truyền thống. Cần áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào phát triển du lịch và quản lý di tích.
Điều tỉnh cần tập trung làm là quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt chú ý những chỉ số xếp hạng còn thấp như tính năng động của chính quyền… Cần sự liên kết chặt chẽ giữa Đại học Huế với chính quyền các cấp và doanh nghiệp ở địa phương để phối hợp hỗ trợ đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, xây dựng chính sách, thực hiện quy hoạch… Phát huy vai trò của Đại học Huế như một cực tăng trưởng đối với địa phương.
Huế phải đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là từ tư nhân, để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội. Muốn làm được điều đó thì cần tỉnh cần có cơ chế chính sách thông thoáng, nhất quán, hấp dẫn. “Một tinh thần là phải làm mạnh mẽ nhưng chặt chẽ, dám nghĩ dám làm để phát triển”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hiệp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tỉnh cần chú trọng bảo vệ môi trường hơn nữa, cả môi trường sinh thái, môi trường văn hóa, môi trường sống an ninh, an toàn để ngày càng nhiều người giỏi, người giàu, nhiều nhà đầu tư mang gia đình đến sống ở cố đô. “Từ Điềm Phùng Thị đến Trịnh Công Sơn, đến Lê Bá Đảng và những người nổi tiếng khác đều mong muốn mang gia sản quý báu còn lại về quê hương Huế thân yêu”, Thủ tướng chia sẻ và cho biết, qua tìm hiểu, ông được biết em ruột của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn muốn đem tất cả gia sản còn lại của Trịnh Công Sơn về Huế.
Thủ tướng nhấn mạnh, là thành phố du lịch, Huế phải luôn sạch sẽ, ngăn nắp, trật tự. “Tôi có câu hỏi là trời ẩm mốc, mưa liên tục như xứ này thì làm sao chống lại?”, Thủ tướng băn khoăn. “Nói thì dễ chứ làm không dễ, mưa liên tục như thế thì thành phố có dễ bị bẩn không?”.
Đi liền với vấn đề môi trường là việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể, để các di sản phong phú độc đáo mãi mãi cùng thời gian.
Thủ tướng đề nghị Thừa Thiên-Huế phải có chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 6 vừa qua, Nghị quyết 01 của Chính phủ với phương châm 10 chữ: Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái, chệch hướng, chống làm việc cầm chừng và sắp xếp lại bộ máy hiệu lực, hiệu quả, hành động mạnh mẽ, đồng bộ.
Thủ tướng thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hường. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng lưu ý tỉnh có các hoạt động thiết thực chăm lo Tết cho người dân, nhất là các hộ gia đình chính sách, có công với cách mạng, hộ nghèo và phải bắt tay ngay vào việc, hoàn thành toàn diện kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2018 với chất lượng cao nhất.
Nhân dịp này, Thủ tướng đã thăm hỏi, động viên Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hường (phường Xuân Phú) và Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hiệp (phường Trường An); tham quan Trung tâm Hành chính công Thừa Thiên-Huế.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.