Thủ tướng sẽ lập Tổ công tác đặc biệt cắt giảm và ngăn chặn rào cản

2020-01-02 18:15:10 0 Bình luận
Thủ tướng sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, với mục tiêu dự kiến cắt giảm 20% các văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, ít nhất 20% chi phí hành chính tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh mỗi năm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Hà Chính

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết điều này tại cuộc họp ngày 2/1 về việc xây dựng công cụ và kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.

Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch, nòng cốt của Tổ công tác này là VPCP, Bộ Tư pháp và lãnh đạo cấp vụ, cục của các bộ liên quan.

Cắt giảm và ngăn chặn

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, buổi làm việc đầu tiên trong năm mới bàn về nội dung này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ. Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải cách nhưng các nước cũng cải cách rất mạnh. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2019 tăng tới 10 bậc, nhưng môi trường kinh doanh lại tụt 1 hạng dù vẫn tăng điểm.

Quan điểm chỉ đạo của kế hoạch là cắt giảm ngay những quy định là rào cản với hoạt động sản xuất, kinh doanh và ngăn chặn việc phát sinh các quy định mới làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Với các quy định nằm trong luật, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội sửa đổi.

Tinh thần chung của kế hoạch này là sẽ tiếp tục quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, trong đó có việc sửa đổi 25 điểm chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật mà Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) chỉ ra mới đây. Đặc biệt, phải kiểm soát việc ban hành các thông tư, nhiều rào cản rất lớn đang nằm trong các văn bản này. Cùng với đó, cải cách mạnh mẽ các quy định về kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Một điểm nổi bật của dự thảo kế hoạch là nguyên tắc khi ban hành một văn bản mới phải bãi bỏ ít nhất một văn bản cũ, riêng thông tư thì ban hành một phải bãi bỏ ít nhất hai. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm, sẽ tham khảo kinh nghiệm của Vương quốc Anh về nội dung này.

Cùng với đó, kế hoạch sẽ nghiên cứu bộ công cụ tính toán chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các quy định; xếp hạng, đánh giá sự tích cực của bộ ngành, địa phương. “Báo chí và doanh nghiệp phản ánh rằng có những bộ công bố cắt giảm điều kiện và thủ tục nhưng thực chất không được như thế”, Bộ trưởng nói.

Không để cắt cái này, mọc cái khác

Cung cấp thêm thông tin về dự thảo kế hoạch, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, VPCP nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là “cái gì làm được thì làm ngay đừng để hôm sau”. Ông cũng cho rằng, hiện nay là thời điểm chín muồi để đẩy mạnh cải cách, đặc biệt là về công cụ. Hiện VPCP đang phối hợp với VNPT đểxây dựng phần mềm thống kê tất cả các văn bản có liên quan tới hoạt động kinh doanh, kể từ cấp công văn hướng dẫn cho tới luật, nghị quyết của Quốc hội. Việc này cũng phù hợp với khuyến nghị của OECD.

Cùng với đó, quá trình rà soát cũng sẽ xem xét cả các dự thảo văn bản, do đó các đơn vị của các bộ cũng cần phải vào cuộc tích cực, chặt chẽ, tránh tính trạng “cắt cái này mọc cái khác như đầu Phạm Nhan”.

Cũng theo ông Ngô Hải Phan, một hướng khác là khi hướng dẫn các luật, nếu thuộc phạm vi quản lý của một bộ thì chỉ ban hành một nghị định hướng dẫn, tránh tình trạng một luật ban hành hàng chục nghị định, “rất mất thời gian và nguồn lực của Chính phủ”. Cũng tương tự như vậy với các thông tư. 

Trước mắt trong năm 2020, mục tiêu là xử lý ngay những vấn đề mà VCCI cùng với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đề xuất. Đồng thời, thống kê đầy đủ toàn bộ các văn bản liên quan tới hoạt động kinh doanh.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho rằng, cần hạn chế việc ban hành các thông tư, tiến tới làm sao ban hành nghị định mà không cần thông tư hướng dẫn. Ông nhắc tới việc mới đây, một Cục của một Bộ ban hành một công văn mà “cả nước phải theo”. “Cần xác định rõ thẩm quyền, thông tư của Bộ đang quy định thế này nhưng Cục ra văn bản yêu cầu không thực hiện như thế nữa. Việc thực hiện kế hoạch sẽ chỉ rõ những việc tương tự, tránh việc tự tiện ban hành như vậy”.

Ảnh: VGP/Hà Chính

 

Cách tiếp cận mới, khó và triệt để

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho biết “vô cùng hoan nghênh và đánh giá rất cao” sáng kiến triển khai kế hoạch này. “Điều này vượt qua tất cả các giải pháp cải cách mà chúng ta đang làm và chúng tôi rất kỳ vọng, vì kế hoạch này không dừng lại ở việc cắt giảm thủ tục, điều kiện mà bãi bỏ hẳn quy định, văn bản. Tôi biết, Vương quốc Anh có khái niệm về quy định thông minh, với hàm ý rằng với một xã hội ngày càng thông minh, thì nhà nước nên ban hành ít quy định thôi, nhưng quy định phải thông minh”, ông Hiếu phát biểu.

Đồng ý với các nguyên tắc mà dự thảo kế hoạch nêu ra, ông Phan Đức Hiếu góp ý thêm, nên hướng tới việc chỉ ban hành một nghị định, một thông tư cho mỗi lĩnh vực, mỗi vấn đề hoặc nhóm lĩnh vực, nhóm vấn đề, nếu không sẽ tiếp tục chồng chéo. Cùng với đó, các quy định về kinh doanh rất rộng, Tổ công tác cần xác định trọng tâm cải cách để tránh tình trạng các bộ sẽ “ưu tiên” đề xuất cắt giảm các nội dung dễ làm nhưng ít có ý nghĩa.

Đánh giá cao cách tiếp cận của dự thảo kế hoạch là tiếp cận tổng thể, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, có 3 điểm nhấn trong cải cách. Đầu tiên là việc bãi bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh ở cấp thông tư năm 2016, tiếp đó là việc cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh năm 2018.

“Và lần này còn trọng tâm hơn, tổng thể hơn, nhưng tôi đề xuất cần ưu tiên xử lý các quy định chồng chéo và bảo đảm minh bạch”, ông Lộc phát biểu. Cùng với đó, cần căn cứ vào các kinh nghiệm tốt của quốc tế, vào cách làm của nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN về môi trường kinh doanh. 

Đồng tình với dự thảo kế hoạch, song nhiều ý kiến phát biểu từ các bộ tham gia cuộc họp cũng bày tỏ e ngại một số vấn đề, nhất là về tính khả thi và tác động của nội dung “ban hành một thông tư mới phải bãi bỏ ít nhất hai thông tư cũ”.

Tuy nhiên, ý kiến các chuyên gia không đồng tình với e ngại này. Theo ông Phan Đức Hiếu, quan trọng là việc thay đổi phương thức quản lý, tư duy quản lý, bãi bỏ các quy định không còn phù hợp. Ông khẳng định nguyên tắc một đổi một là phù hợp và đã được thực tế kiểm chứng.

Còn ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI cũng đồng tình với mục tiêu và nguyên tắc bãi bỏ văn bản mà dự thảo kế hoạch đề ra. “Vấn đề không chỉ nằm ở điều kiện kinh doanh hay thủ tục hành chính. Thực tế chúng tôi thấy ngay cả biểu mẫu cũng chứa đựng điều kiện kinh doanh. Do đó, cần phải thay đổi tư duy và công cụ quản lý”, ông Tuấn nói. Cũng theo ông Tuấn, thực tế cho thấy đang có xu hướng các bộ tách ra để ban hành nhiều văn bản thay vì gom lại, “làm cho quy trình trở nên tốn kém và hệ thống pháp luật trở nên phức tạp”.

Giải thích thêm về nội dung này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đây là cải cách mang tính triệt để, mang tính quyết định lâu dài. Thực tế là các thông tư không được lấy ý kiến kỹ lưỡng như ở cấp nghị định hay luật, nên “loằng ngoằng nhiều ở thông tư”. Nếu không áp dụng nguyên tắc “một đổi một, một đổi hai” thì người dân và doanh nghiệp phải tiếp cận rất nhiều văn bản mới nắm được hết các quy định, tất nhiên, việc này sẽ không áp dụng cứng nhắc. Bộ trưởng đề nghị đồng thuận với cách tiếp cân này để thực thi quyết liệt theo tinh thần Chính phủ kiến tạo.

“Khi ban hành Nghị định thay thế Nghị định 38, Bộ Y tế cắt giảm tới trên 90% các mặt hàng kiểm tra an toàn thực phẩm, nhưng số người bị đau bụng đâu có tăng lên. Như vậy là cắt giảm thủ tục mà vẫn bảo đảm quản lý Nhà nước”, Bộ trưởng nhắc tới một ví dụ cải cách thành công.

“Đây là vấn đề rất quan trọng, Thủ tướng rất mong đợi. Cách tiếp cận mới và khó, nhưng khó mới triệt để được và tinh thần đưa ra là phải làm được”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết sau cuộc họp, VPCP sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng, lấy ý kiến các bộ, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết và trình Thủ tướng ban hành kế hoạch thực hiện trong tháng 2.

 

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Khởi công dự án đường cao tốc qua tỉnh Nam Định - Thái Bình và Khu công nghiệp Hưng Phú

Dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình là dự án đối tác công tư (PPP) lớn nhất ngành giao thông hiện nay với tổng mức đầu tư 19.785 tỷ đồng.
2025-05-12 16:34:29

Tác phẩm dự thi viết chính luận: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” 2025: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ cuộc “cách mạng” sắp xếp, tinh gọn bộ máy - ý đảng hợp lòng dân

Kể từ tháng 11/2024, sau bài: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” có ý nghĩa như một lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Tô Lâm, Đảng, Nhà nước ta khẩn trương bắt tay vào việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; với tinh thần tiên phong gương mẫu từ Trung ương xuống địa phương “vừa chạy vừa xếp hàng”.
2025-05-12 14:59:26

Huyện Ý Yên nỗ lực xoá nhà tạm, nhà dột nát

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát huyện Ý Yên (Ban Chỉ đạo) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa phương trên địa bàn huyện có một mái ấm an toàn, vững chãi.
2025-05-12 10:30:59

Huyện Ý Yên trao tặng 260 suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi và người lớn tích cực học tập

Chiều ngày 10/5, Hội Khuyến học huyện Ý Yên, Hội Khuyến học tỉnh Nam Định và các nhà tài trợ phối hợp tổ chức Chương trình trao tặng học bổng “Học không bao giờ cùng” và học bổng “Tống Văn Trân” cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi và người lớn tích cực học tập.
2025-05-12 09:35:55

Lễ Công bố thành lập Trung tâm Kỹ thuật Chống hàng giả ACF

Sáng ngày 11/5, Lễ Công bố quyết định thành lập Trung tâm Kỹ thuật Chống hàng giả ACF đã diễn ra tại TP. HCM.
2025-05-11 15:09:35

Thủ tướng: Cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trước 31/10/2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quyết tâm cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước ngày 31/10/2025, sớm hơn 2 tháng so với mục tiêu ban đầu đã đề ra; trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực để hỗ trợ nhà ở cho thân nhân liệt sĩ (xong trước ngày 27/7) và người có công với cách mạng (xong trước ngày 2/9).
2025-05-11 13:21:21
Đang tải...