Thực hư vay trả góp 0%: Ai đang được lợi?
Khi tín dụng tiêu dùng được coi là “bà đỡ” cho thị trường tiêu dùng cũng là lúc thị trường xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh độc đáo, sáng tạo.
Một trong số đó là hình thức bán hàng theo hình thức trả góp với lãi suất 0%. Vậy thực hư câu chuyện “lãi suất 0%” ra sao, ai sẽ là người được hưởng lợi từ gói vay này?
Là người có kinh nghiệm hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng Việt Nam và từng khởi xướng nhiều phương thức giao dịch thương mại mới, ông Lưu Quốc Yên, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH MTV VACOD – Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam, cho biết, xu hướng hiện nay là doanh nghiệp bán lẻ và công ty tài chính song hành cùng nhau.
“Nếu không có sự hỗ trợ từ các công ty tài chính thì doanh nghiệp cũng khó bán được nhiều hàng. Sự liên kết này chính là một hình thức kích cầu tiêu dùng. Nhìn qua, đây là sự liên kết giữa 2 bên, doanh nghiệp bán lẻ và công ty tài chính. Tuy nhiên, trên thực tế, nó lại là sự tham gia của 3 bên: doanh nghiệp bán lẻ, công ty tài chính và người tiêu dùng”, ông Lưu Quốc Yên cho biết.
Người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều nhờ sự liên kết của các công ty tài chính và doanh nghiệp bán lẻ. Thậm chí, có những sản phẩm bán trả góp với lãi suất 0%, mà thực chất giá không hề bị đẩy lên.
Thay vì doanh nghiệp bán lẻ phải đầu tư nhiều cửa hàng, họ lại hạn chế mở rộng quy mô, tập trung tiếp cận khách hàng theo các phương thức như bán hàng online, quảng cáo đến tận người tiêu dùng bằng nhiều cách khác nhau. Khi đó, doanh nghiệp bán lẻ đã tiết giảm được rất nhiều chi phí vận hành cho một hay nhiều cửa hàng, thậm chí họ chỉ còn phải duy trì chi phí cho kho hàng mà thôi, trong khi chi phí thuê kho lại không lớn như thuê cửa hàng.
“Một khi doanh nghiệp cắt giảm được chi phí thì cho dù họ bán một sản phẩm vẫn với mức giá cũ cũng sẽ thu được lãi nhiều hơn do không phải gánh nhiều chi phí khác. Cùng với đó, chẳng hạn như khi bán một chiếc tủ lạnh giá 17 triệu đồng, khách hàng chỉ cần ngồi tại nhà gọi điện hoặc click chuột là sẽ có người giao hàng tận nhà. Thậm chí, nhà bán lẻ sẵn sàng giảm giá sản phẩm chỉ còn 16,9 triệu đồng để đảm bảo luôn rẻ hơn giá trị trường. Cùng với đó, doanh nghiệp (thực chất là công ty tài chính có liên kết với doanh nghiệp) sẵn sàng hỗ trợ người tiêu dùng bằng cách cho vay lãi suất 0%. Ưu đãi như vậy cộng với gói hỗ trợ tài chính chắc chắn sẽ làm thỏa mãn mọi đối tượng khách hàng”, ông Lưu Quốc Yên nói.
Trên thực tế, nguồn tiền hỗ trợ cho tiêu dùng được “bơm” từ các công ty tài chính. Với hình thức này, vô hình chung người tiêu dùng vừa là khách hàng của nhà bán lẻ, vừa là khách hàng của công ty tài chính. Với lãi suất cho vay trả góp là 0%, nhưng thực chất, chi phí quản lý của doanh nghiệp lại tiết kiệm được khá nhiều.
“Trong cái giá 16,9 triệu đồng ấy, nhà bán lẻ coi như đã lãi 1 triệu đồng, do đó, họ trích ra 500.000 đồng để trả cho công ty tài chính cũng là chuyện bình thường. Như vậy, giá vẫn rẻ hơn thị trường mà lại tiết kiệm được chi phí cho doanh nghiệp. Khoản tiết kiệm này cả 3 bên: nhà bán lẻ, công ty tài chính và khách hàng cùng được lợi,” ông Lưu Quốc Yên phân tích thêm.
Xu hướng bán hàng theo hình thức này đang ngày càng được nhiều khách hàng lựa chọn. Theo tiết lộ của ông Yên, với phương thức này, hiện tại có doanh nghiệp bán lẻ trung bình một ngày thu về tới 6 tỷ đồng doanh thu và để đạt được mức doanh thu này đã có 4 công ty tài chính tiêu dùng sát cánh cùng họ.
Cũng theo ông Yên, phương thức mua hàng trả góp hoặc vay tiêu dùng từ các công ty tài chính giờ đã không còn xa lạ với người tiêu dùng. Trong tương lai không xa, mô hình này được xác định sẽ thay thế vai trò cung cấp tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng thương mại. Thậm chí, lãi suất ở một số công ty tài chính sẽ còn thấp hơn ngân hàng do chi phí hoạt động của các ngân hàng lớn hơn rất nhiều so với công ty tài chính. Nguyên nhân là do công ty tài chính không phải lo chi phí để đầu tư cho hệ thống core banking quá phức tạp như ở các ngân hàng, không cần tốn nhiều tiền để mở chi nhánh hoặc phòng giao dịch, không phải lo huy động tiền gửi tiết kiệm… Nói chung, hoạt động hết sức nhỏ gọn sẽ giúp cho công ty tài chính tiết kiệm được chi phí.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.