Thương binh làm giàu: 70 tuổi cụt 2 tay nuôi 250 đàn ong, trồng 50 tấn quả
Ông Kỷ kể, năm 18 tuổi ông viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện lính trinh sát, ông được biên chế vào đơn vị C11 - D3 thuộc Sư đoàn 473. Đơn vị của ông tham gia chiến đấu chủ yếu tại mặt trận Trị Thiên, với các chiến trường ác liệt, như: Đông Hà, Cam Lộ, Khe Sanh và mặt trận Nam Lào.
Tháng 9/1972, trong một lần thực hiện nhiệm vụ, ông bị thương và mất đi đôi bàn tay do mìn nổ. Cuối năm 1972, ông Kỷ được cho xuất ngũ về quê Thái Bình.
Tại quê nhà, ông kỷ gặp "cô gái mở đường" Nguyễn Thị So- người sau này trở thành vợ ông. Năm 1985, khi Đảng và Nhà nước kêu gọi người dân các tỉnh miền xuôi đi xây dựng vùng kinh tế mới tại các tỉnh phía Tây Bắc, vợ chồng ông Kỷ đã đăng ký lên tiểu khu Sao Đỏ, thị trấn Nông trường Mộc Châu (nay là tiểu khu Sao Đỏ 1, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ).
Tuổi đã cao nhưng hai vợ chồng ông Đoàn Thế Kỷ vẫn cần mẫn chăm lo phát triển kinh tế, vườn tược (Ảnh; Báo Sơn La)
Thời gian đầu, vợ chồng ông làm đủ nghề để kiếm sống, từ công nhân hái chè, trồng ngô, đến chăn nuôi trâu, bò. Có 4 người con, ông bà bảo ban nhau cố gắng cho con đi học đầy đủ. Với quyết tâm thoát nghèo, gia đình ông đã chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng mận hậu, bưởi da xanh, bưởi đỏ, xoài lai và cải tạo vườn nhãn địa phương bằng giống nhãn chín muộn. Mất đi đôi bàn tay, nhưng ông Kỷ không ngừng sáng tạo, cải tiến những công cụ lao động phù hợp.
Hiện gia đình ông có trên 4 ha cây ăn quả đã cho thu hoạch, với sản lượng hàng năm đạt trên 50 tấn quả các loại. Ngoài ra, ông còn nuôi trên 250 đàn ong, từ các nguồn trên, thu nhập của gia đình đạt trên 400 triệu đồng/năm. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Kỷ còn là tấm gương mẫu mực. Năm 2016, huyện triển khai dự án làm tuyến đường rộng 31,5m nối từ quốc lộ 6 cũ vào trung tâm huyện, gia đình ông đã tình nguyện hiến 6.000m² đất, gồm ao cá, diện tích trồng cây mận hậu để mở rộng mặt đường.
Bên cạnh đó, ông Kỷ còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, các hoạt động ở địa phương. Ông còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giúp họ phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo, được bà con trong tiểu khu, các đồng đội yêu mến, cảm phục.
Tương tự cựu chiến binh Đoàn Thế Kỷ, thương binh 2/4 Nguyễn Khắc Lục, ngụ xã Liên Hà, Đan Phượng (Hà Nội) cũng là gương thương binh như thế. Sau thời gian tham gia chiến trường Quảng Trị năm 1972, ông Lục trở về quê hương, phát triển kinh tế từ nghề mộc. Cùng với hội cựu chiến binh xã, ông Lục thành lập Hợp tác xã công nghiệp 19/5, sản xuất các đồ gia dụng như bàn, ghế,... Với diện tích 300m2, cùng 13 xưởng sản xuất, hợp tác xã tạo công ăn việc làm cho 120 lao động, đem về thu nhập từ 10- 12 triệu/người.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.