Thưởng trà, ngắm hoa thuỷ tiên ngày Tết
Đại diện Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho biết, hòa chung tinh thần bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và quảng bá hình ảnh khu Phố cổ nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung, thương hiệu thủ công Việt Hanoia tổ chức chương trình mang tên “Thưởng Trà - Ngắm hoa thuỷ tiên ngày Tết với Hanoia”.
Chương trình "Thưởng Trà - Ngắm hoa thuỷ tiên ngày Tết" tại ngồi nhà cổ 38 Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội
Mục đích của chương trình là nhằm tôn vinh những giá trị tinh hoa của nghệ thuật trà Việt Nam, cũng như góp phần mang đến cho công chúng một cái nhìn cụ thể hơn về nghệ thuật đón Tết đậm chất Việt, sự kiện bao gồm buổi chia sẻ của nghệ nhân trà Nguyễn Cao Sơn, người đã đồng hành và gắn bó với Hanoia từ những năm 2015.
Cũng tại chương trình “Thưởng Trà - Ngắm hoa thuỷ tiên ngày Tết” nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn đã có những chia sẻ về trà cổ thụ san tuyết và nghệ thuật pha trà, thưởng thức các loại trà cao cấp mà ông đã giới thiệu trong buổi tiệc trà giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú trọng và Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình, trong không gian ấm cúng của ngôi nhà cổ 38 Hàng Đào. Từ đó, người tham gia được truyền tải niềm đam mê và nguồn động lực khi theo đuổi những giá trị truyền thống này.
Trong buổi thưởng trà, các vị khách còn được lắng nghe nghệ nhân Phạm Hồng Phương, một chuyên gia trong lĩnh vực chơi hoa thủy tiên và tác giả cuốn “Hướng dẫn gọt tỉa và chăm sóc hoa thủy tiên” chia sẻ về cách gọt củ thủy tiên sao cho hoa nở đúng ngày Tết.
Nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn chia sẻ về trà cổ thụ san tuyết và nghệ thuật pha trà
Hoa thủy tiên được ví như “nàng tiên nước”, mang hương sắc kiêu sa và cao quý, tượng trưng cho may mắn, sức sống tràn đầy cùng vẻ đẹp thanh tao của mùa xuân. Chơi hoa thủy tiên là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Hà thành mỗi dịp Tết đến, thể hiện lối sống tao nhã và thú chơi công phu từ ngàn đời. Bên cạnh đó, không gian của “Trà – Tết phố hương thuỷ tiên với Hanoia” còn trưng bày các sản phẩm của Hanoia đặc trưng cho dịp Tết, được khách hàng lựa chọn.
Trước đó, Hanoia đã tổ chức hội thảo “Nghệ thuật sơn mài với Hanoia”, “Thổi hồn đương đại vào sơn mài truyền thống",... để bất cứ ai có chung niềm đam mê với nghề thủ công Việt cũng có thể tham gia và thử sức với các công đoạn của nghề chế tác sơn mài, cũng như thấu hiểu tường tận về cái khó mà những nghệ nhân cần trải qua trước khi cho ra đời các tạo tác sơn mài đạt tiêu chuẩn.
Nghệ nhân Phạm Hồng Phương trình diễn nghệ thuật làm hoa thủy tiên
Ra đời năm 1997 tại tỉnh Bình Dương - một trong những thủ phủ của sơn mài Việt Nam từ thế kỷ XIV, thương hiệu Hanoia dần được biết tới như điểm kế thừa tinh hoa của nghề thủ công truyền thống. Thương hiệu từng chế tác phụ kiện cao cấp cho các nhà mốt có uy tín ở châu Âu từ năm 2002 và mối quan hệ hợp tác này đến nay vẫn còn tiếp diễn. Đồng thời, Hanoia duy trì và phát triển các kỹ thuật xứng tầm bậc thầy như nghệ thuật sơn mài, xử lý lụa Lãnh Mỹ A,...
Năm 2013, sau thành công của bộ sưu tập trang trí nội thất mới, Hanoia chính thức mở cửa xưởng sơn mài thứ hai tại một làng nghề sơn mài nổi tiếng được hình thành từ thế kỷ XVI ở gần Hà Nội. Những người thợ sơn mài tài hoa và khéo léo vẫn tiếp tục phát huy các kỹ thuật thủ công truyền thống. Tới nay, Hanoia là tên tuổi có công nâng giá trị sơn mài Việt lên tầm quốc tế, được khách hàng trên khắp thế giới biết tới. Các sản phẩm của Hanoia bao gồm đồ trang trí nhà cửa, thời trang, trang sức và quà lưu niệm.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.