Thủy điện ĐăkMi 4 thừa nhận ăn gian xả nước về sông Vu Gia trả cho Đà Nẵng!
Từ quan điểm “xả nước về sông Vu Gia thì không lấy được tiền!”...
Trước tình hình hạn hán diễn ra ngày càng nặng, sáng 3/3, tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và các sở, ngành hữu quan của hai địa phương này để bàn phương hướng đảm bảo cung cấp nước cho hạ du trong mùa khô 2016 kết hợp với vận hành hiệu quả các hồ thủy điện trên địa bàn.
Buổi làm việc do Bộ Công thương chủ trì với lãnh đạo TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam sáng 3/3 (Ảnh: HC) |
Tại buổi làm việc, ông Đinh Hữu Tấn, Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện ĐăkMi, chủ đầu tư nhà máy thủy điện ĐăkMi 4 đã gây nhiều “chú ý” khi cho hay, trong quá trình tích nước và xả nước phát điện, thủy điện ĐăkMi 4 đã “ăn gian” lượng nước phải xả về sông Vu Gia để trả lại cho TP Đà Nẵng và các địa phương hạ du sông Vu Gia theo đúng quy định của Thủ tướng, mà như chính ông này cho hay là: “Chúng tôi xả nước về sông Vu Gia là nước ra biển, không lấy được tiền!”.
Như Infonet nhiều lần phản ảnh, việc nhà máy thủy điện ĐăkMi4 chuyển toàn bộ nước từ sông ĐăkMi sang sông Thu Bồn để tối ưu hóa lợi ích phát điện của mình mà không trả nước về sông Vu Gia đúng với dòng chảy tự nhiên (theo nguyên tắc lấy nước của nơi nào phải trả lại cho nơi đó) đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của hơn 1,7 triệu dân vùng hạ du sông Vu Gia (đặc biệt là Đà Nẵng với gần 1 triệu dân). Từ đây đã khiến tình trạng thiếu nước sinh hoạt, xâm nhập mặn... ngày càng nghiên trọng, nhất là trong mùa khô, nên đã bị Đà Nẵng và Quảng Nam nhiều lần phản đối, kiến nghị lên các bộ, ngành TƯ và Thủ tướng Chính phủ.
Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn (theo Quyết định 1537/QĐ-TTg ngày 7/9/2015). Trong đó, tại chương 3 “Vận hành các hồ chứa A Vương, ĐăkMi4, Sông Tranh 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A và Sông Bung 5 trong mùa cạn” đã quy định rõ việc thủy điện ĐăkMi 4 phải vận hành xả nước về hạ lưu sông Vu Gia.
Căn cứ mực nước thực đo lúc 7h sáng hàng ngày tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa, vận hành hồ như sau: Trường hợp mực nước tại trạm Ái Nghĩa nhỏ hơn 2,67m, vận hành xả nước liên tục với lưu lượng bằng 25,0 m3/s. Trường hợp mực nước tại trạm Ái Nghĩa từ 2,67 - 2,80m, vận hành xả nước liên tục với lưu lượng không nhỏ hơn 12,5 m3/s; trường hợp mực nước tại trạm Ái Nghĩa lớn hơn 2,80 m, vận hành xả nước liên tục với lưu lượng không nhỏ hơn 5 m3/s.
Sau khi đã bảo đảm việc vận hành xả nước về hạ lưu sông Vu Gia, căn cứ vào mực nước hồ hiện tại và dự báo dòng chảy đến hồ trung bình 10 ngày tới, thủy điện ĐăkMi 4 mới quyết định vận hành xả nước về hạ lưu sông Thu Bồn cho phù hợp.
Ông Đinh Hữu Tấn, Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện ĐăkMi biện minh cho việc nhà máy thủy điện ĐăkMi 4 ăn gian lượng nước phải xả về sông Vu Gia để trả cho TP Đà Nẵng! (Ảnh: HC) |
Thủy điện ĐăkMi 4 đã ăn gian việc xả nước trả cho Đà Nẵng như thế nào?
Tuy nhiên ông Đinh Hữu Tấn cho biết, việc nhà máy thủy điện ĐăkMi 4 xả nước về sông Thu Bồn là ổn (vì xả nước về nhánh này là để phát điện, có lợi cho nhà máy - PV); riêng xả nước về sông Vu Gia để trả nước cho TP Đà Nẵng từ khi quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn có hiệu lực từ tháng 9/2015 đến nay thì lại “có vấn đề”.
“Chúng tôi xả nước theo mực nước tại Ái Nghĩa mà mực nước ở đó lên xuống khủng khiếp, nên Đà Nẵng phải thông cảm là chúng tôi trả nước về cho TP rất khó khăn. Rõ ràng 3 dòng của thủy điện Sông Bung, A Vương và ĐăkMi đều đổ về Ái Nghĩa, nhưng ĐăkMi 4 cứ phải theo mực nước Ái Nghĩa để trả cho Đà Nẵng, vậy thì sẽ có những lúc không đáp ứng được yêu cầu nên các anh phải thông cảm. Bây giờ hạn hán thì chúng tôi cũng vẫn phải trả nước. A Vương dừng, Sông Bung dừng, chúng tôi cũng vẫn phải trả, cho nên rõ ràng chúng tôi phải cân đối ở mức độ tương đối chứ không phải là không thực hiện quy trình!” – ông Đinh Hữu Tấn nói.
Đáng chú ý, ông này nói thêm: “Chúng tôi vẫn tuân thủ quy trình nhưng các anh cũng phải thông cảm. Ví dụ có lúc mực nước ở Ái Nghĩa chỉ có 2,1m nhưng có lúc lên tới hơn 3m. Biểu đồ chúng tôi hoàn toàn lấy số liệu của Ái Nghĩa lúc 7h sáng theo quy định. Chúng tôi tuân thủ hàng ngày, nhưng rõ ràng cũng... ăn gian một tí. Ví dụ đáng lẽ phải xả 5 thì chúng tôi xả 3, hay đáng lẽ phải xả 8 thì chúng tôi xả 5... Chúng tôi có ăn gian một tí, nói thực như thế, vì mực nước nó trồi sụt, thay đổi quá nhiều!”.
Chưa hết, ông Đinh Hữu Tấn còn đặt vấn đề với Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) Hoàng Văn Bẩy: “Nếu A Vương, Sông Bung không chạy máy thì rõ ràng chúng tôi phải dốc hết nước về cho Ái Nghĩa à? Đó là cái thứ nhất. Thứ hai là chúng tôi lấy mực nước lúc 7h sáng, nhưng thông thường thì giờ thấp điểm, 11 – 22 đêm, các nhà máy thủy điện ngừng phát điện hết. Vì thế rõ ràng đến 7h sáng thì mực nước Ái Nghĩa tụt xuống chứ. Cho nên ngay quy trình này (đã được Thủ tướng ký ban hành) chúng ta cũng phải xem xét lại một phần!”.
Con số còn sờ sờ ra đó!
Là cơ quan tham mưu cho Thủ tướng ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, không đồng tình với ông Đinh Hữu Tấn, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy yêu cầu các nhà máy thủy điên phải tuân thủ đúng quy trình đã được Thủ tướng ban hành chứ Bộ Công thương, Bộ TN-MT không có thẩm quyền thay đổi. Nếu trong quá trình vận hành phát hiện có những vấn đề cần điều chỉnh thì báo cáo các Bộ, ngành hữu quan và nếu cần thiết thì các Bộ sẽ báo cáo xin ý kiến Thủ tướng để xem xét, điều chỉnh nhưng phải xác đáng!
Riêng với thủy điện ĐăkMi 4, ông Hoàng Văn Bẩy nhấn mạnh, quy định lấy mực nước ở Ái Nghĩa lúc 7g, nếu nhỏ hơn 2,67m thì xả nước liên tục với lưu lượng 25,0 m3/s; từ 2,67m đến hơn 2,80m thì xả ít hơn, theo đúng quy trình. “Nếu đến 8h mà mực nước Ái Nghĩa xuống thấp hơn thì anh cũng đâu có xả nước nhiều hơn? Khi đó anh vẫn xả với lưu lượng theo mực nước lấy lúc 7h đâu có bị xem là vi phạm!” – ông Hoàng Văn Bẩy nói.
Ông cũng cảnh báo: “Quan điểm đầu tiên khi quy định việc vận hành ĐăkMi 4 là ưu tiên xả nước về sông Vu Gia cho Đà Nẵng, chứ có quy định phải xả về sông Thu Bồn bao nhiêu đâu?. Sông Thu Bồn thì thủy điện Sông Tranh lãnh trách nhiệm chính. ĐăkMi 4 căn cứ tình hình lượng nước còn lại để chủ động tính toán xả về sông Thu Bồn, còn với sông Vu Gia thì phải theo quy tắc. Quy định xả 3 mà xả 2,99 thì còn châm chước, chứ chỉ xả 2,1 thì không được. Con số còn sờ sờ ra đó!”.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn cho cả mùa lũ và mùa hạn được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm khắc phục tình trạng mỗi nhà máy thủy điện có quy trình vận hành riêng và chỉ cho mùa lũ, không chỉ không phát huy hiệu quả mà có khi còn gây hậu quả cho hạ du. Đây là cả một công trình khoa học đã được nghiên cứu rất lâu, có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, địa phương, nhà máy thủy điện liên quan chứ không chỉ là thủ tục hành chính duy ý chí.
Ngoài ra, mục tiêu đầu tiên của các nhà máy thủy điện trong các thời điểm khó khăn (hạn hán, lũ lụt) là phải bảo đảm an toàn, ưu tiên cho sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng hạ du rồi mới tính đến mục tiêu phát điện. Do vậy, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng ông yêu cầu thủy điện ĐăkMi 4 phải tuân thủ nghiêm túc, tuyệt đối quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.