Tin bão số 8 và các chỉ đạo ứng phó
Dự báo vị trí và đường đi của bão PHANFONE. Ảnh NCHMF
Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 180km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 40km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 28/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-50km/giờ), giật cấp 9.
Do ảnh hưởng của bão số 8 sau suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, ở khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Nam khu vực Bắc Biển Đông trong đêm nay và sáng mai có gió bão mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10-11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 5-6m; biển động rất mạnh.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên) do ảnh hưởng của bão: Từ vĩ tuyến 12,5 độ Vĩ Bắc đến vĩ tuyến 16,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông đến kinh tuyến 118,0 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Sức gió ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh nên trong đêm nay và ngày mai (28/12) ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh.
Sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn
Ngày 26/12, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 22/CĐ-TW chỉ đạo khẩn cấp ứng phó bão số 8.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 8, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh thành phố, các bộ ngành khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó với bão. Trong đó tập trung vào một số nội dung sau:
Thứ nhất, Công điện yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh thành phố thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, vùng nguy hiểm.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin, kiểm đếm quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
Kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.
Thứ hai, Bộ Ngoại giao có công hàm gửi các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực tạo điều kiện cho tàu thuyền của ngư dân vào tránh trú bão để đảm bảo an toàn.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao triển khai ứng phó với bão, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tấn, báo chí của trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật về diễn biến của bão; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết, chủ động phòng tránh và ứng phó.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Công điện chỉ đạo ứng phó bão
Ngày 24/12, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện hỏa tốc số 21/CĐ-TW gửi các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Cà Mau và các Bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương đề nghị theo dõi diễn biến và chủ động ứng phó với bão PHANFONE.
Theo đó, các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành thực hiện việc thông tin kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tình hình, số lượng tàu thuyền hoạt động trên biển và chủ động liên lạc thường xuyên với thuyền trưởng, chủ các phương tiện.
Bộ Ngoại giao chủ động có công hàm gửi các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực tạo điều kiện cho tàu thuyền của ngư dân vào tránh trú bão để đảm bảo an toàn.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ triển khai các phương án ứng phó với bão, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật về diễn biến của bão; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết, chủ động phòng tránh và ứng phó.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Bộ Công an chỉ đạo ứng phó bão
Ngày 24/12/2019, Văn phòng Bộ Công an có Công điện số 28/CĐ-V01 gửi Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN) Công an các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT&TKCN: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng về việc ứng phó với bão PHANFONE.
Theo đó, Bộ Công an yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc các Công điện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, chỉ đạo của Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó với bão.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn cho nhân dân và công tác triển khai ứng phó trong lực lượng Công an nhân dân, đặc biệt tập trung bảo đảm vấn đề an toàn tuyệt đối cho các lực lượng, cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ ứng phó, tác nghiệp tại thực địa và ứng giúp nhân dân trong thiên tai.
Rà soát phương án ứng phó với thiên tai để thực hiện tốt theo phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ để kịp thời triển khai ứng phó khi có yêu cầu.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thực hiện chế độ thông tin báo cáo về Văn phòng Bộ Công an (SĐT: 0913.555.323, 069.2341041; Fax: 069.2341044)./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.