Tin tức miền Tây 21/5: Phú Quốc đón tàu du lịch quốc tế đầu tiên sau dịch COVID-19
Phú Quốc đón tàu du lịch quốc tế đầu tiên sau dịch COVID-19
Ngày 21/5, tàu du lịch quốc tế mang tên COSTA SERENA quốc tịch Italy đã cập bến Dương Đông, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, sau khi xuất phát từ Thái Lan. Đây là chuyến tàu du lịch quốc tế đầu tiên quay lại thành phố Phú Quốc sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tàu du lịch quốc tế đầu tiên đến Phú Quốc sau dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN phát
Tàu COSTA SERENA tiêu chuẩn 5 sao, chở 3.500 du khách từ 18 quốc gia, nhiều nhất là du khách đến từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia và một số du khách đến từ Châu Âu cùng 1.056 thuyền viên. Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ vận tải hàng hải Thiên Ý là nhà cung cấp dịch vụ cho tàu COSTA SERENA.
Theo chương trình, sau khi cập bến, du khách đi tham quan, mua sắm tại các điểm du lịch trên đảo Phú Quốc. 17 giờ cùng ngày, du khách trở về tàu và rời Phú Quốc tiếp tục hành trình du lịch trên đại dương.
Sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tàu du lịch quốc tế đưa khách đến Phú Quốc hứa hẹn sẽ giúp ngành du lịch địa phương có bước phát triển mới.
Thông tin từ Sở Du lịch Kiên Giang, tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh cho phương tiện và du khách; xây dựng sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, có thương hiệu riêng biệt thu hút khách quốc tế…
Tiếp nhận hơn 10.000 cây giống do tỉnh Bến Tre trao tặng huyện Trường Sa
Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân vừa tổ chức tiếp nhận hơn 10.000 giống cây trồng và 10 tấn đất sạch do tỉnh Bến Tre trao tặng cho huyện Trường Sa.
Đại diện nhân dân, doanh nghiệp tỉnh Bến Tre trao tượng trưng cây giống cho Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân
Tại buổi tiếp nhận, Tỉnh Đoàn Bến Tre đã trao tặng 6.200 cây giống và 10 tấn đất sạch; Công ty Vạn Thiên Thành và nhân dân huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) trao tặng 4.300 cây giống cho huyện Trường Sa. Các cây giống bao gồm các loại như: Dừa, ổi, xoài, mận, cóc, hoa giấy... Những cây này sẽ góp phần thực hiện chương trình “Xanh hóa Trường Sa”, tạo môi trường xanh và động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân yên tâm gắn bó với đơn vị, với đảo; xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Được biết, đây là hoạt động hướng về biển đảo quê hương do tỉnh Bến Tre phát động trong những năm gần đây nhằm thể hiện vai trò, trách nhiệm và tình yêu của nhân dân Bến Tre đối với với biển, đảo quê hương... Trước đó, vào các năm 2021 và 2022, tỉnh Bến Tre đã gửi tặng 18.000 cây giống các loại cho cán bộ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa.
Mưa lớn gây ngập nhiều tuyến đường ở Sóc Trăng
Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng xuất hiện mưa lớn diện rộng, nhất là khu vực TP Sóc Trăng.
Đường phố bị ngập ở Sóc Trăng
Cơn mưa lớn kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ đã làm ngập nhiều tuyến đường, khiến người tham gia giao thông gặp khó khăn.
Nhiều tuyến đường bị ngập sâu như: Phan Bội Châu, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Lê Duẩn… có vị trí ngập gần cả bánh xe máy. Người điều khiển phương tiện phải cho xe lên lề đường chờ nước rút rồi mới đi tiếp.
Anh Danh Chanh (ngụ huyện Mỹ Xuyên) chia sẻ: “Chiều nay, tôi rước con đi học thêm ở TP Sóc Trăng phải chờ hơn 30 phút, cơn mưa nhỏ lại và nước rút bớt mới tiếp tục lưu thông. Rất may, hôm nay rơi vào ngày nghỉ cuối tuần, lưu lượng người tham gia giao thông không quá nhiều, nên không xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài”.
Theo ông Đỗ Huy Lập, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Sóc Trăng, mưa lớn xuất hiện ở một số nơi trong tỉnh như: huyện Thạnh Trị, huyện Mỹ Xuyên, huyện Long Phú, huyện Kế Sách, TP Sóc Trăng... Lượng mưa lớn nhất đo được tại huyện Thạnh Trị và TP Sóc Trăng từ 45-60mm.
Ông Lập cũng cho hay, dự báo thời tiết trong 48 giờ tiếp theo tại tỉnh Sóc Trăng, ngày nắng nóng, đêm có mưa và dông vài nơi; trong cơn mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Trước khi mùa mưa bắt đầu, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP Sóc Trăng phối hợp với điện lực, Xí nghiệp thoát nước, Công ty Công trình đô thị, UBND các phường chủ động trong việc phòng, chống thiên tai, mưa lớn gây ngập, lốc xoáy, khơi thông cống, rãnh thoát nước, kiểm tra lưới điện… nhằm chủ động khắc phục sự cố do thiên tai gây ra.
“Khó dừng nhà máy Đạm Phú Mỹ và Cà Mau để nhường khí sản xuất điện”
Trước kiến nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc ngừng toàn bộ nhà máy đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất điện trong giai đoạn cao điểm mùa khô, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có phản hồi.
Ảnh minh họa
Theo PVN, kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia trên toàn quốc năm 2023 đã được Bộ Công Thương ban hành tại Quyết định số 2976/QĐ-BCT ngày 30/12/2022, trong đó sản lượng điện sản xuất từ khí thiên nhiên chiếm khoảng 10,4% tổng sản lượng quốc gia. Theo kế hoạch này, dự kiến PVN và các bên trong hệ thống khí tại các khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ sẽ cung cấp khoảng 5,6 tỷ m3 khí (khu vực Đông Nam Bộ khoảng 4,3 tỷ m3 và Tây Nam Bộ khoảng 1,3 tỷ m3) cho sản xuất điện trong năm 2023.
Trước tình hình nhu cầu phụ tải hệ thống điện tăng cao, PVN và các bên trong các hệ thống khí đã phối hợp thực hiện các giải pháp kỹ thuật để tăng cường tối đa lượng khí thiên nhiên khai thác trong nước, đồng thời PVN cũng đã và thống nhất với Petronas để mua toàn bộ lượng khí khai thác từ cụm mỏ PM3-CAA với Malaysia nhằm gia tăng lượng khí cung cấp cho sản xuất điện trong nước.
Dự kiến trong năm 2023 PVN sẽ cung cấp khoảng 5,87 tỷ m3 khí thiên nhiên cho sản xuất điện (gồm 4,55 tỷ m3 khu vực Đông Nam Bộ và 1,32 tỷ m3 ở khu vực Tây Nam Bộ), dự kiến vượt 104.8% so với kế hoạch của Bộ Công Thương.
Cũng theo PVN, tính đến thời điểm hiện nay, công suất huy động các nhà máy điện khí cao nhất chỉ chiếm khoảng 12% trong tổng công suất các nguồn điện được huy động. Do vậy, để đảm bảo hoàn thành kế hoạch cung cấp điện của Bộ Công Thương đã phê duyệt, nhà chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng cần phải huy động sự tham gia phát điện của nhiều nguồn phát điện khác ngoài điện khí (điện than, thuỷ điện, năng lượng tái tạo…).
"Việc dừng/giảm cấp khí ngoài kế hoạch cho các nhà máy đạm Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm phát sinh nhiều hệ lụy đến các bên liên quan và sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận, thiện chí, sự hợp tác chia sẻ của cổ đông các nhà máy đạm. Thêm nữa, việc dừng/giảm khí thiên nhiên của các nhà máy đạm cũng không giúp nhiều (gần 1%) cho việc đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia", PVN nêu và nhận định: "Nhu cầu về khí thiên nhiên cho sản xuất điện là rất cần thiết, đặc biệt trong các tháng mùa khô từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm".
Trong khi đó, nhà máy Đạm Phú Mỹ thông tin, trong tháng 5-6/2023, kế hoạch sản lượng sản xuất và kinh doanh của nhà máy lần lượt là 180 ngàn tấn và 280 ngàn tấn phân bón và hóa chất để đáp ứng tối đa nhu cầu chăm bón cho cao điểm vụ Hè Thu, mùa mưa của bà con nông dân.
Đoàn đại biểu Hội Nhà báo Thái Lan thăm, trao đổi nghiệp vụ tại Báo Cần Thơ
Chiều 20/5, đoàn đại biểu Hội Nhà báo (HNB) Thái Lan do ông AMNAT JONGYOTYING, Chủ tịch Hiệp hội Báo chí tỉnh Chiang Mai, làm Trưởng đoàn đến thăm, trao đổi nghiệp vụ tại HNB TP Cần Thơ và Báo Cần Thơ.
Đại diện Đoàn đại biểu HNB Thái Lan tặng quà lưu niệm đại diện HNB TP Cần Thơ
Đoàn đại biểu HNB Thái Lan, HNB Việt Nam và HNB TP Cần Thơ đã trao đổi các nội dung trong công tác báo chí, như: quản lý nhân sự, tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí tại tòa soạn Báo Cần Thơ; công tác quản lý báo chí, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ phóng viên, nhà báo…
Ông Trương Văn Chuyển, Chủ tịch HNB thành phố, Tổng Biên tập Báo Cần Thơ cho biết: TP Cần Thơ có nhiều cơ quan báo chí địa phương và văn phòng đại diện cơ quan báo chí nên hoạt động báo chí trên địa bàn thành phố diễn ra sôi nổi. Qua đó, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những thành tựu kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh của thành phố cũng như vấn đề quan trọng trong sự phát triển của vùng ĐBSCL. Riêng Báo Cần Thơ, bên cạnh xuất bản báo in, báo điện tử còn có sản phẩm báo chí tiếng Khmer để phục vụ đồng bào dân tộc ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Ông AMNAT JONGYOTYING, Chủ tịch Hiệp hội Báo chí tỉnh Chiang Mai cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của HNB Việt Nam, HNB TP Cần Thơ trong chuyến thăm và trao đổi nghiệp vụ ở các HNB, cơ quan báo chí tại Việt Nam. Đồng thời mong muốn thời gian tới, các đơn vị sẽ có nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi nghiệp vụ… Qua đó góp phần đổi mới, cải tiến nội dung, hình thức các sản phẩm báo chí để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.