TP.HCM: Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
Lực lượng chức năng tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - Ảnh minh họa.
Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm
Nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, chủ động tổ chức lực lượng, triển khai các biện pháp để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn Thành phố; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân buôn lậu, vận chuyển qua biên giới, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm...
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật để doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân hiểu, thấy rõ tác hại của tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng hóa kém chất lượng, không tham gia, không tiếp tay cho những hành vi này; đồng thời tham gia phát hiện, thông tin cho các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật.
UBND TP.HCM yêu cầu các lực lượng chức năng, sở ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các quận - huyện tập trung tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Ủy ban nhân dân Thành phố về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thẩm tra, xác minh, xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm. Bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát; không trùng lắp nhưng cũng không bỏ kẽ hở; không gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân kinh doanh và cản trở lưu thông hàng hóa trên địa bàn.
Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cảng hàng không dân dụng, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, các khu vực buôn bán khác trong nội địa nhằm phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc; các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả. Chú ý các nhóm mặt hàng, lĩnh vực sau:
Nhóm hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội: vũ khí, ma túy, vật liệu nổ, pháo nổ, thuốc lá nhập lậu, sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan, động vật hoang dã, đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em,...
Nhóm mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng: lương thực, thực phẩm, sữa, thuốc lá, rượu, bia, nước ngọt, bánh kẹo, thực phẩm chức năng, gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gian cầm, xăng dầu, hóa chất, phân bón, gas, mỹ phẩm, hàng may mặc, khẩu trang, trang thiết bị y tế, dược phẩm, ...
Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng tham gia công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với những nội dung thiết thực, hình thức phù hợp, có tính thuyết phục cao. Đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, thanh tra chuyên ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận - huyện trong việc tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố. Đưa công tác dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, hàng hóa, giá cả...là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, để sẵn sàng đối phó với các tình huống có thể xảy ra.
Lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ tang vật buôn lậu tại khu vực biển Cẩm Phả, Quảng Ninh - Ảnh: tapchicongsan.vn.
Công tác tổ chức, thời gian thực hiện kế hoạch
UBND TP.HCM yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố; Bộ Tư lệnh Thành phố; Công an Thành phố; Cục hải quan Thành phố; Cục Quản lý thị trường Thành phố; Cục Thế Thành phố; Sở Công thương; Sở Giao thông vận tải; Sở Phát triển Nông nghiệp và Nông thông, Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Y tế; Sở Tài chính; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Thông tim và Truyền thông; UBMTTQ Việt Nam TP.HCM; UBND TP Thủ Đức và các quận huyện cùng phối hợp, thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo tại Kế hoạch số 4049/KH-UBND.
Căn cứ Kế hoạch, UBND TP.HCM yêu cầu các lực lượng chức năng, sở ngành, UBND, các quận - huyện tổ chức triển khai thực hiện chậm nhất trong 15 ngày kể từ ngày ký ban hành kế hoạch này và tổ chức thực hiện đến ngày 28/2/2022.
Các Sở ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các quận - huyện khẩn trương triển khai, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn phụ trách; bảo đảm sự chỉ đạo xuyên suốt, theo dõi sát sao tiến độ kết quả thực hiện của các phòng, ban, đơn vị trực thuộc.
Thực hiện chế độ báo cáo nhanh đối với các vụ việc phát hiện, xử lý trong cao điểm Kế hoạch này (trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện, bắt giữ vụ việc và chậm nhất vào lúc 15 giờ hàng ngày). Các sở ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các quận - huyện gửi báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch cao điểm trước ngày 05/3/2022 để Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố tổng hợp trình UBND TP.HCM báo cáo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.