Tránh chồng chéo trong chính sách hỗ trợ cán bộ vùng khó khăn
2017-01-13 14:19:07
0 Bình luận
Sáng 13/1, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về “Tình hình thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn” theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chủ trì phiên giải trình. Tham dự phiên giải trình có các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan.
Chính sách đúng nhưng còn nhiều vướng mắc
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành trình bày báo cáo kết quả khảo sát tình hình thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó nhấn mạnh, sau khi nghiên cứu báo cáo của các cơ quan có liên quan và khảo sát trực tiếp tại 10 tỉnh đại diện cho các khu vực, địa bàn, Hội đồng Dân tộc nhận định, Nghị định 116 là một chính sách, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đã được các địa phương chủ động, tích cực triển khai thực hiện. Đặc biệt, 2 ngành giáo dục, y tế với sự ưu đãi phụ cấp ngành, phụ cấp khu vực và chính sách thu hút đã từng bước khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên và cán bộ y tế kéo dài trong nhiều năm.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 116 cũng nảy sinh nhiều vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Đặc biệt là sự thiếu tính thống nhất về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của nghị định. Đối tượng thụ hưởng theo Nghị định 116 cũng bao trùm nhiều đối tượng đã được thụ hưởng các chính sách ưu đãi trước đó. Việc thiếu hướng dẫn cụ thể đã dẫn tới tình trạng chi trả mỗi nơi mỗi khác, có nơi thực hiện đồng thời nhiều chính sách cho một đối tượng, có nơi lại chỉ thực hiện một chính sách.
Cũng bởi quy định có phần chưa chặt chẽ, nên một số xã không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, mà là xã theo chương trình 135, xã an toàn khu, xã khu vực I, xã khu vực II cũng được thụ hưởng, dẫn tới số tiền ngân sách phải chi trả hằng năm quá lớn.
Báo cáo của Hội đồng Dân tộc cũng chỉ rõ, một số địa bàn chi sai đối tượng đã được xác định, tuy Bộ Tài chính đã có chỉ đạo không thu hồi, nhưng công tác rà soát, điều chỉnh và giải quyết, xử lý hậu quả vẫn chưa được thực hiện kịp thời (như Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Kon Tum, Quảng Ngãi, Phú Yên…).
Lỗi là chưa tổng hợp chính sách
Giải trình trước các câu hỏi của một số đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh lại, Nghị định 116 là nghị định có tính chất nhân văn, vì đó là những khu vực đặc biệt khó khăn, đa số nhân dân rất nghèo, thuộc vùng đồng bào dân tộc, rất cần ưu đãi, thu hút cán bộ để phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, trước khi ban hành Nghị định 116, đã có rất nhiều chính sách ưu đãi dành cho khu vực này. “Lỗi là chưa tổng hợp chính sách khi xây dựng chính sách trong Nghị định 116 để tránh trùng lắp”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng cần có đánh giá cụ thể về việc triển khai thực hiện chính sách 116, bởi có vùng chỉ thực hiện 1 chính sách 116, nhưng có vùng thực hiện cả chính sách 116 và các chính sách ưu đãi trước đó; có trường hợp mới chuyển đến vùng đặc biệt khó khăn đã được hưởng chính sách 116, có trường hợp phải sau 3 năm với nữ hoặc 5 năm với nam mới được hưởng; có trường hợp mới được hưởng chính sách 116 đã chuyển đi khỏi vùng đặc biệt khó khăn; có trường hợp chuyển đến vùng khó khăn để hưởng hỗ trợ, sau đó lại chuyển sang vùng khó khăn khác để tiếp tục nhận hỗ trợ; do thiếu hướng dẫn rõ ràng nên có địa phương chi nhầm... Những bất cập ấy dẫn tới làm thất thoát ngân sách Nhà nước.
Từ đó, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị có tổng kết nghiêm túc về việc thực hiện các nghị định liên quan tới chính sách ưu đãi ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, tổng hợp lại thành một chính sách, quy định rõ từng đối tượng được hưởng, có chế tài cụ thể để xử lý sai phạm.
Ý tưởng hợp nhất các chính sách hiện hành làm một để tránh trùng lắp, chồng chéo do Bộ trưởng Bộ Nội vụ đưa ra nhận được sự đồng tình của lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội…
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, trong giai đoạn 2011-2015, tổng kinh phí thực hiện Nghị định 116/2010/NĐ-CP là hơn 24.817 tỷ đồng. Trong đó, số tiền phụ cấp thu hút là gần 15.875 tỷ đồng; phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn là hơn 5.413 tỷ đồng; trợ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển vùng là gần 974 tỷ đồng; trợ cấp mua và vận chuyển nước ngọt sạch là hơn 44 tỷ đồng; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu là gần 178 tỷ đồng; thanh toán tiền tàu xe hơn 61 tỷ đồng; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ là gần 134 tỷ đồng…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo chinhphu.vn