Trợ cấp mất việc làm ít nhất bằng 2 tháng tiền lương
Công ty TNHH Tư vấn SCS Global Việt Nam phản ánh, Điểm a, Khoản 4, Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động có quy định:
“4. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm trong một số trường hợp đặc biệt được quy định như sau:
a) Trường hợp người lao động có thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên mất việc làm nhưng thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm ít hơn 18 tháng thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động ít nhất bằng 02 tháng tiền lương”.
Trong khi Điểm c, Khoản 3, Điều 14 Nghị định này cũng có quy định:
“c) Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc”.
Công ty TNHH Tư vấn SCS Global Việt Nam thắc mắc, trong trường hợp người lao động làm việc thường xuyên cho doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật Lao động nhưng thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm bằng “0 tháng” thì người sử dụng lao động có phát sinh nghĩa vụ chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động này không? Dựa vào Điểm c, Khoản 3, Điều 14 trích dẫn ở trên thì có thể hiểu rằng “ít hơn 18 tháng” có nghĩa là phải “từ đủ 01 tháng đến dưới 18 tháng” không?
Trường hợp người lao động trên đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại doanh nghiệp từ khi bắt đầu làm việc đến khi chấm dứt hợp đồng lao động, vậy khi phát sinh sự kiện mất việc làm, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động này không? Hay người lao động chỉ được hưởng chế độ trợ cấp do BHXH chi trả?
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 49 Bộ luật Lao động và Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại Khoản 10, Điều 36, Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật Lao động, mỗi năm làm việc trả 1 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương.
Căn cứ các quy định trên và nội dung hỏi của Công ty TNHH Tư vấn SCS Global Việt Nam, trường hợp người lao động làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm thì người sử dụng lao động phải trả trợ cấp mất việc làm tối thiểu 2 tháng tiền lương cho người lao động.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.