Từ chàng trai 'nghiện' game tới ông chủ 'Đô-rê-mon' phiên bản Việt
Tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Kinh tế đối ngoại Đại học Ngoại thương, ngay sau khi ra trường, Hiếu Linh trở thành giảng viên bộ môn Kinh tế quốc tế và Marketing tại trường Đại học Tài chính và Quản trị kinh doanh Hưng Yên. Tuy nhiên, niềm đam mê vẽ truyện tranh từ nhỏ vẫn thôi thúc chàng trai sinh năm 91 quyết tâm khởi nghiệp dự án trò chơi broad game “Mắt Trố” dành cho trẻ em. Hiếu Linh chia sẻ, bằng Mắt Trố, anh mong muốn những đứa trẻ sẽ không còn chìm đắm trong thế giới trò chơi điện tử.
Mắt Trố thuộc dạng trò chơi broad game rất phổ biến tại Mỹ. Trò chơi này bao gồm hai hay nhiều người trực tiếp tương tác với nhau qua một bàn cờ cùng các vật dụng đi kèm như lá bài, xúc xắc, quân cờm,… để hỗ trợ khi chơi. Luật chơi của Mắt Trố rất dễ hiểu với 53 thẻ bài. Trong 53 thẻ bài này, giữa hai thẻ bài bất kỳ đều có một và chỉ một điểm giống nhau, nhiệm vụ của người chơi là tìm thẻ bài giống nhau. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng các bạn nhỏ cần phải căng mắt “hết cỡ” để quan sát thẻ bài, vì vậy, trò chơi có cái tên ngộ nghĩnh là “Mắt Trố”.
Mắt Trố đặc biệt hấp dẫn trẻ nhỏ nhờ kết hợp với các câu chuyện cổ tích quen thuộc như Cóc kiện trời, Thạch Sanh, Sơn Tinh Thủy Tinh, … và các trò chơi dân gian, những món ăn, đồ uống hàng ngày. Mắt Trố có tổng cộng 10 cách chơi cùng nhiều phiên bản khác nhau phù hợp với các bé từ 4 – 10 tuổi. Khi chơi Mắt Trố, trẻ được rèn luyện 5 nhóm kỹ năng: Phản xạ, Tập trung, Tương tác, Nhận thức và Trí nhớ.
Các bộ trò chơi của Mắt Trố đều được làm bằng các-tông. Hiếu Linh cho biết, chất liệu này vừa giúp anh dễ dàng gửi gắm thế giới đầy màu sắc với các hình vẽ ngộ nghĩnh, đáng yêu lại vừa nhẹ nhàng, an toàn cho các bé khi cầm chơi. Trò chơi Mắt Trố kết hợp đủ 4 tiêu chí: vui nhộn, kết nối, an toàn và giáo dục.
Bộ trò chơi Mắt Trố của Hiếu Linh và các cộng sự
Chùn bước đam mê trước cảnh cổng Đại học
Hiếu Linh cùng thừa nhận mình từng một thời “u mê” chìm đắm trong trò chơi điện tử, “từ những năm cấp 2, mình nghiện nặng chơi điện tử. Mình miệt mài chơi đến độ trượt tất cả các trường cấp 3, cuối cùng may mắn được đỗ vớt vào lớp chuyên Trung trường Chuyên. Rồi mãi đến tận năm lớp 11 mình mới hoàn lương và tu chí học hành”. Chính vì vậy, Hiếu Linh hiểu rất rõ những ảnh hưởng tiêu cực mà trò chơi điện tử ảnh hưởng tới trẻ nhỏ.
Khi đứng trước cánh cổng Đại học, giống bao bạn bè đồng lứa, Hiếu Linh cũng vô cùng hoang mang và lo sợ với nhiều lựa chọn. Mặc dù đam mê vẽ từ nhỏ, lại có năng khiếu kể chuyện qua những nét vẽ, nhưng cứ nghĩ đến viễn cảnh “làm họa sĩ lăn lộn vất vả bán tranh vất vả ngoài đường”, chàng trai “khù khờ” này lại chùn bước trước cánh cổng Mỹ Thuật. Cuối cùng, Hiếu Linh quyết định theo số đông, học Kinh tế.
Bốn năm Đại học là một hành trình khám phá bản thân đầy thú vị đối với Hiếu Linh. Chương trình học có phần “cưỡi ngựa xem hoa” của Ngoại thương lại được Hiếu Linh ví von “giống một bữa tiệc buffet”. Ở đó, anh được “thử rất nhiều món ăn khác nhau, và có khi phải thử nhiều vậy bạn mới biết món nào thực sự hợp với mình”. Marketing là môn học mà Hiếu Linh tâm đắc nhất, anh cho hay: “môn học này giúp mình hiểu được quy luật cơ bản nhất của kinh doanh: không phải cung cấp cho thị trường những gì mình có, mà là những cái thị trường cần.
Nó cũng phần nào giải tỏa được nỗi băn khoăn của mình về việc chọn nghề. Mình sợ làm họa sĩ bởi đúng là nếu chỉ vẽ tranh từ những gì mình thích thì không thể chắc liệu tác phẩm của mình có ai mua không. Nhưng nếu mình tạo ra những tác phẩm hướng tới mang giá trị cho nhiều người, thì công việc ấy hoàn toàn có thể đủ sống. Đó là khám phá đầu tiên giúp mình kết nối những điểm mốc khác sau này”.
Nguyễn Việt Hiếu Linh bên sản phẩm trò chơi Mắt Trố
Bên cạnh việc học, Hiếu Linh cũng tích cực tham gia các Câu lạc bộ và làm việc tại các dự án start-up. Nhờ vậy, anh rèn luyện được lối tư duy tích cực trong công việc và cuộc sống cũng như khám phá được thế mạnh và mong muốn của bản thân. Hiếu Linh chia sẻ: “Mình nhận ra kể chuyện bằng hình ảnh chính là một thế mạnh của mình để tạo ra thay đổi trong xã hội”.
Hiếu Linh quyết định khởi nghiệp bằng chính niềm đam mê vẽ truyện tranh từ nhỏ. Thông qua mạng lưới Câu lạc bộ và start-up, anh quen được hai bạn trẻ cũng đang có ý định khởi nghiệp về đồ chơi broad game dành cho trẻ em (hình thức giống cờ cá ngựa hoặc cờ tỉ phú), một dạng trò chơi khuyến khích cả gia đình chơi cùng nhau.
Ban đầu, Hiếu Linh và các cộng sự đều có định hướng và mong muốn “lồng trong trò chơi dành cho trẻ nhỏ những mẩu truyện tranh truyền tải tư duy tích cực, có thể nuôi dưỡng một thế hệ tương lai với ý thức vững vàng về phát triển bản thân và đóng góp cho xã hội”. Vì vậy, cả nhóm đồng tâm sẽ “thiết kế những trò chơi boardgame cho trẻ em, qua đó kể những câu chuyện bằng hình ảnh để nuôi dưỡng trong các em tư tưởng sống tích cực”.
Từ chối cơ hội "vàng" hấp dẫn
Hiếu Linh cùng những người bạn khởi nghiệp bằng 30 triệu tiền vốn vay từ gia đình để làm ra các mẫu sản phẩm, sau đó đưa đến các công ty sản xuất chơi mẫu và thuyết phục họ. Tuy nhiên, mở đầu của mỗi câu chuyện khởi nghiệp đều không hề dễ dàng, đối với Hiếu Linh cũng vậy. Nhóm đã nhận được khá nhiều lời từ chối, liên tục sau 3 tháng, Mắt Trố mới nhận được những khoản tiền đầu tư đầu tiên từ công ty MATO.
Chia sẻ về những khó khăn khi khởi nghiệp, Hiếu Linh cho biết “việc cân đối giữa học và làm là khó nhất. Sau đó là nhân sự, chúng mình đều trẻ, không có kinh nghiệm nên những vấn đề về kỹ thuật, in ấn hay truyền thông phải dành nhiều thời gian tìm hiểu. Ngoài ra, thách thức mà bất cứ dự án khởi nghiệp nào cũng mắc phải là huy động vốn. Để đưa được những hình vẽ trên giấy lên máy tính, rồi từ máy tính thành sản phẩm cần một số tiền khá lớn vượt ngoài khả năng của bọn mình”.
Quá trình đưa Mắt Trố đến với đúng đối tượng là các em nhỏ và phụ huynh cũng rất gian nan. Nhóm đã tìm đến các trường tiểu học và thuyết phục hiệu trưởng vê những lợi ích mà trò chơi đem lại cho các em học sinh. Như vậy, Mắt Trố mới có cơ hội được xuất hiện tại các hội chợ của các trường học cũng như các diễn đàn dành các bậc phụ huynh. Sau đó, nhóm cũng đưa trò chơi đến các hội chợ lớn của các doanh nghiệp.
Không ít nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng của Mắt Trố, họ đề nghị phát triển trò chơi thành các ứng dụng điện thoại, máy tính bảng,… để tiếp cận được nhiều người hơn, kiếm tiền dễ dàng hơn. Hiếu Linh chia sẻ: “Mình cũng băn khoăn ghê lắm. Chỉ cần một cái gật đầu thôi, có thể mình sẽ không còn phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để giới thiệu, đi tìm đầu ra cho sản phẩm như bây giờ. Lúc đó mình sẽ có nhiều thời gian để nghĩ ý tưởng, thiết kế những bộ trò chơi mới. Nhưng mình quyết tâm đi theo con đường đã chọn ban đầu. Mình làm những món đồ chơi giáo dục gắn kết gia đình, để ba mẹ con cái chơi cùng nhau. Mình muốn dùng những thẻ Mắt Trố nhiều màu sắc để tách các bé ra khỏi các thiết bị điện tử, ti-vi, điện thoại…. đang thay bố mẹ chơi cùng bé”.
Nói về tương lai của “Mắt Trố”, Hiếu Linh và cộng sự sẽ ngày càng nâng cao chất lượng và mức độ phổ biến của trò chơi, đồng thời, anh cũng mong “Mắt Trố trở thành một biểu tượng hoạt hình Việt Nam như Hello Kitty hay Doraemon ở Nhật Bản”. Ngoài ra, sắp tới Hiếu Linh cũng đi Mỹ học vẽ truyện tranh theo chương trình học bổng Fulbright của Chính phủ Mỹ.
Theo VNF
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.