Từ gánh hàng rong thành bà chủ tỷ phú
Đến huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) hỏi thăm “chả lụa Kim Ngân” thì ai cũng biết, vì thương hiệu và chất lượng đã được khẳng định.
Ít ai ngờ rằng bà chủ dễ mến này đã làm giàu từ 2 bàn tay trắng; từng gánh bánh ướt bán dạo khắp xóm làng để mưu sinh; từng khóc hết nước mắt khi bác sĩ xác định 2 con bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Chị đã vươn lên trong nghịch cảnh để làm nên thương hiệu “Chả lụa Kim Ngân”.
Mồ hôi và nước mắt
Dọc đường đi, thấy nhiều quầy tạp hóa treo bảng “Có bán chả lụa Kim Ngân chất lượng cao”, chúng tôi biết rằng đường đến cơ sở của chị Lê Thị Thương không còn xa. Vượt quãng đường dài hơn 160 cây số đến đây, chúng tôi được chị Thương đón bằng nụ cười tươi như hoa cùng ly nước mát lạnh làm xua tan bao mệt mỏi với cái nóng mùa hè oi bức.
Chồng chị Thương- anh Nguyễn Ngọc Đoán- nhớ lại 30 năm trước, tài sản của vợ chồng là 4 công lúa mà “lá thì nhiều, hạt chẳng bao nhiêu”. Chị phải học làm bánh ướt rồi gánh từ xóm này sang xóm khác “chừng nào hết mới về”. Chị chỉ vào vai phải nói “u hết vai rồi nè em”.
Hàng ngày, chồng chị ở nhà phải đảm nhiệm vai trò người vợ là chăm sóc con cái, cơm nước, nấu rượu nuôi heo và mở tiệm may quần áo. Còn chị phải bươn chải, buôn gánh, bán bưng. Chị nói nhẹ nhàng, mình chịu lặn lội được.
Lúc đi, chị gánh bánh trĩu vai, lúc về chị cũng gánh nặng không kém, do thời đó, nhiều bà con ở quê rất khó khăn nên thường ăn bánh ướt trả lại… gạo hay con cá, mớ rau. Chị tâm sự, thương nhất là tụi nhỏ. Con mới được 4 tháng, mình còn rất nhiều sữa nhưng không cho bú được vì phải mưu sinh. Có lúc thấy tương lai mù mịt nhưng phải tự an ủi mình để có nghị lực phấn đấu vươn lên.
Mấy năm sau, chị có chỗ bán ổn định “có những ngày đắt khách bán mấy trăm ký bánh ướt luôn”. Nhưng chưa hết mừng vợ chồng chị lại đối mặt với nghịch cảnh khi hai đứa con sau lần lượt ra đời, cứ đau ốm liên miên.
Chị Thương nhìn vào cậu con trai đang bò trong nhà giọng chùng xuống: “Năm nó lên 7 tuổi, vợ chồng tôi hỏi vay tiền đưa con lên thành phố khám bệnh mới biết nó bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, đau đớn đưa con trở về mà lòng quặn thắt. Rồi đứa con gái út cũng bị bệnh y như anh nó. Tôi không biết mình đã khóc hết bao nhiêu nước mắt và đưa con đi hết bao nhiêu bệnh viện nhưng cuối cùng đành ngậm ngùi đưa con về”.
Cạn nước mắt, chị và chồng hiểu rằng mình phải cố gắng nhiều, nhiều hơn nữa. Chị Thương nói: “Tôi nghĩ, mình phải cố lên vì các con, mình không thể đầu hàng được”. Vợ chồng tôi mạnh dạn bán 4 công ruộng và hốt hụi mua mảnh đất ngay thị trấn này với suy nghĩ có buôn bán mới khá lên được”.
Nói là làm, anh chị học cách làm chả lụa từ trên mạng, học của những người đi trước rồi tự mày mò chế biến. Trước đây, chị bán bánh ướt, ai cũng khen chị đổ bánh ngon, nhưng mà chả lụa thì không được ngon, vì lẽ đó, chị muốn tự tay làm chả lụa để bán.
Qua thời gian vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chả lụa Kim Ngân dần tạo được thương hiệu. Chị Thương cho biết: “Làm cái gì mình cũng phải cố gắng hết sức, làm hết mình hết khả năng, chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định thành bại”.
2 cơ sở và thu nhập gần 1 tỷ mỗi năm
Giờ đây chị Thương đã có trong tay 2 cơ sở lớn nằm cặp QL80 (ấp Phụng Lợi, xã Thạnh An, Vĩnh Thạnh- Cần Thơ), con đường tấp nập xe cộ từ Kiên Giang về An Giang, Cần Thơ. Cơ sở 1 là nơi khởi nghiệp với diện tích khoảng 80m2, cơ sở 2 được xây dựng mấy năm nay, với hơn 1.000m2 và cũng là địa điểm chính để làm chả lụa.
Nhờ tận tâm với nghề mà chả lụa do vợ chồng chị Thương làm ra luôn được người tiêu dùng ưa chuộng. |
Tiếp chúng tôi trong khuôn viên nhà rộng rãi thoáng mát bởi dàn dây leo, hồ cá, sân vườn, anh Đoán tự hào: “Cơ sở này tính luôn tiền đất, tiền nhà là 4,4 tỷ”. Trong nhà, sau quầy bán chả là nơi sản xuất với các loại máy móc sáng loáng.
Chị Thương cười: “Tôi đầu tư máy làm chả theo công nghệ hiện đại cũng ngót nghét 1 tỷ đồng. Chả lụa ngon nhưng phải hợp vệ sinh nữa mới được”. Chị Thương không giấu: “Thu nhập thông thường hơn 60 triệu đồng/tháng, riêng các ngày lễ, tết thì cao hơn”. Chỉ tay vào phòng đông lạnh, chị tiếp tục giới thiệu: “Dịp tết, tôi sử dụng nó vựa 14 tấn chả lụa cung ứng cho thị trường nhưng có năm không đủ bán”.
Ngoài 4 lao động trong nhà, cơ sở Kim Ngân còn thuê thêm 3 lao động với tiền công 180.000 đ/ngày. Chị Thương thật tình: “Tôi rất cưng những người thợ của mình vì để đào tạo những người lao động giỏi nghề như vầy không dễ đâu”.
Hiện nay, chả lụa Kim Ngân đã có mặt ở Phú Quốc (Kiên Giang), hệ thống Siêu thị Metro TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ. Sản phẩm tự “quảng cáo” bằng chính chất lượng và nhờ người tiêu dùng truyền tai nhau.
Chị Thương nói vui: “Hồi đó, thấy vợ chồng tôi đi mua thịt thì lái rất ngán, nói ông bà này khó tính quá đi. Nhưng làm cái món này không khó không được. Lựa thịt tươi, heo tơ để làm chả là khâu quan trọng nhất và vợ chồng tôi phải tự làm, lựa thịt bằng con mắt kinh nghiệm mấy mươi năm, không nhờ ai được”.
Chị Thương còn tham gia các hoạt động xã hội và nhiều hội thảo trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh. Năm 2013, chị Thương được tuyên dương cấp thành phố về gương phụ nữ thoát nghèo, vươn lên khá giàu.
Chia tay anh chị, chúng tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh đôi vợ chồng thành đạt ân cần chăm lo bữa cơm cho các con trong không khí ngọt ngào, ấm cúng. Theo chị Thương, để vừa ổn định kinh tế, vừa giữ gìn được hạnh phúc gia đình, vợ chồng phải quan tâm, đồng cam cộng khổ, chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.