Tuyển sinh ĐH, CĐ 2016: Không nên chọn nghề vì cảm tính
2016-03-31 22:02:22
0 Bình luận
Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 đang nóng dần với những câu hỏi lựa chọn ngành học nào, nên theo sở thích hay theo độ “nóng” của ngành nghề đó? Sức hấp dẫn của những ngành nghề nào hiện nay là những thông tin đang tác động mạnh đến sự lựa chọn của nhiều người học trước cánh cửa vào đời.
Ảnh minh họa |
Chọn giảng đường ĐH, CĐ hay chọn các trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp; Cần có một cái nhìn thực tế hơn vì không hẳn có tấm bằng cử nhân, kỹ sư đã có được công việc và thu nhập như mong muốn.
Lưỡng lự đường vào đời
Tâm lý coi trọng bằng cấp đang chi phối quyết định của số đông người, xã hội dường như coi việc có tấm bằng đại học và ít nhất là phải cao đẳng đối với con em mình giờ đây như là điều hiển nhiên.
Tuy rằng, cũng có những quyết định trái chiều thay bằng lựa chọn cánh cửa giảng đường ĐH, CĐ thì có những người đã sang ngang “đầu hàng” vì thấy chạy theo số đông tìm lối ra ở giảng đường đại học không phải là ngã rẽ hợp lý.
Họ đã chọn học một nghề phổ thông ở những trường trung cấp chuyên nghiệp để giải quyết mối quan tâm thiết thực hơn: Có công việc ổn định để sinh sống.
Cho đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã công bố toàn cảnh tuyển sinh của 440 trường ĐH, CĐ trong cả nước năm 2016. Đó là những thông tin chi tiết về chuyên ngành đào tạo, chỉ tiêu theo từng ngành/chuyên ngành, đề án tuyển sinh riêng, các chương trình Đào tạo liên kết với nước ngoài để thí sinh tìm hiểu. Lời khuyên của các chuyên gia tuyển sinh đối với các thí sinh.
Những thông tin này hết sức cần thiết để tham khảo, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin xét tuyển của các trường để chọn cho phù hợp với năng lực bản thân, thêm nữa các bạn cũng cần cân nhắc có nhất thiết cứ phải tìm đến giảng đường ĐH, CĐ hay không, nếu những trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp có lối ra tốt hơn.
Phùng Chí Kiên - Chàng trai người Hà Nội, nhà trong làng Tương Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - từng ao ước cánh cửa giảng đường Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng đành giữa đường đứt gánh.
Để mưu sinh chàng trai chấp nhận học trung cấp in và chế bản. Kiên tâm sự: Để đi đến quyết định này, mình và gia đình đã suy nghĩ và tìm hiểu rất kỹ nghề gì thì cũng phải có việc làm, vào được đại học thì tốt đấy, nghe có vẻ oai hơn, nhưng nếu tìm việc khó hơn thì tại sao ta không chọn đi học trung cấp để có việc làm ngay.
Hiện nay, với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, tay nghề giỏi nên nhiều doanh nghiệp in ấn sẵn sàng chi trả lương với mức cao hơn - Kiên vui vẻ cho biết.
Có một thực tế là nhiều người tốt nghiệp đại học, nhiều người có bằng thạc sĩ nhưng vẫn thất nghiệp dài. Trong khi đó, nhiều người chỉ học sơ cấp, trung cấp nghề nhưng không chỉ có việc làm tốt mà còn lương cao.
Lý giải về điều này, PGS.TS Lê Văn Thanh - Chuyên gia tuyển sinh cho rằng: Tâm lý cổ cồn, làm việc trong văn phòng vẫn nặng nề trong suy nghĩ của số đông người Việt Nam.
Trong khi đó thực tế lao động ngoài xã hội lại không như vậy, minh chứng cho thấy đã có không ít cử nhân, kỹ sư kể cả thạc sĩ chấp nhận trở lại những công việc chỉ với trình độ trung sơ cấp. Không thể nói nghề này sang, nghề kia thấp kém, cần phải hiểu rằng nghề nào thì cũng là lao động tạo thu nhập. Thế nên rõ ràng việc các cử nhân kỹ sư đã và đang ngồi nhầm chỗ là gây tốn kém tiền bạc không chỉ cho gia đình mà cho cả xã hội.
Cần thực tế hơn chứ không chỉ yêu thích
Còn nhớ mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 và 2015, nhiều trường CĐ nghề đã tiếp nhận những thí sinh có điểm thi ĐH cao, thậm chí cả sinh viên đã tốt nghiệp ĐH trở lại học.
Rõ ràng đây là những quyết định mang tính cách mạng của các bạn. Thực tế là dù có nhưng phải là quá nhiều người đã đưa ra quyết định tạm cất tấm bằng cử nhân, kỹ sư đi làm nghề phổ thông.
Nhưng chuyện cơm áo gạo tiền, để bám trụ nuôi những giấc mơ lớn hơn để đi tìm việc nhiều bạn đang làm những nghề trước đây chưa bao giờ nghĩ tới như cử nhân sư phạm đi bán hàng siêu thị, kỹ sư chuyển sang phụ nhà hàng…
Một trong số đó là H.T Hoàng, tốt nghiệp một trường đại học ở Nam Định, với tấm bằng cử nhân kinh tế, bạn đang phụ giúp đưa cơm cho một bếp ăn ở Hà Nội.
Hoàng Tâm sự: Em quê ở Hải Hậu (Nam Định), tốt nghiệp THPT gia đình hướng học nông nghiệp để về làm cây cảnh cho vườn nhà. Nhưng em lại thích kinh tế, thi trượt Đại học Kinh tế Quốc dân, em chuyển nguyện vọng vào học kinh tế ở trường của tỉnh.
Tốt nghiệp, xin việc ở Hà Nội mà khó quá. Đến nhà hàng cơm này xin tuyển, anh phụ trách nói thẳng luôn, nếu biết nấu ăn anh trả lương 7 triệu/tháng.
Còn chuyên môn của em anh không cần, nếu em đồng ý anh chỉ có thể trả lương 4 triệu/tháng đứng giao cơm hộp và thu tiền cho xe đi bỏ mối.
Có một thực tế đang diễn ra là các bạn học sinh hiện nay đang lo cho một công việc ổn định sau tốt nghiệp hay là sao cho có việc làm thu nhập một cách thuận lợi.
Nhiều chuyên gia tuyển sinh đã từng khuyên nhủ thí sinh rất nhiều lần là những trăn trở của người học khi bước chân vào đời vẫn cứ bị tâm lý cử nhân, kỹ sư níu kéo mà không tính đến việc sau này mình tốt nghiệp cơ hội việc làm thế nào.
Vẫn biết ở một số trường, khi tuyển sinh họ cũng thuyết phục thí sinh đăng ký xét tuyển bằng những lời đường mật như cam kết hỗ trợ bố trí việc làm sau tốt nghiệp và chứng thực bằng tỉ lệ cao sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm ngay. Nhưng vấn đề là sau những cam kết đó thực sự tỷ lệ việc làm có được bao nhiêu, điều này người học phải tự nhận biết và đánh giá.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của thí sinh, phụ huynh và xã hội về những thông tin tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016, ngày 30/3, NXB Giáo dục Việt Nam đã bắt đầu phát hành cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016”, để kịp thời phục vụ thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi (từ ngày 1/4 - 30/4).
Tài liệu cung cấp những thông tin cần thiết về Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016 như: Những điều cần ghi nhớ của thí sinh tham gia; Lịch công tác tuyển sinh; Danh sách các cụm thi; Bảng phân chia khu vực tuyển sinh; Mã tỉnh, mã thành phố, quận, huyện, thị xã; Những thông tin tuyển sinh của các ĐH, học viện, các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc…
Bên cạnh đó, cuốn sách có các thông tin ngành đào tạo, mã ngành tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh do các trường đăng ký, phương thức tuyển sinh, các tiêu chí xét tuyển, mức học phí và các thông tin quan trọng khác liên quan. Tài liệu này sẽ giúp thí sinh có đầy đủ thông tin tổng hợp để so sánh, lựa chọn trường phù hợp với nguyện vọng, điều kiện và khả năng học tập của mình.
Để thuận tiện cho việc tra cứu, tìm kiếm thông tin, cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016” được biên soạn thành 2 tập:
Tập 1: Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 của các trường thuộc các tỉnh phía Bắc (từ tỉnh Quảng Trị trở ra).
Tập 2: Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 của các trường thuộc các tỉnh phía Nam (từ Thừa Thiên - Huế trở vào).
Các thông tin cụ thể về Đề án tuyển sinh riêng, chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành, điều kiện dự thi, chuyên ngành đào tạo và các thông tin tuyển sinh đào tạo liên thông, vừa làm vừa học… thí sinh tham khảo tại địa chỉ website của từng trường.
Tài liệu được sưu tầm, tuyển chọn và cập nhật đến ngày 25/3/2016 trên cơ sở thông tin đã công bố công khai trên các phương tiện truyền thông và các thông tin do các đại học, học viện, các trường ĐH, CĐ trong toàn quốc cung cấp và chịu trách nhiệm./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo giaoducthoidai.vn