UBTVQH thảo luận về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi)
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn trình bày Tờ trình về dự án Luật tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Dự thảo luật được xây dựng gồm 6 chương với 39 điều, quy định về thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá, người được đặc xá.
Trong 10 năm thi hành Luật Đặc xá, Chủ tịch nước đã 7 lần ban hành quyết định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước, cụ thể là: Năm 2009, ban hành 2 quyết định về đặc xá (1 lần đặc xá nhân dịp tết Nguyên đán Kỷ Sửu và 1 lần nhân dịp Quốc khánh 2/9); năm 2010, 2011, 2013, 2015, 2016, mỗi năm Chủ tịch nước ban hành 1 quyết định về đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2/9.
Qua đó đã đặc xá cho 85.897 phạm nhân, 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và đặc xá thuộc trường hợp đặc biệt cho 13 phạm nhân và 1 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để phục vụ yêu cầu đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2017, công tác thi hành án dân sự liên quan đến công tác đặc xá đã thi hành xong 199.109 việc với số tiền thu được là trên 3.184 tỷ đồng. Trong đó, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.437 tỷ đồng; thu bồi thường cho công dân, tổ chức xã hội gần 1.750 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện công tác đặc xá những năm qua cho thấy, đối tượng, điều kiện được đề nghị đặc xá theo quy định của Luật Đặc xá cơ bản phù hợp và có tính răn đe, giáo dục cao, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Công tác đặc xá được tiến hành theo quy trình xét duyệt thống nhất, khoa học và chặt chẽ thể hiện sự công khai, dân chủ, minh bạch. Kết quả của công tác đặc xá đã khẳng định hiệu quả, thành tựu đổi mới công tác thi hành án phạt tù, nhất là sự đổi mới trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân.
Qua đặc xá đã khuyến khích phạm nhân học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, sớm trở về đoàn tụ với gia đình và hoà nhập cộng đồng. Tỉ lệ người được đặc xá tái phạm rất thấp so với tổng số người được đặc xá.
Với số lượng lớn người được đặc xá, tha tù trước thời hạn đã tiết kiệm được số kinh phí lớn trong việc bảo đảm ăn, mặc, ở, phòng chữa bệnh và chi phí quản lý, giáo dục cho phạm nhân, đồng thời giảm áp lực cho các trại giam, trại tạm giam. Đó cũng là điều kiện để nâng cao chất lượng công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân. Bên cạnh đó, do làm tốt công tác giáo dục, vận động nên tổng số tiền mà những phạm nhân được đặc xá và thân nhân của họ đã nộp trong quá trình phạm nhân chấp hành án phạt tù để thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, nộp án phí hoặc các nghĩa vụ dân sự khác là rất lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Đặc xá đã bộc lộ những tồn tại, bất cập; cụ thể là diện người được đặc xá tha tù trước thời hạn với số lượng lớn, đối tượng rộng nên chưa thể hiện đầy đủ ý nghĩa đặc ân của Nhà nước đối với người phạm tội. Chưa quy định thời điểm kiểm sát việc lập hồ sơ đặc xá (trước, trong hoặc sau khi Tổ thẩm định liên ngành thẩm định hồ sơ), do vậy dẫn đến việc thực hiện chức năng kiểm sát gặp nhiều khó khăn về thời gian.
Về thực hiện Quyết định đặc xá, đã xảy ra trường hợp đến ngày công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho người nước ngoài, nhưng chưa có đại diện ngoại giao hoặc Lãnh sự quán đến nhận dẫn đến việc trại giam không biết phải xử lý như thế nào; đồng thời, chưa có hướng dẫn thực hiện việc tổ chức trao Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước đối với các trường hợp người bị kết án phạt tù đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án...
“Để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, với quy định của các đạo luật liên quan đến tư pháp hình sự mới được Quốc hội thông qua và giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong công tác xét đặc xá thời gian qua, thì việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá năm 2007 là cần thiết”, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.
Báo cáo thẩm tra đối với dự án luật của Ủy ban Tư pháp khẳng định, Chính phủ đã tích cực triển khai xây dựng dự án Luật, đã tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Đặc xá, đánh giá tác động, lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành, cơ quan có liên quan. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu về thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình UBTVQH cho ý kiến.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư pháp, Tờ trình chưa nêu rõ nội dung và lý do vì sao phải sửa đổi, bổ sung trong từng chính sách cụ thể. Mặc dù Chính phủ đánh giá hạn chế lớn trong công tác thi hành Luật Đặc xá là “diện người được đặc xá tha tù trước hạn với số lượng lớn, đối tượng rộng nên chưa thể hiện đầy đủ ý nghĩa đặc ân của Nhà nước ta đối với người phạm tội”, nhưng cả Tờ trình và nhất là Báo cáo tổng kết chưa đánh giá cụ thể, rõ ràng hạn chế này xuất phát từ những quy định nào của Luật hiện hành để làm căn cứ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Bên cạnh đó, Báo cáo đánh giá tác động cũng chưa phân tích rõ tác động của việc thay đổi lớn về chính sách, chủ trương đặc xá, nhất là việc thay đổi thời điểm, điều kiện và đối tượng đặc xá…
Về bản chất, đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn khi đáp ứng những điều kiện nhất định. Do vậy, chế định này có liên quan chặt chẽ với nhiều chính sách khoan hồng khác của Nhà nước được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 như: Miễn chấp hành hình phạt (Điều 62), giảm mức hình phạt đã tuyên (Điều 63), tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 66) nhưng báo cáo đánh giá tác động chưa làm rõ việc sửa đổi Luật Đặc xá có tác động thế nào đến việc thực hiện các quy định có liên quan này.
Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ tiếp tục giải trình, làm rõ các vấn đề nêu trên.
Ủy ban Tư pháp cũng cơ bản tán thành với các quan điểm, định hướng xây dựng dự án Luật theo Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên cũng cho rằng đây đều là những quan điểm mang tính nguyên tắc, khái quát, có thể áp dụng trong quá trình xây dựng các Luật nói chung mà chưa gắn với yêu cầu đặc thù của công tác đặc xá để từ đó xác định quan điểm, định hướng sửa đổi phù hợp.
Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với tính đặc thù của công tác đặc xá, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc sửa đổi Luật Đặc xá phải quán triệt đầy đủ các quan điểm là: Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định đối với người bị kết án phạt tù, do đó các quy định về đặc xá phải có sự khác biệt cơ bản so với các chính sách khoan hồng khác đang được giao cho các cơ quan tư pháp thực hiện.
Tại phiên họp, UBTVQH đã tập trung thảo luận về những nội dung lớn của dự án luật liên quan đến phạm vi sửa đổi; thời điểm đặc xá; điều kiện được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại của đất nước; thủ tục trình Chủ tịch nước ban hành Quyết định về đặc xá; công bố và thông báo quyết định về đặc xá; công tác kiểm tra, giám sát, kiểm sát hoạt động đặc xá...
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.