Quảng Ninh: Phát triển giáo dục Hạ Long trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Đồng chí Vũ Quyết Tiến - Bí thư thành ủy Hạ Long phát biểu khai mạc Hội thảo.
Khai mạc Hội thảo, đồng chí Vũ Quyết Tiến - Bí thư thành ủy Hạ Long khẳng định: Thành phố Hạ Long là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, là thành phố thủ phủ, thành phố đối ngoại của quốc gia và của tỉnh Quảng Ninh, với vị trí, vai trò đó, Hạ Long luôn xác định là địa phương có tính tiên phong, dẫn dắt, đột phá đi đầu trong các mục tiêu phát triển chung của Tỉnh. Trong đó, Giáo dục - đào tạo phải phát triển đột phá mới, nhất là trong đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục- đào tạo và cơ sở vật chất, thi đua dạy tốt, học tốt góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng ngay từ bậc phổ thông, tạo nền tảng, nguồn nhân lực chất lượng cao, trí tuệ, văn minh, văn hóa, đủ đức, đủ tài cho Thành phố, cho Tỉnh và đất nước, góp phần chấn hưng nền giáo dục để cùng vươn mình phát triển trong kỷ nguyên mới, dẫu biết đó là những nhiệm vụ rất nặng nề nhưng cũng vô cùng vẻ vang, được Nhân dân kỳ vọng, tin tưởng.
Bí thư Thành ủy Hạ Long tặng hoa chúc mừng các chuyên gia, nhà khoa học nhân dịp Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024).
Trong những năm qua, công tác GD&ĐT trên địa bàn TP Hạ Long được đặc biệt quan tâm. Năm 2024, toàn thành phố có 117 trường học, gần 100.000 học sinh. Thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt 100%. Đồng thời, thành phố luôn là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng và số lượng học sinh giỏi các cấp.
Lãnh đạo TP Hạ Long tặng hoa chúc mừng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, giáo viên đang công tác trong ngành GD&ĐT thành phố.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành GD&ĐT của thành phố cũng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ như: Việc phân cấp, phân quyền của Trung ương cho cấp tỉnh, cấp huyện ở một số lĩnh vực chưa triệt để, còn bất cập, nhất là trong quản lý, sử dụng biên chế cán bộ, công chức, viên chức; việc thực hiện cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập; việc phát triển, thu hút người có đức, có tài, giữ chân, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành GD&ĐT với mức thu nhập chưa đủ sức cạnh tranh so với mặt bằng chung của thành phố; khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông khi thành phố có gần 1/3 đơn vị hành chính cấp xã là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; việc phát triển hài hòa, hợp lý giáo dục công lập với giáo dục ngoài công lập trên địa bàn.
GS.TS, Nhà giáo nhân dân Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội tham luận với nội dung "Đặc trưng kỷ nguyên vươn mình của một số nước và bài học rút ra cho Việt Nam, ngành GD&ĐT của TP Hạ Long".
Tại Hội thảo, các báo cáo tham luận, ý kiến chia sẻ, trao đổi của các đại biểu từ thực tiễn của ngành, đặc biệt là các ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý sư phạm và các giáo sư, tiến sĩ Đại học Quốc gia Hà Nội đã gợi mở, phân tích, định hướng, góp ý, khuyến nghị giúp cho Thành phố Hạ Long có cái nhìn toàn diện, sâu sắc ở các góc độ khác nhau về quy mô giáo dục của cả nước và thế giới để đánh giá, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm quý báu phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước đột phá trong phát triển giáo dục - đào tạo và quản trị địa phương ngày càng hiệu quả hơn.
Cô giáo Vũ Thị Thu Hương, trường TH Trần Quốc Toản mong muốn được các chuyên gia, nhà quản lý sư phạm chia sẻ rõ hơn về việc tích hợp các yếu tố xanh và bền vững vào chương trình học và phương pháp giảng dạy
Với mục tiêu gợi mở, phân tích, định hướng giúp cho TP Hạ Long có cái nhìn toàn diện, sâu sắc ở các góc độ khác nhau về tư duy, cách tiếp cận quy mô giáo dục của cả nước và khu vực để rút ra những kinh nghiệm quý báu phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tạo bước đột phá trong phát triển GD&ĐT, góp phần hoàn thành nhiệm vụ đưa Hạ Long nằm trong mạng lưới “Thành phố Học tập toàn cầu” của UNESCO vào năm 2025, tại phiên làm việc thứ nhất, Hội thảo đã cùng lắng nghe 4 báo cáo khoa học về GĐ&ĐT trong kỷ nguyên mới của các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Trong phiên thảo luận thứ hai của Hội thảo, các đại biểu là giáo viên, cán bộ quản lý các trường học trên địa bàn thành phố đã tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ đơn vị về các mô hình giáo dục thông minh, chuyển đổi số, ứng dụng AI, dạy học ngoại ngữ và kỹ năng mềm, chính sách thu hút nhân tài.
Thông qua 2 phiên thảo luận, các đại biểu đã cùng nhau tập trung phân tích, làm rõ những nội dung cốt lõi gồm: Những đặc điểm của thời đại mới tác động đến sự phát triển của GD&ĐT, nhất là thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo; chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển giáo dục tại một số nước tiên tiến đã triển khai và khả năng áp dụng vào thực tiễn trên địa bàn thành phố Hạ Long; các yếu tố tác động đến sự phát triển giáo dục của TP Hạ Long...
Cùng với đó, các đại biểu đề xuất các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học trên địa bàn thành phố, bàn các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp. Trong đó tập trung vào việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chính sách thu hút nhân tài…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.