UBTVQH xem xét dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi)
2017-01-09 16:38:00
0 Bình luận
Trong phiên họp thứ 6 diễn ra vào sáng 9/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe báo cáo, thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Khai mạc phiên họp thứ 6 UBTVQH |
Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung của dự thảo Luật theo ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Dự án Luật được xây dựng gồm 9 chương và 78 điều, quy định về đối tượng được bồi thường; nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường Nhà nước; quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại; trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường; xác định thiệt hại; các thiệt hại Nhà nước không bồi thường; cơ quan giải quyết bồi thường; thụ lý hồ sơ và cử người giải quyết bồi thường; thương lượng việc bồi thường; kinh phí bồi thường; nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ…
Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, dự án Luật xác định quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong công tác bồi thường Nhà nước.
Tại phiên họp, UBTVQH đã thảo luận về những nội dung, vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi điều chỉnh và phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; mô hình cơ quan giải quyết bồi thường và xác định cơ quan giải quyết bồi thường; nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường Nhà nước; kinh phí bồi thường và lập dự toán kinh phí bồi thường…
Cũng trong sáng nay, UBTVQH đã nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tư pháp) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật.
Dự thảo Luật được xây dựng gồm 8 chương với 49 điều quy định về nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý; chính sách của Nhà nước về trợ giúp pháp lý; nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý; người được trợ giúp pháp lý; quyền của người được trợ giúp pháp lý; nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý; đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý; quyền và nghĩa vụ của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; người thực hiện trợ giúp pháp lý…
Tại phiên họp, UBTVQH đã xem xét và cho ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật liên quan đến quy định về người được trợ giúp pháp lý; tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý; cộng tác viên trợ giúp pháp lý; hình thức trợ giúp pháp lý; chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước...
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo chinhphu.vn