Vác gạo đi 10km để chinh phục con chữ
Chúng tôi về thăm thôn Đô Sơn, xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) vào những ngày cuối tháng mười. Mấy cơn mưa hôm trước khiến cho con đường lên thôn đặc quánh bùn đất. Cách đường quốc lộ khoảng hơn 10km nhưng thôn Đô Sơn dường như bị ngăn cách với thế giới bên ngoài.
Phạm Thị Linh đang học lớp mẫu giáo 5 tuổi. Tuy chưa thành thạo chữ cái nhưng cứ cuối tuần, thấy chị về nhà là Linh lại tranh thủ thời gian tô viết và tập đọc theo chị. |
Để vào thôn chỉ có một con đường duy nhất nhưng vô cùng cheo leo, hiểm trở. Mùa khô còn đỡ, mùa mưa nơi đây cô lập như ốc đảo. Thế nhưng, lũ trẻ ở đây vẫn phải đi bộ hàng chục cây số để tới được với con chữ và cứ khoảng 6h tối khi mặt trời lặn là cả thôn chỉ còn ánh sáng leo lắt của những ngọn đèn dầu…
Gạt qua khó khăn, những cô bé, cậu bé ở vùng núi nghèo này vẫn đều đặn đến trường trong tình trạng áo quần, mặt mũi lấm lem bùn đất. Cô bé Phạm Thị Loan cùng với nhiều bạn học khác trong thôn tuần nào cũng đi bộ khoảng 2 giờ đồng hồ để tới được điểm trường tiểu học Thạch Lập 2 (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) với ước mơ về con số và những ký tự a,b,c…Có lẽ, với những đứa trẻ này, được đi học là niềm hạnh phúc lớn.
Bộc bạch về khó khăn, vất vả, bà Phạm Thị Kiên nói với chúng tôi bằng tiếng Kinh pha tiếng Mường: “Ở Đô Sơn chỉ có cô giáo mầm non từ dưới xuôi lên dạy, còn các lớp tiểu học và trung học vì học sinh ít quá, lại chưa có điều kiện mở lớp nên các cháu phải đi bộ xuống dưới xã học.
Nhà tôi có hai đứa cháu ngoại, hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ chúng đi làm công nhân ở tận Đà Lạt. Chúng ở với tôi từ khi vừa sinh ra. Loan là tên đứa thứ nhất, năm nay học lớp 5, ở trên thôn chẳng dạy lớp tiểu học, vậy nên cháu phải đi bộ xuống xã mới có lớp”.
Đường xá xa xôi, đi lại khó khăn nên gia đình bà Kiên đành dành dụm tiền cho cháu ở trọ dưới xã, chứ ngày nào cũng đi bộ gần 20km cả đi cả về sợ cháu chẳng còn sức để học.
Hai chị em Loan cùng bà ngoại |
Cứ thứ 6 hàng tuần, sau khi tan học, Loan sẽ cùng bạn bè đi bộ về thôn rồi đến chiều chủ nhật lại quay xuống trường dưới xã. Nhiều khi, em phải tự vác theo gạo về trường để ăn. Ở trọ từ nhỏ, phải tự túc nấu nướng, giặt đồ. Tuổi thứ 10 của em, sống như một người tự lập.
Mùa khô còn đỡ cực nhọc, mùa lũ, nước suối lên ngập đến đầu gối người lớn. Ban ngày, bố mẹ ông bà phải lên núi lấy củi, bẻ ngô, các con phải tự cho hết quần áo, sách vở vào túi nilon to, đứa lớn thì bơi qua suối để sách vở rồi lại quay lại ôm đứa nhỏ mới qua suối được. Hết hai con suối ngập nước, các em lại rồng rắn nhau tới lớp.
“Đi học như vậy nguy hiểm lắm, thấy thương các con lắm nhưng biết làm sao được, đường xá thì vất vả mà con cháu lại khao khát được đi học nên cũng chỉ biết tạo điều kiện tới thế thôi”, bà Kiên nói trong ánh sáng leo lắt của ngọn đèn dầu.
Ở góc phòng, đứa cháu ngoại thứ hai của bà đang bập bẹ từng con chữ dưới ánh sáng leo lắt đó - Phạm Thị Linh đang học lớp mẫu giáo 5 tuổi. Tuy chưa thành thạo chữ cái nhưng cứ cuối tuần, thấy chị về nhà là Linh lại tranh thủ thời gian tô viết và tập đọc theo chị.
“Buồn thay, thôn Đô Sơn này nằm cách xa trung tâm quá, biết đến bao giờ mới có điện cho các cháu học bài. 24 nghìn tiền mua dầu chỉ thắp được mấy tối là hết. Đã thế, tối nào con bé cũng đòi thắp đèn để đọc chữ”.
Thế kỉ 21 rồi mà người dân nơi đây vẫn mơ ước được nhìn thấy ánh sáng của đèn điện, nhưngước mơ ấy dường như vẫn còn xa vời lắm.
Khi được hỏi, gia đình có muốn mua bóng đèn tích điện để thắp sáng cho con cháu học bài không, bà Kiên đưa đôi mắt đờ đẫn nhìn vào vách tường tối đen trước mặt: “Muốn lắm. Thế nhưng, bóng đèn ấy hơn chục triệu, tới khi nào mới đủ tiền mua…?”.
Trò chuyện với chúng tôi, trưởng thôn Phạm Tuấn Anh cho biết: “Cả thôn có 93 hộ phân bố rải rác khắp vùng núi Đô Sơn. Trước đây điều kiện đường xá đi lại khó khăn, vất vả nên hầu hết các cháu trong thôn chỉ học hết tiểu học.
Hiện nay, tính cả học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở có khoảng 90 cháu đang đi học. Mỗi cháu đi học, được nhà nước hỗ trợ 15kg gạo/tháng và mỗi quý được thêm vài trăm nghìn”,
Hỗ trợ là vậy nhưng ở vùng quê sỏi đá khát chữ này, có lẽ ánh sáng điện lưới vẫn là thứ mà người dân vẫn thực sự cần nhất nhưng tới bao giờ điện mới về bản? Trong khi đấy, để nhìn thấy mặt chữ, lũ trẻ vẫn bập bẹ trong ánh sáng của chiếc đèn dầu xưa cũ.
Chia sẻ về những khó khăn khi người dân thôn Đô Sơn (xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) phải sống trong ánh sáng của đèn dầu, ông cho biết: “Hiện nay xã Thạch Lập khó khăn nhất về hệ thống đường giao thông và chưa có điện lưới quốc gia.
Trong nghị quyết đại hội đại biểu lần thứ 23 của UBND huyện Ngọc Lặccó ghi rõ: Phải xây dựng 2 trạm biến áp và 15 km đường dây cho người dân hai thôn Đô Sơn và Đô Quăn để sớm cấp điện cho hai thôn này. Sắp tới, UBND huyện sẽ kêu gọi các nhà đầu tư và tiến hành kéo mạng lưới điện quốc gia để hai thôn này sớm có điện.
Hiện nay, hệ thống đường giao thông lên thôn Đô Sơn đã bắt đầu khởi công xây dựng, dự kiến 2017 cả hệ thống điện và đường sẽ hoàn thành”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.