VCB không thể chối bỏ trách nhiệm!
Phòng Giao dịch của VCB tại Mỹ Đình, nơi bà Trang đến trình bày vụ việc và cung cấp các thông tin theo hướng dẫn của nhân viên ngân hàng nhưng nhận được sự thờ ơ, vô cảm. |
Lỗ hổng mang tên “4.0”
Hơn 1 năm nay, bà Trang là khách hàng của VCB trong việc sử dụng số tài khoản 0451000446… với các dịch vụ đi kèm là tin nhắn SMS vào số điện thoại di động (dịch vụ SMS chủ động) và Internet Banking. Những giao dịch tăng hay giảm tiền trong tài khoản của bà Trang từ khi sử dụng dịch vụ của VCB diễn ra bình thường.
Theo đơn khiếu nại của bà Trang gửi Ngân hàng nhà nước Việt Nam và Ngân hàng VCB, Ngân hàng Techcom Bank, vào khoảng 15 giờ ngày 04/6/2019, điện thoại di động của bà nhận được 1 tin nhắn từ số điện thoại +84783988154. Nội dung tin nhắn chỉ là 1 đường link có ký hiệu: http://95.179.207.50/static/105334/protectV10.apk. Do thiếu cảnh giác và tò mò, bà Trang đã truy cập vào địa chỉ trên. Khi truy cập, màn hình điện thoại hiện ra giao diện có dòng chữ: “Hệ thống bảo vệ Bộ Công an” kèm theo phù hiệu của Bộ Công an rất đẹp, trên đó có 2 mục: “danh sách ngân hàng”, “văn bản” (như trong ảnh).
Giao diện “mã độc” gửi đến điện thoại của bà Trang lúc 15 giờ ngày 04/6/2019 để sau đó, nạn nhân này bị lừa nên bị rút ruột 100 triệu đồng trong tài khoản mở tại ngân hàng VCB |
Bà Trang tiếp tục thao tác vào mục: “Danh sách ngân hàng” thì màn hình điện thoại hiện ra logo ngân hàng: VPBank, VietinBank, Ocean Bank, OCB, Eximbank, HDBank, Kienlong Bank, BIDV, MB, Techcom Bank và mục “thêm”. Thao tác tiếp vào mục “thêm” thì màn hình điện thoại của bà Trang hiện ra logo của một số ngân hàng nữa, trong đó có Ngân hàng VCB. Nghĩ đây là phần mềm bảo vệ tài khoản của bộ Công an dành cho các ngân hàng nên bà Trang làm theo một số hướng dẫn và sau đó thoát khỏi ứng dụng.
Khoảng 7 giờ ngày 05/6/2019 bà Trang bật máy tính lên làm việc thì hộp thư điện tử của bà nhận được 2 thông báo từ Ngân hàng VCB với nội dung: Vào lúc 15 giờ 52 phút 23 giây, ngày 04/6/2019, tài khoản số 0451000446… đã thực hiện 1 giao dịch chuyển 50 triệu đồng đến số tài khoản 19034052541010 được mở tại Ngân hàng Techcom Bank, chủ tài khoản là Truong Minh Tri. Thư điện tử thứ 2 thông báo: Vào lúc 15 giờ 53 phút 34 giây, ngày 04/6/2019, tài khoản số 0451000446… thực hiện 1 giao dịch chuyển 50 triệu đồng nữa vào tài khoản số 19034052541010 mở tại Ngân hàng Techcom Bank nêu trên.
Bà Trang giật mình kiểm tra lại tài khoản của mình tại Ngân hàng VCB thì trong tài khoản đã mất 100 triệu đồng như thông báo của ngân hàng này qua e-mail. Trong tài khoản bà Trang lúc này chỉ còn khoảng 70 triệu đồng. Sợ bị mất tiền tiếp, bà Trang đã sử dụng dịch vụ chuyển tiền Internet Banking để chuyển khoản toàn bộ số tiền còn lại vào tài khoản của chồng. Sau đó, bà Trang đã gọi điện đến số máy của Tổng đài VCB thông báo sự việc và yêu cầu VCB khóa chiều ghi nợ tài khoản và ngừng dịch vụ Internet Banking. Theo hướng dẫn của nhân viên Tổng đài VCB, bà Trang làm đơn trình báo sự việc với Công an phường Mễ Trì.
Văn bản xác nhận đã tiếp nhận thông tin từ khách hàng của cán bộ VCB tại phòng Giao dịch Mỹ Đình nhưng đến nay đã hơn 1 tháng trôi qua bà Trang vẫn không nhận được văn bản trả lời từ phía ngân hàng |
Ngày 06/6/2019 theo hướng dẫn của Công an, bà Trang đến phòng Giao dịch của Ngân hàng VCB tại Mỹ Đình để đề nghị kiểm tra lại 2 giao dịch trên. Tại đây, bà Trang được bà Lê Hồng Vân, cán bộ của Ngân hàng VCB tiếp, làm việc. Theo yêu cầu của bà Vân, bà Trang đã ghi lại thông tin nêu trên vào mẫu đơn do bà Vân cung cấp, được ông Trần Quang Thịnh - Phó Trưởng phòng Giao dịch Mỹ Đình của VCB xác nhận bằng 1 văn bản bản với chữ ký, con dấu.
Sau 30 ngày chờ đợi theo hướng dẫn của bà Vân, bà Trang trở lại phòng Giao dịch Mỹ Đình với hy vọng nhận được thông tin tốt lành, thế nhưng, bà Vân và những cán bộ có thẩm quyền ở đây đã chối bỏ trách nhiệm, đổ lỗi việc để mất 100 triệu đồng nêu trên là “tại quý khách hàng” và… Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel!
VCB không thể vô can!
Về quy định pháp luật, các ngân hàng đều phải có trách nhiệm bảo vệ an toàn tài khoản và tiền có trong tài khoản của khách hàng. Điều này đã được thể hiện trong thực tế là: Khi bất cứ khách hàng nào muốn mở tài khoản tại ngân hàng đều phải xuất trình chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu đang còn thời hạn theo quy định, ngân hàng sẽ kiểm tra và photocopy lại chứng minh thư hoặc hộ chiếu để lưu vào hồ sơ cung cấp số tài khoản cá nhân cho từng khách hàng. Khách hàng phải ký và ghi rõ tên, các thông tin cá nhân của mình vào các giấy tờ liên quan đến việc xin mở tài khoản tại ngân hàng.
Đơn khiếu nại của bà Đào Thu Trang trình bày vụ việc bị mất cắp 100 triệu đồng tại Ngân hàng VCB gửi Ngân hàng Nhà nước và Tạp chí điện tử Hòa Nhập |
Khách hàng muốn sử dụng các dịch vụ tin nhắn SMS từ ngân hàng báo cho khách hàng vào số điện thoại thường dùng, hoặc dịch vụ Internet Banking cũng phải trực tiếp khai, ký tên trước mặt nhân viên ngân hàng và phải xuất trình chứng minh thư hoặc hộ chiếu. Trong trường hợp muốn thay đổi dịch vụ, khách hàng phải trực tiếp đến điểm giao dịch của Ngân hàng để thực hiện...
Bà Trang trình bày: “Từ khi mở tài khoản tại Ngân hàng VCB, tôi chỉ sử dụng duy nhất 1 số điện thoại để nhận tin nhắn SMS về những thông tin liên quan đến tăng, giảm tiền tại số tài khoản 0451000446… là số điện thoại 096.390... Theo đó, bất cứ biến động nào về số tiền trong tài khoản (các lần giao dịch tăng hoặc giảm tiền) từ số tài khoản nêu trên của tôi đều được thông tin kịp thời vào số điện thoại 096.390... Cũng từ khi sử dụng dịch vụ Internet Banking, mỗi lần thực hiện giao dịch từ số tài khoản 0451000446… của Ngân hàng VCB, tôi đều được Ngân hàng VCB cung cấp 1 mã số OTP để thao tác trên máy tính hoặc điện thoại của tôi, thì giao dịch mới thành công”.
Cả 2 giao dịch nêu trên, điện thoại của bà Trang không hề nhận được tin nhắn từ Ngân hàng VCB qua dịch vụ SMS và cũng không hề nhận được mã OTP nào từ Ngân hàng VCB cung cấp. Bà Trang cho rằng, không có bất cứ ai ngoài bà có thể thực hiện được giao dịch chuyển tiền, nếu không có sự “giúp sức” của nhân viên Ngân hàng VCB. Ai đã cung cấp thông tin cá nhân của bà Trang và số tài khoản, số điện thoại của khách hàng cho thuê bao +84783988154?
Thông tin về chủ tài khoản số 19034052541010 (Truong Minh Tri) tại Ngân hàng Techcom Bank đã được Ngân hàng VCB xác minh ra sao? Vụ việc đã được 2 ngân hàng nêu trên có văn bản đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cục An ninh mạng (Bộ Công an) xác minh hay chưa?
Rõ ràng, trong vụ việc này, lỗi không thuộc về khách hàng mà là trách nhiệm của Ngân hàng VCB! Lẽ ra, khi tiếp nhận thông tin, cán bộ của Ngân hàng VCB phải tỏ ra lo lắng, chia sẻ mất mát với khách hàng và khẩn trương vào cuộc để tìm ra thủ phạm, hoàn trả kịp thời số tiền trên cho bà Trang. Thế nhưng, bà Trang đã gặp phải sự thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm từ cán bộ, nhân viên của phòng Giao dịch VCB tại Mỹ Đình. Nếu tình trạng mất an toàn này không được khắc phục thì ai còn dám gửi tiền vào ngân hàng VCB?
Tạp chí điện tử Hòa Nhập sẽ tiếp tục thông tin về kết quả khắc phục “sự cố” này.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.