Vì sao chậm công bố kết quả điều tra sai phạm của doanh nghiệp Mường Thanh?
2017-06-15 09:08:01
0 Bình luận
Dư luận đặt ra câu hỏi: Phải chăng Hà Nội đang xử lý kiểu “ném đá ao bèo” với những sai phạm của chủ đầu tư dự án Đại Thanh khi chưa công bố kết quả điều tra?.
Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội vừa công bố kết quả rà soát, thống kê các chung cư cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy trong đầu tư xây dựng.
Theo đó, tính đến ngày 31/5/2017, trên địa bàn Thành phố còn 79 công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.
Đáng nói trong danh sách này có đến trên 13 dự án chung cư cao tầng do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (do “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản làm giám đốc – Phóng viên) làm chủ đầu tư.
Đây không phải lần đầu tiên các dự án do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư vi phạm về vấn đề phòng cháy chữa cháy điều đáng nói vi phạm này lặp đi lặp lại và không có chuyển biến.
Vi phạm của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên như thách thức pháp luật cũng như dư luận còn về phía cơ quan chức năng, dù Thành phố Hà Nội đã chuyển hồ sơ vụ việc và sai phạm của doanh nghiệp này cho cơ quan điều tra. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có bất kỳ thông tin về kết quả điều tra cũng như quá trình xử lý.
Dãy 6 tòa chung cư san sát nhau tại Khu đô thị Đại Thanh do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (do “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản làm giám đốc – Phóng viên) làm chủ đầu tư - ảnh Hoàng Lực.
Xử lý kiểu “ném đá ao bèo”?
Tại buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội chiều 14/12/2016, nhiều cử tri đã đề cập đến nhiều vấn đề bức xúc trong lĩnh vực quản lý trật tự trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, trước câu hỏi của cử tri về việc xử lý sai phạm tại các dự án chung cư cao tầng do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (thuộc Tập đoàn Mường Thanh) làm chủ đầu tư, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết vừa qua khi thành phố đi kiểm tra lại, thì phát hiện khu nhà ở Đại Thanh có nhiều vi phạm nghiêm trọng.
“Thứ nhất là xây dựng không phép. Thứ hai là xây dựng quá chiều cao quy định. Xây cả vào khu không được phép xây như các vị trí quy hoạch dải cây xanh. Các khu này xây xong thì người dân đã vào ở và bán hết rồi. Các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy cũng không đủ, dân cũng chưa cấp được sổ đỏ”, ông Chung nói.
Theo ông Chung, Ban cán sự Ủy ban nhân dân thành phố đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan điều tra của Công an thành phố thụ lý, điều tra và xử lý theo đúng tinh thần truy tố theo quy định của pháp luật.
“Sai đến đâu xử lý đến đó”, Chủ tịch Hà Nội khẳng định thành phố kiên quyết xử lý nghiêm, không để tình trạng như cử tri phản ánh là “cứ phạt rồi cho tồn tại”, dẫn đến tình trạng nhờn luật.
Tuyên bố của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho thấy quyết tâm của Hà Nội trước sai phạm của doanh nghiệp. Tuy nhiên kể từ thời điểm tiếp xúc cử tri đến nay đã qua 6 tháng nhưng những kết quả điều tra sai phạm doanh nghiệp vẫn chưa được xử lý khiến dư luận hồ nghi, phải chăng Hà Nội đang xử lý kiểu “ném đá ao bèo”?
Chủ tịch Hà Nội khẳng định thành phố kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm của tại dự án do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư, ảnh: Nguyễn Dũng |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này ông Nguyễn Văn Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, việc đích thân Chủ tịch Nguyễn Đức Chung hứa người dân sẽ giải quyết dứt điểm sai phạm trong xây dựng trong đó có sai phạm của doanh nghiệp do ông Lê Thanh Thản làm giám đốc cho thấy quyết tâm của thành phố. Tuy nhiên do đây là doanh nghiệp lớn, quy mô đầu tư dàn trải rộng chính vì thế để đi đến kết luận đúng sai là cả quá trình và cần thời gian
“Tôi đồng tình pháp luật phải nghiêm minh, sai phạm của Mường Thanh phải được làm rõ. Việc chậm đưa ra kết luận cho thấy những thách thức, đòi hỏi thành phố phải cương quyết xử lý đúng người đúng tội”, ông Điệp cho biết.
Đồng quan điểm ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay xử lý sai phạm trong xây dựng đang có tình trạng xử lý không nghiêm.
“Luật có nhưng pháp không nghiêm đưa đến tình trạng doanh nghiệp coi thường, doanh nghiệp vì lợi nhuận chấp nhận nộp mức phạt nào đó. Cùng với việc phạt cho tồn tại dẫn đến phạt cứ phạt, vi phạm vẫn vi phạm”, ông Đực cho biết.
Ngoài ra theo ông Đực mức xử phạt hành chính với vi phạm lĩnh vực xây dựng chưa lớn đến mức doanh nghiệp phải sợ dẫn đến doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm và nộp phạt.
Nói về việc Hà Nội chậm công bố kết quả điều tra vi phạm của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên, ông Đực cho rằng, ngay tại sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực kéo dài nhiều năm Chính phủ trực tiếp chỉ đạo nhưng đến nay vẫn như “mèo vờn chuột” giữa nhà nước và doanh nghiệp thì chuyện xử lý doanh nghiệp ông Thản chậm là điều dễ hiểu.
Ở góc độ doanh nghiệp ông Đực cho rằng, doanh nghiệp phải dám làm dám chịu không nên suy nghĩ sai nộp phạt bởi làm gì thì doanh nghiệp cũng cần xây dựng thương hiệu thị trường và thương hiệu trong lòng khách hàng.
Phải xử lý cả cán bộ
Nêu quan điểm xử lý sai phạm của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên ông Nguyễn Văn Điệp cho biết: “Xử lý doanh nghiệp khi có sai phạm là rất đúng nhưng cần xử lý cơ quan quản lý nhà nước thiếu giám sát dẫn đến sai phạm của doanh nghiệp”.
Ông Điệp cho rằng vấn đề quan trọng nhất trong xử lý sai phạm trật tự xây dựng là phòng tránh. Muốn phòng tránh sai phạm thì chính quyền địa phương phải giám sát, đôn đốc thường xuyên không để doanh nghiệp sai rồi mới phạt, mới xử lý.
“Điểm yếu cấp chính quyền hiện nay là giám sát, người sai bị xử lý nhưng cái sai đó là hệ quả từ quản lý kém của chính quyền địa phương.
Doanh nghiệp ông Thản xây vượt tầng vậy thanh tra xây dựng khu vực đó đâu, có biết không. Tôi cho rằng biết, vậy biết tại sao không nhắc nhở không xử lý ngay từ đầu? Trong điều tra xử lý sai phạm doanh nghiệp cần xử lý cả cán bộ thực thi công vụ trong cơ quan quản lý nhà nước”, ông Điệp nhấn mạnh.
Trong quản lý xây dựng, ông Điệp cho rằng cần hoàn chỉnh về mặt thể chế, trong đó quy trách nhiệm từng cá nhân trong bộ máy công quyền, đặc biệt trách nhiệm của chính quyền cơ sở.
Trước đó tháng 3/ 2017, Thanh tra Chính phủ thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách nhà nước đối với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP Hà Nội.
Tòa nhà CT4 (Khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội) do doanh nghiệp ông Thản đầu tư từng xảy ra cháy ngày 11/10/2015 - ảnh Hoàng Lực. |
Dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội) có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của cơ quan quản lý nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội; đối với các bên tham gia dự án đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của nhà nước (Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản…) trong quá trình thực hiện dự án.
“Đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện hết nghĩa vụ tài chính với nhà nước, có dấu hiệu thất thoát tiền ngân sách nhà nước”, kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã có những vi phạm trong quản lý đất đai, xây dựng dẫn đến nhiều chủ đầu tư sử dụng đất của nhà nước đã từ lâu nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước; đến ngày 31/12/2014 dự tính là trên 7.166 tỷ đồng.
Đặc biệt là dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh đến thời điểm thanh tra dự án chưa có quyết định giao đất, chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt dự án, mục đích sử dụng đất là sản xuất gạch ngói, các bên tham gia thực hiện dự án đã chuyển nhượng bất hợp pháp, chủ đầu tư chưa thực hiện nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước nhưng chủ đầu tư đã khởi công xây dựng từ tháng 3/2012, trong quá trình xây dựng có nhiều sai phạm.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội theo thẩm quyền tiến hành kiểm điểm các đơn vị, các cá nhân có liên quan đã buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý đất đai trên địa bàn, dẫn đến các chủ đầu tư sử dụng đất của nhà nước có nhiều vi phạm.
Yêu cầu Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thực hiện các giải pháp để rà soát và thực hiện ngay việc xác định nghĩa vụ tài chính của các chủ đầu tư đã sử dụng đất của nhà nước trên địa bàn, đặc biệt đối với các dự án chủ đầu tư cố ý trốn tránh, chây ì thực hiện nghĩa vụ với nhà nước có vi phạm thì có giải pháp xử lý kiên quyết, kể cả xem xét trách nhiệm hình sự.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo Giáo dục VN