Vì sao Vietcombank chào bán cổ phiếu OCB lại “ế hàng”?
Được biết, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) từng nhiều lần muốn thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Nhưng việc này nằm trong bối cảnh thị trường thời gian trước đó không thuận lợi, giá cổ phiếu xuống thấp, trong khi các ngân hàng còn phải tập trung xử lý nợ xấu, nên hoạt động thoái vốn còn gặp nhiều khó khăn.
Nối tiếp việc thoái vốn tại Saigonbank, CFC và kế hoạch sắp tới là Eximbank, MBB, việc rút vốn của Vietcombank tại OCB lần này nhằm giảm tình trạng sở hữu chéo. Theo lộ trình, trước ngày 01/02/2016, các ngân hàng phải lên kế hoạch và thực hiện thoái vốn tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Nội dung Thông tư đề cập mỗi tổ chức tín dụng không được sở hữu quá 5% vốn ở tổ chức tín dụng khác; mỗi tổ chức tín dụng cũng không được sở hữu, có cổ phần ở quá 2 tổ chức tín dụng.
Chỉ có khoảng 13.1/18.9 triệu cổ phiếu OCB do Vietcombank chào bán được đăng ký mua. Ước tính tại mức giá khởi điểm 13,000 đồng/cp, Vietcombank có thể thu về ít nhất hơn 170 tỷ đồng từ đợt đấu giá này
Không thành
công như Saigonbank và CFC, chỉ có 2/3 cổ phiếu OCB được đăng ký mua
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có thông báo về kết quả đăng ký mua cổ phần của OCB do Vietcombank chào bán.
Trong đợt đấu giá lần này, số lượng cổ phần OCB mà Vietcombank chào bán là gần 18.9 triệu cp, tương đương 4.85% tỷ lệ cổ phiếu đang lưu hành của OCB. Tuy nhiên chỉ có hơn 13.1 triệu cp được 58 nhà đầu tư đăng ký mua, trong đó có 4 nhà đầu tư tổ chức và 54 nhà đầu tư cá nhân. Như vậy, vẫn còn khoảng 1/3 cổ phiếu OCB do Vietcombank chào bán không có người đăng ký mua.
Theo kế hoạch, phiên đấu giá sẽ được tổ chức vào ngày 29/12 sắp tới với giá khởi điểm 13,000 đồng/cp. Ước tính tại mức giá khởi điểm, Vietcombank có thể thu về ít nhất hơn 170 tỷ đồng.
Trước đó, Vietcombank vừa đấu giá thành công toàn bộ cổ phần đang nắm giữ tại Saigonbank và Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC) với tổng giá trị là gần 343 tỷ đồng. Lợi nhuận thu về ước tính khoảng 148 tỷ đồng, trong đó phần lớn là từ cổ phần Saigonbank.
Với phần vốn sở hữu tại Saigonbank, mức giá bán đấu giá khởi điểm là 12,500 đồng/cp. Tuy nhiên, toàn bộ hơn 13.25 cp (4.3%) đã được tranh mua hết với giá đẩy lên 20,100 đồng/cp, theo đó mang về cho Vietcombank hơn 266 tỷ đồng. Còn tại CFC, toàn bộ 6.6 triệu cp (10.91%) cũng đã được gom với tổng giá trị hơn 76.25 tỷ đồng (giá khởi điểm 11,549 đồng/cp, giá trúng thầu 11,550-11,560 đồng/cp).
Những “chốt chặn” trước ngày chào bán
Phiên đấu giá ít nhận được sự quan tâm hơn của các nhà đầu tư so với 2 đợt chào bán trước có lẽ không nằm ở sức hấp dẫn của cổ phiếu OCB?
Trước hết, mức giá khởi điểm của cổ phiếu OCB được Vietcombank chào bán là 13,000 đồng/cp đang thấp hơn giá mua bán trên OTC của Ngân hàng này. Được biết, thời gian gần đây, cổ phiếu OCB được trao tay trên thị trường phi tập trung chủ yếu với giá trong khoảng 14,500-19,000 đồng/cp.
Đây là bước tăng trưởng đáng kể về giá cổ phiếu, bởi trong ĐHĐCĐ thường niên 2017 tổ chức hồi giữa tháng 4 vừa qua của OCB, nhiều cổ đông còn bức xúc vì thị giá cổ phiếu quá thấp và chưa được giao dịch tại thị trường tập trung. Tại thời điểm đó, giá cổ phiếu OCB đang giao dịch dưới mệnh giá, ở mức 7,000 đồng/cp (thấp hơn rất nhiều so với giá cổ đông mua cách đây nhiều năm). Và để trấn an cổ đông về giá cổ phiếu, Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn còn kêu gọi “hãy kiên trì thêm 1 hay 2 năm nữa thì cổ phiếu OCB sẽ chắn chắn không có giá dưới 10,000 đồng/cp”.
Giá
mua bán cổ phiếu OCB trên OTC thời gian gần đây
Bên cạnh đó, OCB cũng vừa công bố những thông tin khá khả quan về tình hình hoạt động của Ngân hàng. Được biết, OCB đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 2017 sau 9 tháng đầu năm. Lợi nhuận 11 tháng đầu năm ghi nhận 960 tỷ đồng và Ban lãnh đạo OCB ước tính cả năm 2017 sẽ vượt mốc 1,000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ngân hàng cho biết đã hoàn tất việc triển khai dự án Basel II, qua đó trở thành ngân hàng đầu tiên của Việt Nam đáp ứng được Basel II phương pháp tiêu chuẩn từ cuối năm 2017. Gần đây nhất, NHNN cũng đã chấp thuận cho OCB tăng vốn thêm hơn 805 tỷ đồng từ phát hành riêng lẻ cho đối tượng chọn lọc.
Tuy nhiên, phiên chào bán tới đây lại “vấp phải” một số rào cản khiến nhà đầu tư bớt hứng thú hơn và giảm cơ hội được nắm giữ cổ phiếu OCB.
Theo thông báo bổ sung lần 1 về đợt chào bán, Vietcombank cho biết số cổ phiếu OCB bán đấu giá vào ngày 29/12 sẽ không bao gồm quyền nhận cổ phiếu thưởng phát sinh tại ngày chốt danh sách cổ đông trong đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn của OCB. Được biết, ngày 20/12 vừa qua, OCB đã chốt quyền nhận cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 5%, nguồn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo BCTC kiểm toán năm 2016.
Chốt chặn tiếp theo liên quan đến room ngoại. Theo thông báo bổ sung lần 2 của Vietcombank, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại OCB đã đạt mức tối đa (23.66% vốn điều lệ), vì vậy không còn room cho nhà đầu tư nước ngoài khác. Trong phần vốn do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên, có tới 20% cổ phần được sở hữu bởi ngân hàng Pháp BNP Paribas - cổ đông chiến lược ngoại của OCB. Như vậy, phiên đấu giá tới đây sẽ chỉ là cuộc chơi của các nhà đầu tư nội.
Về phía Vietcombank, sau khi rút vốn tại Saigonbank, CFC và OCB, Ngân hàng này cũng lên kế hoạch thoái vốn tại Ngân hàng Quân đội (MBB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) trong tháng 1/2018. Được đề cập trong bản tin ngày 20/11/2017 của SSI, Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết ước tính lợi nhuận thu về từ việc thoái vốn khỏi MBB và Eximbank sẽ vào khoảng 1,000 tỷ đồng.
Cũng trong bản tin chứng khoán công bố cùng ngày của HSC, CTCK này ước tính, không chỉ hết sở hữu chéo mà lãi từ thoái vốn khỏi 5 tổ chức tín dụng sẽ đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của Vietcombank, khoảng 2,450 tỷ đồng. Trong đó dự kiến việc thoái vốn tại MBB, Eximbank sẽ mang về cho Vietcombank 2,200 tỷ đồng và được hạch toán vào năm 2018. Từ đó sẽ giúp lợi nhuận của Vietcombank tăng 16.9%.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.