Vì sao đại dịch chào thua tại Việt Nam?
Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch tại sân bay Nội Bài. |
Tháng 8/2014, cả thế giới nóng lên với căn bệnh Ebola khiến hàng nghìn người tử vong. Người ta sợ căn bệnh này bởi đường lây của nó nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong sau khi nhiễm bệnh tăng cao. Bệnh do vi rút Ebola (Ebola virus disease) là bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong lên đến 90%.
Vi rút Ebola xuất hiện lần đầu tại Sudan và Cộng hòa Công Gô vào năm 1976. Tại Công Gô, vi rút được phát hiện ở một ngôi làng ven sông Ebola, vì vậy người ta đặt tên là vi rút Ebola. Tại châu Phi, dơi ăn quả được xem là các vật chủ tự nhiên của vi rút này.
Chưa hết dịch Ebola, dịch viêm hô hấp Trung Đông có tên MERS – Cov cũng trở thành ám ảnh của nhiều quốc gia. MERS là từ viết tắt của Middle East Respiratory Syndrome (Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông). Các nhà nghiên cứu tìm thấy kháng thể chống MERS trong một số loài dơi, cũng như trong mẫu máu của lạc đà ở châu Phi và Saudi Arabia từ năm 1992 và 1993. Do đó, giới khoa học cho rằng vi rút MERS đã tồn tại trong lạc đà từ nhiều năm trước khi lây lan sang con người.
Bách khoa Sức khỏe cho biết trường hợp nhiễm MERS đầu tiên là một bệnh nhân thiệt mạng ở Jeddah, Saudi Arabia hồi năm 2012. Kể từ đó đến nay MERS đã ảnh hưởng đến trên 17 quốc gia, trong đó có Pháp, Malaysia, Qatar, Anh, Mỹ, Hàn Quốc. Đặc biệt là ở Hàn Quốc 1 nước rất gần chúng ta đã có hơn 200 người mắc bệnh và căn bệnh này cướp đi sinh mạng của 36 người.
Để những đại dịch này không thể vào Việt Nam là cả một sự cố gắng không mệt mỏi của cả hệ thống y tế. Trong đại dịch Ebola, ngành y tế Việt Nam đã chủ động ngăn chặn dịch bệnh, trong đó có định kỳ họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh mới nổi để cung cấp thông tin, cập nhật và có kế hoạch phòng chống, ứng phó kịp thời; ban hành Công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường giám sát phòng, chống bệnh do virus Ebola; gửi Công văn tới Bộ Thông tin và Truyền thông về tăng cường thông tin phòng chống Ebola; tăng cường và duy trì giám sát các đối tượng kiểm dịch y tế nhập cảnh vào Việt Nam qua các cửa khẩu, đặc biệt là từ các quốc gia vùng dịch bệnh để kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ; xây dựng các kế hoạch về công tác xét nghiệm, điều trị; ban hành các văn bản hướng dẫn chuyên môn.
Nhờ có những nỗ lực hết mình từ việc thực tế ở các cửa khẩu để hướng dẫn nhân viên y tế làm tờ khai cho đến tập huấn công tác thu dung ở các tỉnh thành lớn đã giúp Việt Nam thành công, không ghi nhận trưởng hợp nào mắc Ebola, đời sống người dân được đảm bảo.
Nhờ có những bài học và công tác phòng chống đại dịch Ebola đến năm 2015, dịch MERS – CoV lan sang đến Hàn Quốc khiến các quốc gia Châu Á đau đầu đối phó với dịch thì Việt Nam đã có các kịch bản xây dựng từ trước như đối với dịch Ebola.
Kịch bản thứ nhất khi dịch chưa xuất hiện thì chúng ta làm gì, kịch bản 2 khi có người nhiễm bệnh sẽ làm như thế nào từ công tác thu dung cho đến phòng chống lây nhiễm và kịch bản cuối cùng là khi dịch lan rộng trong cộng đồng. Với những kịch bản cụ thể đã lên từ trước nên ngay cả các cơ sở y tế tuyến tỉnh cũng nằm lòng và có thể đưa ra ứng phó với từng tình hình cụ thể.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.