Việc bổ nhiệm Vụ phó 26 tuổi: Cần có những cơ chế đặc biệt khuyến khích nhân tài
2016-12-20 09:22:35
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Vấn đề thu hút hiền tài phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước luôn được chú trọng và đặt lên hàng đầu, thậm chí nhiều cơ quan tạo ra cơ chế, chế độ đãi ngộ đặc biệt nhằm thu hút người tài nhưng vẫn khó khăn trong tuyển dụng. Vậy mà câu chuyện bổ nhiệm một tài năng trẻ vào chức danh Vụ phó Vụ Kinh tế tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ lại đang khiến dư luận cả nước dậy sóng, trở thành tâm điểm bàn luận trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nếu không được đãi ngộ xứng đáng, điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới tương lai của tài năng trẻ mà còn tác động xấu tới sự phát triển của đất nước. |
Tại sao lại có chuyện như vậy? Và tại sao hàng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường thất nghiệp ngày càng tăng. Thậm chí, những sinh viên đạt danh hiệu thủ khoa, rồi những người có bằng nọ cấp kia, học hàm, học vị này khác vẫn phải đi rửa bát thuê, bốc vác, làm bảo vệ hoặc làm những công việc làm trái ngành, trái nghề vì nhiều lý do, vì nhiều hoàn cảnh mà may mắn cứ tìm đến một người dễ dàng như thế?
Sở dĩ có nhiều luồng ý kiến phản ứng gay gắt như vậy xuất phát từ những bức xúc về một số trường hợp tiêu cực trong công tác bổ nhiệm cán bộ bị phát giác trong thời gian vừa qua. Và cũng bởi quan điểm sử dụng cán bộ theo kiểu “tuần tự nhi tiến”, tức là làm việc gì cũng cần tiến hành theo một trình tự nhất định, theo bề dày công tác đã quá ăn sâu vào tiềm thức xã hội. Đây thực sự là “hòn đá tảng” ngăn cản những trẻ người có tài phát huy tối đa năng lực và trí tuệ của mình.
Xét về mặt bằng cấp và học vị, Vũ Minh Hoàng được đào tạo rất bài bản tại những nền giáo dục hàng đầu thế giới. Chỉ mới 26 tuổi, Hoàng có trong tay lưng vốn là những tấm bằng danh giá và biết tới 5 ngoại ngữ. Sang Anh học trung học từ năm 16 tuổi, sau đó học cử nhân Chính trị quan hệ quốc tế, thạc sĩ Phát triển quốc tế tại Đại học Kent, cơ sở Anh và Bỉ. Bằng thạc sĩ thứ 2 về Hành chính công, tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc). Ở thời điểm hiện tại, Vũ Minh Hoàng đang làm nghiên cứu sinh ngành Kinh tế, khoa Nông nghiệp và Khoa học Đời sống tại Đại học Tokyo (Nhật Bản).
Nhận xét về Vũ Minh Hoàng, Phó Giáo sư ông CHEN Ling - Trường Chính sách công và Quản lý (SPPM), Đại học Thanh Hoa phải thốt lên: “Hoàng là một thủ lĩnh sinh viên nổi bật và có khả năng làm việc nhóm rất tốt. Cậu ấy luôn là một trong những thủ lĩnh của Câu lạc bộ tranh luận SPPM-IR Thanh Hoa. Các kỹ năng hợp tác nổi bật và nỗ lực tuyệt vời của cậu ấy đã giúp cho mọi hoạt động của Câu lạc bộ tranh luận thành công tốt đẹp. Bạn sẽ không bao giờ phải hối tiếc khi chấp nhận một sinh viên xuất sắc như vậy”.
Khác với một lượng lớn trí thức trẻ đang tìm kiếm cơ hội cho bản thân ở những quốc gia khác có điều kiện sống và phát triển năng lực bản thân mạnh mẽ hơn. Sau thời gian học tập và làm việc tại các nước phát triển, Vũ Minh Hoàng đã quyết định trở về để cống hiến cho Tổ quốc.
Trở về nước, Hoàng đã có sự thể hiện xuất sắc, biết nhiều ngoại ngữ nên Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ mời Hoàng về làm phiên dịch cho bên xúc tiến đầu tư của cơ quan. Sau một thời gian công tác, Vũ Minh Hoàng làm việc rất hiệu quả nên lãnh đạo Ban bàn bạc và thống nhất mời về tham gia phụ trách công tác xúc tiến đầu tư cho Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Sau đó, Ban có xin ý kiến của Ban Tổ chức Trung ương, ghi nhận đây là trường hợp xuất sắc nên cần được tuyển dụng bằng hình thức tuyển dụng không qua thi tuyển và đã được Ban Tổ chức Trung ương đồng ý.
Trong thời gian Vũ Minh Hoàng tập sự, việc xúc tiến đầu tư của Tây Nam bộ có nhiều thuận lợi. Hoàng làm việc tốt ở nước ngoài, mời nhiều đoàn xúc tiến đầu tư về Tây Nam Bộ để tìm hiểu và xúc tiến đầu tư nên lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ thấy sự cần thiết bổ nhiệm Hoàng làm Vụ Phó Vụ kinh tế bằng chế độ đặc biệt, khuyến khích nhân tài về nước phục vụ.
Việc bổ nhiệm Vũ Minh Hoàng, thời điểm đó lãnh đạo Ban đã tham khảo và đối chiếu theo Kết luận số 86-KL/TW ngày 24/10/2014 của Bộ Chính trị; Công văn số 577-CV/BVCTNB ngày 18/12/2015 của Cục Bảo vệ Chính trị nội bộ - Ban Tổ chức Trung ương. Bên cạnh đó Ban còn có lấy ý kiến tập thể, trao đổi miệng với một số đảng ủy viên, lãnh đạo Ban... và cuối cùng được tập thể thống nhất cao; đồng thời căn cứ vào năng lực, trình độ thật sự của Hoàng. Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ khẳng định, việc tuyển dụng Hoàng là nhằm để đáp ứng nhu cầu chung của công việc, thu hút nhân tài chứ không phục lợi ích cục bộ nào ở đây cả.
Cán bộ là cái gốc của mọi việc, chính vì thế, công tác cán bộ là rất quan trọng, việc có nhiều ý kiến khác nhau cũng là điều dễ hiểu. Ở mỗi góc độ khác nhau, mọi ý kiến phản ánh đều cần được lắng nghe và trân trọng, nhưng chúng ta cũng cần có nhìn chung nhất.
Năng lực đích thực của một con người cần được thử thách bằng thời gian và hiệu quả công việc. Chúng ta cần xem xét vấn đề này để đưa ra quyết định. Nhiều ý kiến cá nhân nói rằng, những người trẻ tuổi mà có tài năng thật sự thì nên có chế độ đãi ngộ riêng dành cho họ chứ không thể bắt hộ xếp hàng tuần tự được.
Nếu vẫn cứ cứng nhắc giữ nguyên cách nhìn nhận và tuy duy cũ thì khả năng thăng tiến của những người trẻ tuổi sẽ bị hạn chế trong môi trường làm việc tại Việt Nam, nhất là trong các cơ quan nhà nước. Và rất có thể những người có tài năng thật sự phải đợi khi ngoài 40 - 50 tuổi mới được bổ nhiệm, mới làm cán bộ. Theo nhiều chuyên gia, môi trường làm việc ở nhiều cơ quan nhà nước hiện nay quá nhiều gò bó, muốn thăng tiến phải có “ô dù,” phải được cơ cấu, thay vì dựa vào năng lực và tài năng của bản thân. Đây chính là những bất cập của chính sách thu hút nhân tài trở về nước cống hiến.
Đất nước muốn phát triển thì phải trọng dụng, bổ nhiệm những con người bản lĩnh, trí tuệ, năng động, sáng tạo…, do đó, vấn đề cấp bách của Nhà nước là cần có các phương án, chính sách thiết thực hơn nữa trong việc ưu đãi, động viên, khích lệ những người học tập ở nước ngoài trở về. Nếu không nhân tài sẽ không muốn về nước phục vụ.
Có thể hình dung rằng, người tài là người giải quyết được khó khăn cho người đi cầu hiền, chứ không phải cầu về để làm kiểng. Tức là người tài là người có thể bắt tay vào giải quyết việc lớn ngay được mà không phải qua đào tạo hay rút kinh nghiệm gì nữa. Người đi cầu phải có con mắt tinh đời để chọn đúng người mình cần cho công việc mình cần.
Nếu giải quyết tốt các vấn đề trên, người cầu hiền sẽ mãi mãi nâng niu bậc hiền tài còn hơn cả vật báu. Còn nếu không, thì nó mãi là một vòng luẩn quẩn, trì trệ mà thôi.
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, thế hệ trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước. Điều quan trọng nhất là những người có tâm, có đức, có tài đem cần được trọng dụng một cách xứng đáng, tạo điều kiện cho người tài được phát huy. Từ đó, họ mới có thể đem hết sự nhiệt thành và trí tuệ vào thực tiễn cuộc sống và công việc, tạo ra hưởng đi mới, cách làm mới sáng tạo, phục sự Tổ quốc, nhân dân. Xét một cách tổng thể, “nhân vô thập toàn”, tuổi trẻ có tài năng, có sự nghiệp lẫy lừng không phải là tội lỗi, như câu danh ngôn: “Ngày qua như gió thoảng qua. Một ngày vui, để lãi ra một ngày. Đã sinh làm một kiếp người. Cầu toàn đâu dễ, trên đời mấy ai?!”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Nam Bắc