Việt Nam dự Hội nghị Lao động quốc tế lần thứ 106 và các hoạt động bên lề tại Geneva
Hội nghị có sự tham dự của 186 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên ILO và tập trung thảo luận một số vấn mang tính thời sự toàn cầu trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và yêu cầu cần đảm bảo tăng trưởng toàn diện đi đôi với phát triển bền vững.
Tại Hội nghị này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng Đào Hồng Lan đã có bài phát biểu tại phiên toàn thể vào sáng ngày 12/6. Trong đó đánh giá cao báo cáo “Việc làm trong bối cảnh biến đổi khí hậu – sáng kiến xanh” của Tổng giám đốc ILO. "Việt Nam ủng hộ Sáng kiến thiên niên kỷ Xanh của ILO trong bối cảnh Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu với những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là mực nước biển dâng và xâm mặn làm ảnh hưởng đến diện tích đất, cuộc sống của người dân và tăng trưởng GDP", Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Cùng với các hoạt động bên lề của ILC 106, Thứ trưởng Đào Hồng Lan đã tham dự với vai trò là diễn giả chính tại “Tọa đàm về bảo đảm và thúc đẩy quyền của phụ nữ trong bối cảnh biến đổi khí hậu” được tổ chức bên lề Khóa họp thường kỳ lần 35 của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Hội nghị là sáng kiến của Việt Nam và được đồng tổ chức bởi Việt Nam, Fiji, Ôt-xtrây-lia và Phi-líp-pin do ông Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva chủ trì.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ quan điểm về bảo vệ quyền của phụ nữ trong biến đổi khí hậu và những điển hình tốt được thực hiện tại Việt Nam, đặc biệt liên quan đến phụ nữ vùng ven biển. Nhấn mạnh thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong biến đổi khí hậu và những gánh nặng mà phụ nữ phải gánh vác trong thiên tai, Thứ trưởng cũng đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy quyền của phụ nữ, đặc biệt phụ nữ ven biển trong biến đổi khí hậu như nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và vai trò của nam giới và phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo điều kiện cho sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động đào tạo và huấn luyện chuẩn bị sẵn sàng ứng phó; thúc đẩy hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm liên quan trên thế giới, đặc biệt đến việc chuyển đổi sinh kế cho phụ nữ tại những vùng dễ bị tổn thương và ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, trong đó có phụ nữ vùng ven biển.
*Bên lề Hội nghị ILC 106, Đoàn công tác của Việt Nam do Thứ trưởng Đào Hồng Lan dẫn đầu cũng đã có buổi tiếp xúc và làm việc với ông Guy Ryder, Tổng giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Thay mặt Đoàn công tác, Thứ trưởng đã chúc mừng ông Guy Ryder được tái bổ nhiệm Tổng giám đốc ILO cho nhiệm kỳ 5 năm giai đoạn 2017-2022. Đoàn đã thông tin cho Tổng giám đốc về những hoạt động xây dựng luật pháp cũng như các chương trình và dự án hợp tác với ILO trong thời gian gần đây. Đoàn cũng đánh giá cao sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tài chính của ILO hướng tới việc làm bền vững tại Việt Nam cũng như đánh giá cao sáng kiến về việc làm xanh của ILO và sự hỗ trợ của tổ chức này trong việc xây dựng Khuôn khổ APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số vừa được thông qua tại Đối thoại cao cấp APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số được tổ chức vào tháng 5 vừa qua.
Tổng giám đốc ILO cũng cám ơn nỗ lực của các đối tác đối tác ba bên tại Việt Nam và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ hết sức cho Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế, đặc việt trong lĩnh vực lao động và việc làm. Ông Guy Ryder hứa sẽ đến Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
*Đại diện Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam cũng đã có buổi tiếp xúc song phương với Tổng Vụ Kinh tế Liên bang Thụy sỹ do ông Boris Zürcher, Tổng vụ trưởng làm trưởng đoàn. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Đào Hồng Lan đánh giá cao những hành tựu đã đạt được trong lĩnh vực lao động và việc làm giữa Việt Nam và Thụy Sỹ trong thời gian vừa qua. Thứ trưởng Đào Hồng Lan cảm ơn Thụy Sỹ đã có những sự hỗ trợ về mặt tài chính trong việc thực hiện dự án Better Work và SCORE và bày tỏ hi vọng sẽ thúc đẩy việc thực hóa Biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực lao động và việc làm với Thụy Sỹ. Thứ trưởng cũng đề nghị Thụy Sỹ cân nhắc thúc đẩy mở rộng đào tạo nghề trong lĩnh vực du lịch và xem xét khả năng tiếp nhận lao động có trình độ cao của Việt nam sang Thụy Sỹ làm việc, đặc biệt trong việc phái cử y tá và điều dưỡng viên theo mô hình Việt Nam đang làm với Đức.
Bên cạnh đối thoại song phương được tổ chức từ năm 2016, phía Thụy Sỹ cũng đã bảy tò sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực lao động việc làm thông qua xây dựng một lộ trình về các hoạt động hợp tác cụ thể trong lĩnh vực này nhằm hiện thực hóa Biên bản ghi nhớ giữa hai bên. Thụy Sỹ cũng nhấn mạnh sự tham gia đầy đủ và hợp tác chặt chẽ và tầm quan trọng của các đối tác xã hội trong các hoạt động của mình.
Trong chuỗi sự kiện tại ILC 106, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cũng đã làm việc với các Bộ trưởng/Trưởng đoàn của các nước ASEAN do Phi-lip-pin, Chủ tịch ASEAN 2017 chủ trì. Tổng Giám đốc ILO cũng đã tham dự hoạt động này và nhấn mạnh những thành tựu ASEAN đã đạt được trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội cũng như chúc mừng ASEAN nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN. Các đại biểu đã xem những đoạn phim giới thiệu những thành tựu trong thực hiện Việc làm bền vững tại các quốc gia thành viên ASEAN và thống nhất cùng tiến tới thực hiện tốt hơn nữa tiến trình này.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.