Vietcombank báo lãi kỷ lục, nợ mất có khả năng mất vốn cũng tăng gấp 2,5 lần
Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam – Vietcombank (mã CK: VCB) đã công bố BCTC hợp nhất Qúy IV/2018 với kết quả kinh doanh hết sức ấn tượng.
Theo đó, trong Quý IV vừa qua, tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận sau thuế của Vietcombank lần lượt đạt 10.690 tỷ đồng và 5.280 tỷ đồng, tăng tương ứng 41,9% và 93,3% so với cùng kỳ. Kết quả này có được là nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ từ các hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ngân hàng ghi nhận 7.980 tỷ đồng, tăng 38,1%; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 35,1% lên 773 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng gần gấp đôi lên 657 tỷ đồng.
Ngược lại, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lại mang về khoản lỗ 67 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 87 tỷ đồng.
Ngoài ra, lãi thuần từ hoạt động khác của Vietcombank cũng giảm 70% xuống còn 200 tỷ đồng và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần ghi nhận 1.145 tỷ đồng, gấp 6,73 lần cùng kỳ năm trước.
Sau khi trừ đi chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt mức 6.616 tỷ đồng, tăng 94,1% so với Quý IV/2017.
Lũy kế cả năm 2018, tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank đạt 39.288 tỷ đồng, tăng 33,6% so với năm trước. Theo đó, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế của ngân hàng lần lượt đạt 18.300 tỷ đồng và 14.658 tỷ đồng, tăng tương ứng 61,3% và 60,9% so với năm 2017, đồng thời vượt 40% kế hoạch đã đề ra.
Tính đến ngày 31/12/2019, Vietcombank có tổng tài sản đạt mức 1.072.983 tỷ đồng, tăng 37.690 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, dư nợ khách hàng tăng trưởng 16,4% lên 632.632 tỷ đồng; huy động tiền gửi khách hàng đạt 802.222 tỷ đồng, tăng 13.2% so với cuối năm 2017.
Được biết, năm 2018 cơ cấu tín dụng của Vietcombank đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ giữa các ngành nghề. Theo đó, cho vay lĩnh vực xây dựng không còn chiếm tỷ trọng cao nhất trong dư nợ nhà băng này với 4,57% dư nợ , trong khi năm trước là 27,19%. Thay vào đó, ngân hàng chú trọng hơn vào sản xuất và gia công chế biến thông qua việc tăng tỷ trọng cho vay từ 5,91% lên mức 25,89%.
Bên cạnh đó, đối với lĩnh vực sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước ngân hàng cũng giảm tỷ trọng cho vay từ 21,81% xuống chỉ còn 4,64%. Ngược lại, cho vay thương mại, dịch vụ lại tăng từ 4,24% lên 19,01% tổng dư nợ Vietcombank.
Ngoài ra, đi cùng với đà tăng trưởng tín dụng thì nợ xấu của ngân hàng này đang có dấu hiệu tăng cao.
Cụ thể, thuyết minh BCTC cho thấy, tính đến cuối năm 2018, Vietcombank đang có tổng cộng 6.215 tỷ đồng nợ xấu, trong đó, nợ nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn đã tăng từ 1.940 tỷ đồng lên mức 4.767 tỷ đồng, tương ứng mức tăng gấp 2,45 lần so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1% tổng dư nợ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.