VPBank: Buộc khách hàng phải trả lãi dù chưa giải ngân khoản vay?
Theo phản ánh của anh Nguyễn Thế C., trú tại TP. HCM, về việc gia đình anh cần một khoản tiền 500 triệu nên đến VPBank làm thủ tục vay. Tuy nhiên, sau khi vay xong anh mới giật mình vì lãi suất cao hơn rất nhiều so với quảng cáo và anh còn phải trả lãi cho cả những ngày mà VPBank chưa giải ngân tiền.
Thông báo cấp tín dụng cho gia đình anh C. của ngân hàng VPBank
Trao đổi với PV, anh C. cho biết: “Vì có việc cần tiền nên tôi có đến Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), phòng giao dịch (PGD) Bàu Cát, địa chỉ tại số 33 đường Trương Công Định, phường 14, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh hỏi thủ tục vay. Tôi được anh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc PGD tư vấn, với khoản vay 500 triệu trong thời gian 1-2 tháng thì lãi suất sẽ tính là 16%/năm. Tôi có hỏi kỹ lại rằng, nếu trả sớm trước hạn khoản vay thì có bị phạt gì không thì được trả lời là không phạt gì cả”.
“Nghe tư vấn xong, tôi thấy tin tưởng nên mang sổ đỏ đến để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay. Ngày 24/4/2017, tôi đến VPBank làm thủ tục và đến khoảng 6h tối cùng ngày thì nhân viên VPBank đưa ra một loạt giấy tờ để gia đình tôi ký và hứa ngày mai sẽ giải ngân”, anh C. trình bày với PV.
Đơn đề nghị trả nợ trước hạn của gia đình anh C. gửi ngân hàng VPBank.
Ngân hàng VPBank đã làm thủ tục cho gia đình anh C. khoản vay với mục đích vay tiêu dùng – mua sắm vật dụng gia đình, hạn mức 500 triệu đồng, giải ngân một lần với tài sản đảm bảo là quyền sử dụng 164m2 đất của gia đình anh tại tỉnh Hải Dương.
Cũng theo phản ánh của anh C., gia đình anh chờ đợi nhiều ngày mà chưa thấy ngân hàng VPBank giải ngân khoản vay của anh. Đến ngày 4/5, ngân hàng VPBank lại hứa sẽ giải ngân trong ngày và bảo gia đình anh C. ký khống vào 3 giấy chuyển tiền để ngân hàng tự ghi nội dung. “Nhận thấy điều này vô lý nên gia đình tôi nói rằng chỉ ký 1 cái thì nhân viên ngân hàng nói rằng cứ ký đi, nếu sai thì chúng tôi phải chịu trách nhiệm”- anh C. cho biết.
Hợp đồng dịch vụ bảo quản tài sản của ngân hàng VPBank khi gia đình anh C. đưa sổ đỏ vào thế chấp.
Tưởng rằng thế là sẽ được giải ngân ngay nhưng đến ngày 5/5, gia đình anh C. vẫn không thấy tiền đâu, khi gọi hỏi nhân viên ngân hàng thì nhận được câu trả lời, tiền đã giải ngân vào tài khoản còn tiền có vào hay không thì không biết và như thế là đã xong. “Thấy vô lý vì ngân hàng nói đã giải ngân và tiền chưa thấy nổi vào tài khoản nên tôi có bảo phía VPBank kiểm tra lại xem có sai ở đâu không thì nhận được câu trả lời là gia đình tự đi mà kiểm tra?”, anh C. bức xúc nói.
Đến ngày 6/5, quá sốt ruột nên gia đình anh C. tiếp tục gặng hỏi thì nhân viên VPBank mới kiểm tra lại và phát hiện ra lỗi... do ngân hàng ghi nhầm. Sau khi chỉnh sửa lại, đến ngày 8/5, gia đình anh C. mới nhận được tiền do VPBank giải ngân vào tài khoản.
Như vậy, sau đúng 14 ngày, gia đình anh C. mới nhận được tiền, khác xa so với quảng cáo của ngân hàng VPBank là giải ngân ngay trong ngày.
Và tin nhắn của nhân viên ngân hàng bảo anh C. trả lãi cho cả những ngày tiền chưa được giải ngân.
Điều làm anh C. uất ức hơn cả là anh phải trả lãi cho cả những ngày mà tiền chưa được giải ngân. Cụ thể, tiền giải ngân ngày 8/5 nhưng anh phải trả lãi từ ngày 5/5. Thắc mắc với ngân hàng thì anh được một nhân viên ngân hàng cho biết, do lỗi ghi nhầm của ngân hàng, mong khách hàng thông cảm. Vậy là anh đành phải trả thêm 600.000 đồng cho lỗi không thuộc về mình để nhanh chóng rút được sổ đỏ.
Sau khi vay 500 triệu trong vòng 60 ngày, theo tính toán của anh C. thì gia đình anh đã phải trả lãi với số tiền 33.800.000 đồng cho ngân hàng VPBank, tính ra anh đã phải chịu lãi suất lên tới gần 41%/năm.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.