VPBank hỗ trợ gấp 715 máy hỗ trợ hô hấp hiện đại cho các tỉnh, thành phía Nam
Nhằm hỗ trợ kịp thời công tác phòng chống dịch Covid-19, đồng thời hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã quyết định chi gần 150 tỷ đồng mua máy thở, hỗ trợ khẩn cấp cho TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Theo đó, được sự chấp thuận của Bộ Y tế, VPBank đã ký hợp đồng đặt mua 715 máy thở các loại, bao gồm: 21 máy thở xâm nhập và không nhập chức năng cao, model Puritan Bennet 840 và 980; 194 máy thở chức năng cao model Carescape R860 V11 và 500 hệ thống làm ẩm thở oxy dòng cao, model VUN-001 để bàn giao cho Bộ Y tế nhằm phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
715 máy thở mà VPBank tài trợ trị giá lên tới gần 150 tỷ đồng.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19, số ca dương tính tăng nhanh tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt trang thiết bị y tế, đặc biệt là hệ thống hỗ trợ hô hấp công nghệ cao, thì hệ thống máy thở hiện đại mà VPBank ủng hộ sẽ góp phần gia tăng nguồn lực, hỗ trợ hiệu quả cho ngành y tế các địa phương khu vực phía Nam trong công tác ứng phó với dịch Covid-19, đặc biệt là trong điều trị bệnh nhân nặng.
Với tinh thần quyết liệt, quyết tâm cao, chung tay cùng Chính phủ, Bộ Y tế và các tỉnh thành phía Nam đẩy lùi dịch bệnh theo đúng phương châm “chống dịch như chống giặc”, ngay trong 2 ngày là 19 - 20/7, VPBank đã phối hợp với Bộ Y tế chuyển gấp 10 máy thở model Carescape R860 V11 cho Bệnh viện Hồi sức Covid-19 tại TPHCM; 20 máy thở xâm nhập và không xâm nhập chức năng cao model Puriran Bennet 840 và 980 cho Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM và 01 máy thở cùng loại này cho Bệnh viện Đa khoa Hậu Nghĩa, tỉnh Long An.
31 máy thở hiện đại do VPBank tài trợ đã được bàn giao cho các bệnh viện tại TPHCM và Long An ngay trong 2 ngày 19 - 20/7.
Các máy thở chức năng cao còn lại và 500 hệ thống làm ẩm thở oxy dòng cao sẽ tiếp tục được ngân hàng đẩy nhanh tiến độ để bàn giao cho Bộ Y tế trong thời gian sớm nhất, nhưng không muộn hơn 30/7/2021.
Theo đại diện VPBank, dù những đóng góp của ngân hàng cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 còn rất nhỏ so với những đóng góp thầm lặng của đội ngũ y bác sỹ, công an… trên tuyến đầu, song trước tình hình dịch bệnh nguy cấp tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, mọi sự đóng góp dù nhỏ nhưng vẫn rất đáng quý.
“Chúng tôi tin tưởng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các địa phương, cùng sự chung tay của người dân và doanh nghiệp cả nước, TPHCM và các tỉnh phía Nam sẽ có thêm nguồn lực hữu hiệu trong cuộc chiến chống dịch còn vô vàn khó khăn, nhanh chóng kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, để ổn định phát triển kinh tế xã hội”, đại diện VPBank chia sẻ.
Các máy thở hiện đại do VPBank tài trợ đều được lắp đặt và kiểm tra trước khi chỉnh thức bàn giao.
Trước đó, xác định chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19 là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi thành phần trong xã hội, VPBank đã có hàng loạt hoạt động ý nghĩa, thiết thực như: Ủng hộ Quỹ Vaccine 60 tỷ đồng, hỗ trợ tài chính và các trang thiết bị y tế khác cho các địa phương phòng chống dịch… Mới đây, VPBank cũng đã cùng Hội Thầy thuốc trẻ đưa 4 container xét nghiệm Covid-19 vào tâm dịch phía Nam để tăng cường hỗ trợ đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu và trả kết quả sàng lọc Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng lan rộng.
Ước tính, đến thời điểm này, tổng số tiền mặt và trị giá hiện vật mà VPBank đóng góp cho công tác phòng chống Covid-19 đã lên tới 250 tỷ đồng./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.