Vụ "mua lốt xe 600 triệu": Lộ chuyện mua lốt 130 triệu
Như đã đưa tin, sau khi Sở GTVT Hà Nội “lên tiếng” khẳng định về thông tin "mua một "lốt" xe ở Bến xe Mỹ Đình mất 500-600 triệu đồng" là việc chuyển nhượng giữa các nhà xe, không phải tiêu cực trong công tác quản lý nhà nước. Ngày 22/10, lãnh đạo Bộ GTVT đã ký công văn gửi Sở GTVT Hà Nội, thực hiện ngay việc công bố trên phương tiện thông tin đại chúng biểu đồ chạy xe tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đi và đến địa bàn Hà Nội…
Liên quan đến vấn đề này, sáng nay (28/10), Sở Giao thông vận tải đã tổ chức hội nghị triển khai chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định trên địa bàn thành phố.
Theo ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý Vận tải Đường bộ, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, thành phố có 6 bến xe chính là bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa (trực thuộc Tổng công ty vận tải Hà Nội) và hai bến xã hội hoá là: Nước Ngầm và Lương Yên; ba bến xe có qui mô nhỏ là: Sơn Tây, Trôi, Phùng. (Các tuyến tại bến xe Nam Thăng Long đã chuyển về bến xe Mỹ Đình từ 25/6/2015).
Bến xe Mỹ Đình, Hà Nội. |
Đề cập đến thông tin tiêu cực trong việc mua bán lốt xe mà báo chí nêu ra trong thời gian qua, đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, tại một số đơn vị vận tải (chủ yếu là Công ty cổ phần, Hợp tác xã) đóng góp cổ phần, chuyển nhượng, thay thế phương tiện giữa các cổ đông, các xã viên... dễ gây hiểu nhầm trong dư luận xã hội về tiêu cực trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải.
Theo đơn vị này, thực tế, một đơn vị vận tải thường có nhiều cổ đông, mỗi cổ đông là một nhà xe. Vì vậy, một đơn vị sẽ có nhiều thương hiệu nhà xe khác nhau.
"Việc trong nội bộ đơn vị chuyển nhượng, thay thế xe giữa các cổ đông, xã viên với nhau là việc nội bộ của đơn vị. Cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp và chỉ quản lý theo phương án kinh doanh mà đơn vị vận tải đó đăng ký theo mẫu được quy định tại các Thông tư của Bộ GTVT. Ngoài ra, có một số đơn vị vận tải nhỏ lẻ không đảm bảo số lượng phương tiện theo quy định có xu hướng hợp nhất với nhau cũng sinh ra việc chuyển nhượng mua bán nội bộ", Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khẳng định.
Tuy nhiên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, khi ông còn phụ trách một doanh nghiệp vận tải đã có trường hợp vay vốn mua một chiếc xe chạy tuyến Mỹ Đình – Kiến Xương (Thái Bình) nhưng sau 3 tháng không thấy hoạt động, tìm mãi mới ra đã chạy ở Giáp Bát đã được một tháng. Cuối cùng, ông phải đề nghị Thanh tra giao thông bắt giữ chiếc xe trên, sau đó gọi chủ xe lên kiểm điểm thì được khai nhận đã ra chi mất 130 triệu để về “chạy” về Giáp Bát.
Theo ông Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, hiện chiếc xe này vẫn hoạt động ở Giáp Bát, còn người làm thủ tục chuyển nhượng đã nghỉ hưu.
“Thời điểm xảy ra sự việc trên 2007, khi đó các bến tự sắp xếp với nhau không có sự chấp thuận của Sở Giao thông vận tải. Nói như vậy để thấy rằng, tiêu cực trong vận tải trước đây là có thật nhưng hiện nay đang đi vào nề nếp”, ông Liên nói.
Theo đánh giá của ông Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, trong thời gian vừa qua chất lượng phục vụ vận tải đã được nâng lên rõ rệt, từ bến xe đến xe chạy trên đường và nhân viên phục vụ trên bến xe, trong đó phải ghi nhận thành tích của Hà Nội.
Tuy nhiên, nếu bây giờ đặt vấn bỏ quy hoạch luồng tuyến và chấp thuận tuyến thì cần phải xem xét cẩn thận, nếu bỏ khi xảy ra chuyện gì ai sẽ chịu trách nhiệm. Ví dụ, như vụ lộn xộn ở Mỹ Đình chẳng hạn.
“Không nên bỏ chấp thuận tuyến, vì bỏ sẽ không có cơ sở để xử lý tiêu cực sau này. Chỉ nên giảm thiểu các thủ tục cho các doanh nghiệp bằng cách áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính”, ông Liên nói.
Trước đó, trong cuộc họp giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam ngày 15/10, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng phát biểu: “Có người nói với tôi, xin một lốt xe vào bến Mỹ Đình mất đến 500-600 triệu đồng”.
Sau khi nhận được thông tin "xin suất chạy xe" của Bộ trưởng, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải đã yêu cầu các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát việc cấp lốt xe vào bến xe Mỹ Đình và có văn bản đề nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng cung cấp thông tin cụ thể về tiêu cực tại Bến xe Mỹ Đình.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.