Xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đạt mốc kỷ lục 400 tỷ USD
Nhìn lại chặng đường
xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những năm qua cho thấy bước tiến mạnh mẽ của
hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Theo Tổng cục Hải
quan, bước vào đầu thập niên của thế kỷ 21 (năm 2001), tổng kim ngạch xuất nhập
khẩu của Việt Nam mới chỉ ở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD.
Sau 6 năm (năm 2007) tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã đạt con số 100 tỷ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Bốn năm sau (năm 2011) quy mô xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi đạt con số 200 tỷ USD. Con số 300 tỷ USD tiếp tục đạt được với khoảng thời gian tương tự sau 4 năm (năm 2015).
Rút ngắn một nửa thời gian, chỉ cần 2 năm tiếp theo (khoảng giữa tháng 12 năm 2017), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã chinh phục mức 400 tỷ USD.
Tính từ năm Việt Nam chính thức gia nhập WTO đến nay (sau 10 năm), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng gấp 4 lần. Nhờ đó mà thứ hạng vè xuất nhập khẩu của Việt Nam (theo xếp hạng của WTO) đã tăng lên rõ rệt. Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam từ vị trí 50 năm 2007 lên vị trí 26 năm 2016. Trong khi đó, nhập khẩu từ vị trí 42 năm 2007 lên vị trí 25 trong năm 2016, dự đoán trong năm 2017 thứ hạng này sẽ tiếp tục được tăng lên.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD. Ảnh Đoàn NguyễnChú thích ảnh |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, kim ngạch XNK của Việt Nam tăng trưởng từ mức 30 tỷ USD lên 400 tỷ USD “có thể coi là kỳ tích”. Bởi lẽ vào những năm đầu thập kỷ 90, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam mới đạt 2,5 tỷ USD. Lúc đó kim ngạch XNK của cả châu Phi là 26 tỷ USD. Cho đến nay, cả châu Phi kim ngạch XNK chưa qua 100 tỷ USD, mà Việt Nam đã đạt 400 tỷ USD. Nhờ đó, vị thế Việt Nam trên bản đồ thế giới trong giao thương quốc tế có sự cải thiện rõ rệt.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, một trong những thành công của Bộ Tài chính, của ngành Hải quan, là trong năm qua đã hết sức nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính, tham mưu cho Chính phủ thành lập Ủy ban về Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại. Cộng đồng DN nói chung và 80.000 DN tham gia hoạt động XNK đánh giá rất cao những cố gắng, nỗ lực đó, nhưng cũng đòi hỏi ngành Hải quan tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động và đẩy mạnh cải cách hành chính góp phần thiết thực giảm chi phí, phấn đấu cắt giảm 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành…., nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, của hàng hóa Việt Nam trên thương trường quốc tế…
Cùng với việc gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân thương mại của Việt Nam cũng có sự thay đổi rõ rệt. Nếu như giai đoạn 2007-2015 hầu hết Việt Nam rơi vào trạng thái nhập siêu (trừ năm 2012-2013) thì năm 2016 Việt Nam đã xuất siêu 1,78 tỷ USD. Dự kiến cả năm 2017 xuất siêu 3 tỷ USD.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, điều này góp phần làm cán cân thanh toán cải thiện rõ rệt, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, kiểm soát lạm phát. Thành tích này cũng góp phần làm cho Việt Nam lần đầu tiên sau nhiều năm hoàn thành và hoàn thành vượt định mức cả 13/13 chỉ tiêu kinh tế xã hội.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.