100% bệnh viện phải triển khai bệnh án điện tử trước tháng 10/2025
Theo Thông tư số 46/2018, lộ trình từ năm 2024 đến 2028, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Hiện nay cả nước đang có khoảng 1.500 bệnh viện công lập và tư nhân, trong đó, chỉ có 142 bệnh viện triển khai thành công bệnh án điện tử. PGS.TS Trần Quý Tường nhận xét con số này không đáp ứng được lộ trình đã đề ra.
Mới đây, ngày 14/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 7 về "Đẩy mạnh triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2025 và những năm tiếp theo".
Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo, đôn đốc 100% các bệnh viện trên toàn quốc phải triển khai bệnh án điện tử; liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh của địa phương với các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, tận dụng dữ liệu đã được liên thông liên tuyến để cắt giảm xét nghiệm cho người dân, hoàn thành trong tháng 9/2025.
Đồng thời, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn các bệnh viện về chi phí cho đầu tư hoặc thuê công nghệ thông tin để triển khai chuyển đổi số cho các bệnh viện trên toàn quốc.
Theo đó, để tăng tốc triển khai bệnh án điện tử, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc triển khai bệnh án điện tử và sổ sức khoẻ điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID trước ngày 30/9/2025.
Bộ Y tế đặt mục tiêu đến hết năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện sẽ được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến, ít nhất 80% hồ sơ thủ tục hành chính sẽ được xử lý trực tuyến, tỷ lệ người trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt từ 40% trở lên. Đến hết tháng 6/2025, 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân.
3 nguyên nhân chính khiến việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử còn chậm trễ, bao gồm (i) Các lãnh đạo bệnh viện còn chưa chủ động triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, ỷ lại, trông chờ cơ quan quản lý cấp trên; (ii) Chưa có chế tài cụ thể, đủ mạnh đối với các bệnh viện chậm trễ triển khai bệnh án điện tử theo quy định; (iii) Chưa có hướng dẫn cơ chế tài chính cho sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin y tế.
Hiện nay, 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc đã triển khai ứng dụng CNTT, có phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS) và 100% các bệnh viện đã kết nối với bảo hiểm xã hội để thực hiện giám định bảo hiểm y tế điện tử. Tuy nhiên, việc triển khai bệnh án điện tử vẫn còn nhiều chậm trễ.
Bệnh án điện tử được xem là giải pháp quan trọng nhằm thay thế những hồ sơ bệnh án giấy truyền thống, giúp giảm thiểu sai sót trong quá trình chẩn đoán, điều trị. Hệ thống này không chỉ đơn giản hóa các thủ tục hành chính mà còn giúp các bác sỹ, nhân viên y tế có thể theo dõi và quản lý sức khỏe của bệnh nhân mọi lúc, mọi nơi.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược chuyển đổi số của ngành Y tế, nhằm tối ưu hóa công tác quản lý, cải thiện chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn thông tin trong y tế.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.