15 năm đi tìm và viết về 511 nhà báo liệt sĩ

2020-08-28 14:31:33 0 Bình luận
“Chứng kiến sự hy sinh của đồng đội ngay trước mắt mình, đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in và ám ảnh mùi máu kinh khủng" - 15 năm đi tìm và viết lại chân dung nhà báo liệt sĩ đã để lại cho nhà báo Trần Văn Hiền nhiều cảm xúc và ký ức đau thương.

Nhà báo Trần Văn Hiền giới thiệu danh sách 511 liệt sĩ được đặt ở chùa Âu Lạc (xã Hưng Lộc - TP.Vinh, Nghệ An). Ảnh: Thanh Nga

Hai lần hy sinh

Nhắc về sự ra đi của những người vừa là đồng đội vừa là đồng nghiệp của mình, nét buồn rầu lại hiện lên trên khuôn mặt của nhà báo Trần Văn Hiền - nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An, Trưởng đại diện Tạp chí Người làm báo khu vực miền Trung. 

Từng có 5 năm trực tiếp làm lính công binh, ông Trần Văn Hiền thấu hiểu hơn hết sự ra đi đau đớn tột cùng của đồng đội. Chính mắt ông chứng kiến cảnh đồng đội hy sinh và phải chôn cất họ. Xót xa là thế nhưng mấy ai biết được rằng, những nhà báo liệt sĩ đã phải chịu hai lần đau đớn, hai lần hy sinh. Hy sinh đầu tiên là hy sinh vì bom đạn, hy sinh thứ hai là hy sinh trong sự quên lãng. Nhà báo ra chiến trường với tư cách phối thuộc, đi theo các đơn vị chiến đấu, khi mất không ai biết và cũng không ai lập danh sách. Sau đó thì rơi vào quên lãng. 

“Điều đáng trách là những phần mộ của các nhà báo liệt sĩ hy sinh trong chiến trường không xác định được tên tuổi, quê quán thì đều để là vô danh. Bố tôi cũng từng là liệt sĩ, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Thời điểm đó, mộ của bố tôi bị thất lạc. Tôi đã quyết đi tìm bằng được. Đến năm 1985, tôi đã tìm được mộ của bố và chôn cất, lập bia. Bởi vậy, tôi thấu hiểu hơn hết cảm giác hy sinh không có người nhớ đến và bị gọi là vô danh" - nhà báo Trần Văn Hiền ngậm ngùi chia sẻ.

Chính sự ra đi của người thân cũng như đồng đội đã thôi thúc nhà báo Văn Hiền nhen nhóm ý định đi tìm và dựng lại chân dung của các nhà báo liệt sĩ, để thân nhân cũng như các thế hệ đời sau có thể hiểu rõ về quá trình chiến đấu của như sự hy sinh thầm lặng của nhà báo liệt sĩ. 

Dựng lại 511 chân dung nhà báo liệt sĩ 

Người đầu tiên ông đi tìm và viết lại chân dung là nhà báo Vũ Hiến - người bạn tri kỉ của ông. Thông tin đầu tiên ông nhận được chỉ là cái tên Vũ Hiến, phóng viên Báo Hải Quân Việt Nam, hy sinh ở mặt trận Campuchia. Ông mất 5 năm lặn lội ngược xuôi, về quê quán cũng như gặp gỡ những người cùng chiến trường năm đó với nhà báo Vũ Hiến để tìm kiếm thông tin. Có lẽ, nhà báo Vũ Hiến là người mà ông mất nhiều thời gian nhất để dựng lại chân dung bởi quá trình tìm gặp khá nhiều khó khăn. 

“Khi chiến đấu mỗi đơn vị đều có một nghĩa trang riêng và được đánh dấu, sau một trận đánh có khi người trực tiếp chôn đã hy sinh hoặc người ta không nhớ vị trí chôn nữa. Mặt khác, chiến trường rộng như vậy, hôm nay đánh ở đây thì nghĩa trang của đơn vị nằm ở đây, nhưng ngày mai tiến sâu vào mặt trận hơn thì không có ai quan tâm đến nghĩa trang của đơn vị nữa. Trường Sơn chỉ cần một ngày là tất cả bị phủ lấp hết, không còn nhận ra mộ của đồng đội. Đấy cũng là một lý do vì sao không tìm thấy. 

Chứng kiến sự hy sinh của đồng đội ngay trước mắt mình, đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in và ám ảnh mùi máu kinh khủng. Hầu hết đều không tìm thấy hài cốt" - nhà báo Văn Hiền chia sẻ. 

Đi tìm và viết về họ, nhà báo Văn Hiền vừa xót xa lại vừa ngưỡng mộ, tự hào trước sự hy sinh anh dũng, bất khuất của họ. Có những nhà báo hy sinh thân mình, lao vào nguy hiểm để có thể có được những cảnh quay tốt nhất. Khi hy sinh, tay vẫn còn ôm hộp phim và mắt mở to nhìn thẳng lên bầu trời đầy bom đạn. 

Đồng cảm trước sự hiểm nguy của các nhà báo nam khi tác nghiệp bao nhiêu thì khi viết về nhà báo nữ, ông lại càng thêm nhói lòng. Nhắc về nhà báo nữ, ông nhớ nhất là bài viết chân dung về Phạm Thị Ngọc Huệ - phóng viên Báo Trường Sơn. Trên đường đi công tác, Ngọc Huệ đã giẫm phải mìn của Mỹ rải giữa rừng Khăm Muộn (Lào) và hy sinh. Sau này đi tìm nhưng không tìm được hài cốt của nhà báo Huệ. Ông đã cùng một số đồng đội của nhà báo Ngọc Huệ, sang tận nơi nhà báo ngã xuống để viết bài khắc họa chân dung. 

“Khi viết chân dung về nữ nhà báo, tần số cảm xúc cao hơn. Bởi vì bản thân người con gái vào chiến trường đã phải chịu nhiều sự khốc liệt rồi, đặc biệt con gái làm báo thì mức độ khốc liệt nó cao hơn. Từ năm 1963 cho đến năm 1975, có 66 nhà báo nữ vào chiến trường thì 19 người hy sinh. Đau đớn vô cùng. Cũng chính lẽ đó, tôi rất trân trọng và muốn viết những ngôn ngữ đẹp nhất dành cho họ" - ông Văn Hiền nói.

Hơn 15 năm viết về 511 nhà báo liệt sĩ, trải qua những khó khăn, những cảm xúc vui có buồn có, đau khổ có, nhà báo Văn Hiền như sống cùng nhân vật để có thể viết một cách chân thực và sâu sắc nhất về họ, những câu chuyện tưởng chừng như bị chôn vùi cùng bom đạn ngoài chiến trường - nơi các nhà báo liệt sĩ hy sinh.

“Làm để trả nghĩa, để chịu ơn"

Một mình lặn lội ngược xuôi trong và ngoài nước để tìm bằng được thông tin của 511 nhà báo liệt sĩ là điều mà không phải ai cũng làm được. Nhưng với nhà báo Văn Hiền, họ chính là động lực để ông cố gắng mỗi ngày và hạnh phúc với ông là tìm được và viết về họ. Cầm trên tay cuốn sách về các nhà báo liệt sĩ, ông giãi bày: “Đối với những nhà báo đã hy sinh như vậy, việc làm của tôi không là gì. Ngược lại, họ là động lực. Chính sự hy sinh của các liệt sĩ là nguồn cảm hứng sáng tạo cho tôi viết hơn 20 đầu sách về họ, về chiến tranh. Tất cả tác phẩm văn học đó đều khởi nguồn từ việc tôi trả nghĩa cho những nghĩa đã mất, trong đó có các nhà báo. Đấy tôi gọi là chịu ơn. Và điều đó làm tôi thấy thanh thản hơn". 

Ngày 27.7 vừa qua, ông cũng đã phối hợp với trụ trì và các tăng lữ chùa Âu Lạc (xã Hưng Lộc - TP.Vinh, Nghệ An) để tổ chức đại lễ cầu siêu tưởng nhớ anh linh 511 nhà báo liệt sĩ với mong muốn ghi công các nhà báo, để tên tuổi các anh nhà báo không bị lãng quên trong lớp bụi thời gian.

Hành trình hơn 15 năm đi tìm nhà báo liệt sĩ, đối với nhà báo Văn Hiền, giống như một người gánh nặng qua núi, xuống dốc rồi thở phào nhẹ nhõm và nhìn lại. Ông mong muốn rằng, sẽ có thêm nhiều người nữa cùng ông tiếp tục tìm và viết chân dung nhà báo liệt sĩ. Bởi ngoài kia còn rất nhiều người chưa tìm được tên tuổi, “không ai nhớ mặt đặt tên" và đó cũng là thiệt thòi cho thế hệ sau này. 

Quảng Trị, Thừa Thiên, Khu 5, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và cửa ngõ Quân Khu 7 - vùng tam giác lửa Củ Chi là những nơi có nhiều liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ chiến tranh. Nhà báo Văn Hiền cũng hi vọng sẽ các địa phương đó sẽ xây dựng bia hoặc đài tưởng niệm họ, phần để tri ân và phần để Tổ quốc thêm tự hào vì đất nước đã có những người hy sinh anh dũng đến vậy.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Ông Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến khi kiện toàn được chức danh Chủ tịch Quốc hội khóa XV theo quy định.
2024-05-02 18:49:22

Mô hình vườn mẫu ở xã Quảng Tiên đang được nông dân hưởng ứng

Xã Quảng Tiên đã chú trọng vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, áp dụng khoa học - kỹ thuật để xây dựng vườn mẫu. Đây là giải pháp thiết thực không chỉ tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, giúp góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.
2024-05-02 15:30:00

Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình áp dụng công nghệ để quản lý, bảo vệ rừng

Tỉnh Quảng Bình là địa phương có diện tích rừng lớn. Để kịp thời theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, thời gian qua, ngành kiểm lâm tỉnh đã từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, bảo vệ rừng.
2024-05-02 14:25:00

Lễ thượng cờ ‘Thống nhất non sông’ bên bờ Hiền Lương - Bến Hải

Sáng ngày 30/4, tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông" lá cờ Tổ quốc được kéo lên tại kỳ đài Di tích Hiền Lương - Bến Hải trong tiếng nhạc "Tiến quân ca" khiến nhiều người xúc động.
2024-04-30 14:05:00

Du khách trên sông Nho Quế tăng cao dịp lễ, CSGT căng sức điều tiết thuyền bè

Đội CSGT - TT Công an huyện Mèo Vạc đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
2024-04-30 01:24:14

Đồng Nai: Bị thổi nồng độ cồn, 'ma men' đốt xe chuyên dụng của CSGT

Vì có hành vi vi phạm nồng độ cồn nên một người đàn ông đã bị tổ công tác của lực lượng CSGT giữ lại. Điều đáng nói là sau đó người đàn ông này đã phóng hoả đốt xe chuyên dụng của cảnh sát.
2024-04-29 18:14:10
Đang tải...