32 nhóm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư 06/2020/TT-BLĐTBXH về Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
Lực lượng cứu hộ của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Ảnh: Vietnam MRCC).
Văn bản ban hành 32 nhóm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Trong đó, đáng lưu ý là một số nhóm công việc dưới đây.
Chế tạo, lắp ráp, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, tháo dỡ, kiểm tra, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, giám sát hoạt động máy, thiết bị thuộc Danh mục máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
Thử nghiệm, sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển các loại thuốc nổ và phụ kiện nổ.
Làm việc trên cao cách mặt bằng làm việc từ 2 mét trở lên, trên sàn công tác di động, nơi cheo leo nguy hiểm.
Công việc trên sông, trên biển, trên mặt nước, trên các nhà giàn, lặn, giám thị lặn; chế tạo, đóng, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm tra máy, thiết bị trong hầm tàu, phương tiện thủy.
Công việc tiếp xúc bức xạ ion hóa, phóng xạ, hạt nhân; vận hành máy soi, chiếu, chụp có sử dụng bức xạ hạt nhân, điện từ trường.
Công việc tiếp xúc điện từ trường tần số cao ở dải tần số từ 3KHz trở lên.
Các công việc xây dựng gồm: Giám sát thi công; khảo sát xây dựng; thi công, lắp đặt đối với công trình; sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi, phá dỡ công trình; bảo hành, bảo trì công trình; vận hành, chạy thử công trình.
Các công việc vận hành, bảo trì, sửa achữa, thử nghiệm, kiểm định an toàn thiết bị điện, đường dây dẫn điện, nhà máy điện; vận hành trạm nạp ắc-quy, sửa chữa, bảo dưỡng ắc-quy.
Công việc hàn, cắt kim loại.
Trực tiếp vận hành tàu hỏa, tàu điện; lái, sửa chữa, bảo hành xe ô-tô các loại.
Trực tiếp sản xuất, chế biến vật liệu xây dựng, sành, sứ, thủy tinh, nhựa.
Cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp.
Trực tiếp sản xuất, chế biến da, lông vũ; công việc nhuộm; chế biến tơ tằm.
Trực tiếp làm công việc chặt, cưa, xẻ gỗ, khai thác, chế biến gỗ công nghiệp; bốc xếp thủ công thường xuyên vật nặng từ 30 kg trở lên.
Trực tiếp nấu, chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể từ 300 suất ăn một ngày trở lên.
Khám, chữa bệnh; chăm sóc người khuyết tật, người bệnh; giải phẫu bệnh, giám định pháp y, xét nghiệm vi sinh vật; các công việc trong lĩnh vực dược phẩm.
Kiểm nghiệm, sản xuất thuốc thú y; giữ giống bảo tồn gien, chủng vi sinh vật, ký sinh trùng; diệt khuẩn, khử trùng môi trường; kiểm định thực phẩm, khử trùng.
Trực tiếp giết mổ động vật, chăm sóc, chăn nuôi các động vật lớn trong cơ sở sản xuất kinh doanh; nuôi huấn luyện chó nghiệp vụ, các loại thú dữ, rắn, cá sấu và tiêu hủy các động vật dịch.
Trực tiếp vận hành máy bơm xăng, dầu, khí hóa lỏng; sửa chữa bồn, bể xăng, dầu, giao, nhận, bán buôn, bán lẻ xăng dầu.
Trực tiếp chế biến mủ cao-su, nhựa thông.
Trực tiếp vận hành sản xuất, chế biến bia, rượu, nước giải khát, thuốc lá, dầu ăn, bánh kẹo, sữa.
Diễn viên xiếc, xiếc thú; vận động viên chuyên nghiệp, huấn luyện viên thể dục, thể thao chuyên nghiệp.
Làm việc với các thiết bị màn hình máy tính bao gồm: kiểm soát không lưu, điều hành, điều khiển từ xa thông qua màn hình.
Trực tiếp làm hỏa táng, địa táng.
Các công việc đặc thù trong lĩnh vực quân sự thuộc danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Trực tiếp vận hành máy có động cơ trong nông nghiệp gồm: máy tuốt, máy gặt, máy bừa, máy cắt cỏ, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy bơm nước.
Thông tư này áp dụng với các đối tượng quy định tại Điều 2 Luật ATVSLĐ, trừ người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng.
Đối tượng áp dụng với bốn nhóm NLĐ. Đó là NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động; người thử việc; người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động; NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Ngoài ra, cũng áp dụng với người sử dụng lao động; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến công tác ATVSLĐ.
Văn bản hiệu lực kể từ ngày 5-10-2020.
Thông tư số 13/2016/TT-BLĐTBXH ngày 16-6-2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2019, toàn quốc đã xảy ra 8.150 vụ tai nạn lao động, làm 8.327 người bị nạn, 927 người tử vong. Số tiền thiệt hại do tai nạn lao động và tài sản do tai nạn lao động lên tới gần 10,5 nghìn tỷ đồng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.