Ấm áp những suất cơm từ thiện
Đây là hoạt động ý nghĩa, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều người mất việc, không thể kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống.
Tọa lạc tại con hẻm 131B trên đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, thuộc phường An Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, hơn một tuần qua “Quán cơm 2.000 đồng” là địa chỉ quen thuộc của những mảnh đời khó khăn.
Chị Bạch Thị Kim Quyên, Quản lý “Quán cơm 2.000 đồng” tại Cần Thơ cho biết: Hệ thống “Quán cơm 2.000 đồng” có mặt đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2009, đến tháng 12/2010 quán cơm này được mở tại Cần Thơ, địa chỉ hẻm 3T2 đường 30/4. Quán hoạt động được 9 năm thì tạm ngưng để tìm mặt bằng khác. Sau 9 tháng, quán cơm lại mở cửa phục vụ bà con tại đường Nguyễn Văn Cừ. Quán cơm có chừng 15 bàn, mở bán buổi sáng thứ Ba, Năm, Bảy mỗi tuần, từ 10 giờ đến khi hết cơm. Khách đến sẽ xếp hàng và rửa tay bằng nước sát khuẩn khi vào quán.
Thực khách dùng cơm tại quán cơm 2.000 đồng.
Theo chị Bạch Thị Kim Quyên, quán đã chuẩn bị các khay cơm canh, khách vào sẽ đến vị trí đặt sẵn để lấy cơm, mỗi người một phần thức ăn gồm món mặn, món xào, món canh và trái cây. Hiện mỗi tuần quán phục vụ từ 200 – 250 suất, nếu quán không còn đủ kinh phí để duy trì hoạt động thì “Quán cơm 2.000 đồng” ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ. “Dù còn nhiều khó khăn, nhưng quán luôn tuân thủ phương châm hoạt động là “Lá lành đùm lá rách” để các bạn sinh viên và bà con có hoàn cảnh khó khăn được bữa cơm ngon, rẻ, chia sẻ phần nào khó khăn trong cuộc sống, nhất là trong mùa dịch như hiện nay”, chị Quyên cho biết.
Cùng ý nghĩa từ thiện này, tại số 641 đường 30/4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều Cần Thơ, quán cơm chay Thiện Tâm DNC cung cấp những suất cơm với giá 5.000 đồng cho người lao động và sinh viên nghèo trên địa bàn. Quán do Trường Đại học Nam Cần Thơ thành lập, hoạt động hơn 1 năm, mỗi ngày phục vụ khoảng hơn 200 suất, những ngày rằm có thể lên tới hơn 300 suất.
Các phần cơm 2.000 đồng.
Cô Võ Thị Hồng Mai, Quản lý quán cơm cho biết: "Quán cơm này là tâm huyết của cả trường, từ giảng viên đến sinh viên, ai cũng góp sức để phụ giúp. Để duy trì hoạt động của quán, ngoài sự bù lỗ từ phía nhà trường, quán nhận được nhiều mạnh thường quân hỗ trợ. Có những mạnh thường quân thường xuyên tặng rau củ, nước tương, nước mắm... cho quán hoạt động".
Thực đơn của quán chay Thiện Tâm DNC thay đổi theo ngày, từ 4 đến 6 món. Để khách hàng có thể thưởng thức bữa ăn vào lúc 10 giờ mỗi ngày, các cô bếp cùng các bạn sinh viên phải chuẩn bị từ sớm, từ khâu sơ chế đến chế biến món ăn, vừa ngon, vừa chất lượng.
Khách thưởng thức bữa trưa 2.000 đồng.
Bạn Phạm Vi Khanh, Sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành Quản trị Du lịch và Lữ hành, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Nam Cần Thơ chia sẻ: Thời gian này, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên quán đông khách hơn. Bản thân Khanh cũng như các bạn sinh viên khác phải làm thêm nhiều việc, nhiều giờ hơn, nhưng tất cả đều vui vẻ khi được góp sức cho quán cơm từ thiện.
Những người đến quán cơm từ thiện, đa phần là lao động, sinh viên nghèo. Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cuộc sống của họ càng khó khăn hơn. Quán cơm từ thiện trở thành địa chỉ quen thuộc, là nơi chia sẻ bớt phần nào nỗi lo cơm áo. Bà Nguyễn Thị Kim Nguyên, làm đấm bóp dạo, sống tại đường Hoàng Văn Thụ, quận Ninh Kiều chia sẻ, công việc của bà khá bấp bênh, thu nhập thấp và không ổn định. Trong mùa dịch này, bà gần như mất hẳn thu nhập. Do đó, “Quán cơm 2000 đồng” là địa chỉ quen thuộc của bà, giúp và có những bữa ăn đủ dinh dưỡng hàng ngày. “Quán nấu ăn rất ngon, đồ ăn thay đổi liên tục, nhân viên của quán rất thân thiện và niềm nở”, bà Nguyên chia sẻ.
Điểm chung của các quán cơm từ thiện này là đều cùng chung phương châm: Người nghèo đến sẽ có cơm ăn, không để bụng đói đi về. Đây thực sự là những địa chỉ ấm lòng những thực khách còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.