Anh hùng Phạm Văn Thọ và hành trình trở về chiến trường xưa tìm kiếm đồng đội
Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Văn Thọ sinh năm 1950, quê ở xã Định Hải, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), tỉnh Thanh Hóa. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông tham gia 40 trận đánh, chỉ huy đơn vị tiêu diệt hàng nghìn tên địch, riêng ông tiêu diệt 60 tên, 3 lần bắt sống 36 tên, thu 50 súng các loại, bắn rơi tại chỗ 1 máy bay lên thẳng của địch. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, ngày 6-11-1978, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, thời điểm đó ông là Thượng úy, Tiểu đoàn trưởng.
Năm 1990, sau khi rời quân ngũ trở về quê hương, ông tham gia Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Tĩnh Gia, rồi giữ chức Phó chủ tịch, Chủ tịch Hội CCB huyện. Là người lính trải qua trận mạc, ngược xuôi khắp các chiến trường trong nước và chiến trường nước bạn, thấu hiểu những mất mát, đau thương của đồng đội và thân nhân của họ, trong gần 25 năm tham gia công tác hội, ông đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức điều hành, xây dựng kế hoạch hoạt động công tác hội mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều phong trào, mô hình hoạt động tại đây đã trở thành mô hình mẫu, được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Nhiều phong trào, chương trình hoạt động được Hội CCB huyện Tĩnh Gia triển khai thực hiện sôi nổi, thiết thực, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao. Điển hình như các phong trào: “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, nâng cao đời sống hội viên”, “CCB gương mẫu”, “Giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững”...
Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Văn Thọ.
Với tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao, ông luôn là người chủ động nắm bắt tình hình ở cơ sở, kịp thời phản ánh và tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền đưa ra biện pháp xử lý và giải quyết; kiên quyết đấu tranh chống lại các hành vi chia rẽ, kích động, phá hoại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn. Đặc biệt, trong thực hiện chính sách hậu phương quân đội, ông luôn quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, nhất là việc chăm lo, giúp đỡ gia đình chính sách, người có công. Gần 5 nhiệm kỳ trên cương vị Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội CCB huyện Tĩnh Gia, ông đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương, hoàn thành 64 ngôi nhà tình nghĩa dành tặng gia đình chính sách. Ông còn nhiều lần trực tiếp cùng các thân nhân liệt sĩ trở lại chiến trường xưa: Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, căn cứ Thượng Đức, ở phía tây tỉnh Quảng Nam (thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Đà), cách TP Đà Nẵng 40km để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ... “Tôi vẫn tâm niệm, tôi may mắn hơn anh em rất nhiều, chiến tranh kết thúc, mình còn sống được cũng là nhờ anh em. Huống hồ gì, trong chiến tranh, giữa hòn tên, mũi đạn, anh em hy sinh, mình là người trực tiếp an táng anh em, bây giờ trong thái bình, mình phải trở lại những nơi đó để tìm anh em chứ...”, ông tâm sự.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 đơn sơ nhưng gọn gàng và ngăn nắp, ông còn có hẳn một “phòng truyền thống” lưu giữ các loại huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen và rất nhiều những tấm ảnh tư liệu. Một số bức ảnh chụp những lần ông vinh dự được gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội, như: Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Mỗi bức ảnh là một câu chuyện về thành tích giết giặc, lập công của ông trong thời chiến tranh, trận mạc...
Câu chuyện bỗng chùng xuống khi chúng tôi hỏi về những người đồng đội của ông đã ngã xuống. Mắt nhìn xa xăm, ông chia sẻ: "Tôi trưởng thành từ một chiến sĩ, kinh qua các cương vị chỉ huy chiến đấu, từ tiểu đội trưởng đến trung đoàn trưởng, trong thời chiến, có những chiến sĩ biên chế về đơn vị, mình chưa kịp biết tên, lúc ra trận đã hy sinh mất rồi, cảm thấy mình mắc lỗi với anh em nhiều lắm!... Do vậy, khi về địa phương, phải hết lòng, hết sức giúp đỡ gia đình các anh em đã không được may mắn trở về quê hương như mình... Một điều làm ông luôn trăn trở khôn nguôi, đó chính là xã Định Hải của ông có 63 liệt sĩ, thì cả 63 đồng chí chưa ai được về trở quê hương, nghĩa trang liệt sĩ của xã nhà chỉ là nơi thờ vọng...
Từ năm 2013, trở về với đời thường, với tâm niệm, phải luôn là người lính đi đầu, ông tiếp tục tay cuốc, tay cày canh tác hơn 1ha rừng keo, 6 sào lúa nước, 2 sào ao nuôi cá, hàng trăm con gia súc, gia cầm cho thu nhập ổn định. “Mình phải giáo dục con cháu biết yêu lao động, biết trân quý hòa bình, đúng như mình đi tuyên truyền vận động bà con “Gia đình mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Đó mới là tấm gương mô phạm nhất để nhân dân và cộng đồng tin và noi theo”, ông chia sẻ.
Khi kinh tế gia đình ổn định, không quên những đau thương mất mát của đồng đội, ông vẫn thường xuyên giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công của địa phương, lúc là cân đường, hộp sữa hỏi thăm người ốm đau, khi là ít vốn, là giống cây trồng, vật nuôi để các gia đình chính sách phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Ông còn vận động các cá nhân, nhà hảo tâm trên địa bàn quyên góp ủng hộ, giúp đỡ gia đình các CCB có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, bệnh nhân nghèo, học sinh nghèo; tổ chức thăm gia đình đồng đội cũ, thăm lại chiến trường xưa để tìm hài cốt liệt sĩ. Với ông, tình đồng chí, đồng đội luôn là tình cảm thiêng liêng nhất, bền chặt và sống mãi với thời gian. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, mỗi năm cứ đến Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7, ông lại trích một phần lương hưu, phụ cấp thương tật của mình, dành tặng 63 gia đình liệt sĩ trong xã, mỗi gia đình 100.000 đồng. “Đây là những nén hương thơm tri ân đồng chí, đồng đội tôi. Số tiền tuy nhỏ nhưng là tấm lòng thành kính tri ân đến đồng đội không được may mắn như tôi, đã phải nằm lại chiến trường. Việc này tôi còn sống sẽ còn làm đến hơi thở cuối cùng...”, ông nói trong xúc động.
Trong chiến tranh, trận mạc luôn mưu trí, gan dạ; trong công tác luôn hết lòng vì nhiệm vụ; trở về với cuộc sống đời thường, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Văn Thọ vẫn miệt mài với việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, người có công. Chia tay ông trong những ngày cận Tết Tân Sửu, tôi cứ ấn tượng mãi với lời tâm sự của ông: “Chiến tranh đã qua, may mắn được lành lặn trở về, trước những khó khăn, mất mát của các gia đình đồng đội tôi, tôi không thể yên lòng nghỉ ngơi được. Vậy nên còn sống ngày nào, tôi sẽ luôn đồng hành, sẻ chia với những hy sinh, mất mát của họ”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.