Anh hùng LLVTND Lê Hữu Trạc với ký ức về 'mắt thần' Cồn Cỏ
Anh hùng LLVTND Lê Hữu Trạc (áo trắng đứng giữa) cùng các đồng đội năm xưa thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ xã Gio Mai
Viết tâm thư bằng máu, cạo trọc đầu để xin ra đảo chiến đấu
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đảo Cồn Cỏ (nay là huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị) có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, được xem là “mắt thần trên biển”.
Ngày 5/8/1964, Đế quốc Mỹ tự tạo dựng “Sự kiện Vịnh Bắc bộ” nhằm đánh phá miền Bắc, hy vọng giảm sức nóng trên chiến trường miền Nam. Cồn Cỏ trở thành vị trí tiền tiêu cho cả miền Bắc XHCN. Vĩ tuyến 17 chia đôi hai miền đất nước, còn vị trí của đảo Cồn Cỏ nằm vào 17 độ 08’15’’ tới 17 độ10’05’’ vĩ độ Bắc, gần như liền kề với đường giới tuyến. Âm mưu của địch là chiếm đảo Cồn Cỏ để làm bàn đạp thâm nhập vào hậu phương miền Bắc. Mặt khác, tất cả máy bay Mỹ khi bay ra miền Bắc ném bom đều phải bay qua đảo Cồn Cỏ, vì vậy Cồn Cỏ trở thành mục tiêu hủy diệt, xâm chiếm của địch. Trước tình thế trên, vào năm 1965, một trung đội đã được điều động ra Cồn Cỏ để chiến đấu, và đơn vị được chọn là đơn vị của cựu binh Lê Hữu Trạc.
Ông Lê Hữu Trạc sinh năm 1941 ở thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Lớn lên trong cảnh làng quê bị quân giặc chiếm đóng, cha bị giặc Pháp giết hại, ngọn lửa căm phẫn kẻ thù luôn bừng cháy trong lồng ngực người thanh niên trẻ.
Tháng 4/1962, khi vừa bước qua tuổi 20, Lê Hữu Trạc lên đường nhập ngũ vào Đại đội 1 (Đại đội Lê Hồng Phong), Tiểu đoàn 47, Trung đoàn 270, Bộ Chỉ huy quân sự Đặc khu Vĩnh Linh (nay là huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).
Ông Trạc nhớ lại, tháng 7/1965, khi đang là Trung đội phó, ông cùng các đồng chí trong đơn vị của mình đã viết tâm thư bằng máu xung phong ra đảo. Chưa dừng lại ở đó, 30 người trong trung đội của ông cạo trọc đầu quyết tâm xin chỉ huy ra đảo. Về lý do cạo trọc đầu, ông Trạc nói rằng ở đảo điều kiện khó khăn, thiếu nước nên cạo trọc đầu để tiết kiệm nước. Với tinh thần trên, cả trung đội của ông được cấp trên cho phép ra đảo chiến đấu.
Thà hy sinh không để mất đảo vào tay giặc
Máy bay Mỹ liên tục dội bom xuống Cồn Cỏ nhằm chiếm đóng hòn đảo này. Chính vì vậy, thay vì ở đảo 2 tháng như dự kiến, đơn vị của ông Trạc đã chiến đấu ở đảo đến 3 năm.
Ông Trạc kể lại, có lúc địch đưa tàu bao vây đảo. Suốt 6 tháng liền, các tàu tiếp tế của ta không thể ra đảo. Những lúc như vậy, ông luôn động viên đồng đội: “Thà hy sinh chứ không để mất đảo”.
Thời kỳ này, ông Trần Văn Thà - Đảo trưởng Cồn Cỏ - đã lãnh đạo quân và dân tại đảo này chống lại đế quốc Mỹ bằng cách đào địa đạo để tránh bom. Ông Trạc kể rằng, bom Mỹ gần như phát quang đảo, nếu không có sáng kiến đào địa đạo của ông Thà thì có lẽ tất cả sẽ "làm mồi" cho máy bay Mỹ.
Chỉ trong vòng 3 năm, từ 1965 - 1968, các đơn vị bộ đội đóng trên đảo Cồn Cỏ đã bắn hạ được 48 máy bay (trong đó 29 chiếc rơi tại chỗ), bắn cháy 17 tàu chiến và 2 thuyền của địch. Với những chiến công trên, đảo nhỏ Cồn Cỏ vinh dự 2 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng; 3 đồng đội của ông Lê Hữu Trạc đã được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Năm 1966, Lê Hữu Trạc và đồng đội trên đảo Cồn Cỏ vui mừng nhận thư khen ngợi, động viên của Bác Hồ và Cồn Cỏ được phong tặng danh hiệu Anh hùng.
Năm 1968, trung úy Lê Hữu Trạc được điều động trở lại đất liền. Ông được cấp trên giao nhiệm vụ làm Đại đội trưởng Đại đội Lê Hồng Phong.
Trong vòng 7 tháng, từ tháng 1/1968 đến 7/1968, trung úy Lê Hữu Trạc 3 lần được tặng Danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp III. Trong quá trình chiến đấu và công tác của mình, ông Lê Hữu Trạc được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì,1 Huân chương Chiến công hạng Ba, 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Cùng với đồng đội của mình, ông tiếp tục xây dựng đơn vị Lê Hồng Phong trở thành đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng vào năm 1968. Tháng 5/1968, ông Lê Hữu Trạc được phân công làm Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270, Quân khu IV.
Ông Trạc cùng với đồng đội cũ của mình trong một lần gặp mặt
Tháng 7/1968, trong lúc đi nghiên cứu địa hình chống địch đổ bộ bằng đường không vào Vĩnh Linh, Quảng Trị, ông Lê Hữu Trạc đã bị bom đạn kẻ thù cướp đi đôi mắt. Phải xa đồng đội để về lại tuyến sau là quãng thời gian đầy khó khăn của người lính kiên cường, dũng cảm Lê Hữu Trạc.
Về lại tuyến sau, cựu binh Lê Hữu Trạc được đưa về an dưỡng ở Hà Tây. Nơi đây, người lính của những đơn vị anh hùng đã gặp cô gái Kim Thị Mão và họ nên vợ nên chồng.
Đôi mắt cả đời của người cựu binh
Hơn 45 năm qua, bà Mão luôn là đôi mắt của ông Trạc, nhất là những khi trái gió trở trời.
Năm 1973, niềm vui vỡ òa trong căn nhà nhỏ của họ ở thôn Xuân Ninh khi bà Mão sinh con trai đầu Lê Hữu Tiệp. “Đời tôi may mắn nhất là gặp được vợ tôi đây”, ông Lê Hữu Trạc cầm lấy tay vợ nói vậy. Từ một cô gái mới lớn về đất lạ quê chồng, chồng lại bị mù cả 2 mắt, bà Kim Thị Mão đã tập cuốc, tập cày để nuôi chồng, nuôi con.
Thương vợ nên hằng ngày, thương binh Lê Hữu Trạc cố gắng làm những việc có thể đỡ đần vợ, không còn mắt thì ông “nhìn ánh sáng bằng tay”.
Phẩm chất người lính Cụ Hồ luôn cần cù, vượt khó đã giúp ông vượt qua từng cơn dông bão của cuộc đời. Hai vợ chồng họ lần lượt có thêm con gái Lê Thị Ngọc Tú, con trai Lê Hữu Chính.
Năm 2000, ông làm tờ trình gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đề nghị thành lập Hội Người mù của tỉnh. Để rồi từ khi có Hội Người mù, hàng trăm thương binh bị mù hoặc con em thương, bệnh binh, cũng như nhiều cháu bị mù lòa đã có công ăn việc làm, tự nuôi sống bản thân mình.
Với những đóng góp không ngừng nghỉ của mình, kể cả trong thời bình và thời chiến, ngày 26/4/2018, ông Lê Hữu Trạc được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Ông Trạc lặng người bên một tấm bia ghi danh các liệt sĩ
“Đảng và Nhà nước đã dành cho tôi một phần thưởng cao quí là danh hiệu Anh hùng LLVTND. Càng tự hào với danh hiệu đó bao nhiêu, tôi càng phấn đấu xứng đáng với danh hiệu bộ đội Cụ Hồ”, ông Trạc nói.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.