Anh tàn tật, chống nạng nuôi em trai nằm liệt giường
Anh Cao Ngọc Bình (SN 1978) ở Hoằng Phong, Hoằng Hóa, Thanh Hóa cho biết, gia đình có 5 anh chị em, mồ côi bố mẹ từ nhỏ. Mặc dù bị tàn tật, nhưng anh vẫn cố làm đủ thứ, bươn trải đủ nghề để có tiền lo cho các em ăn học. Năm 2004, anh Bình cưới chị Lê Thị Tiến (SN 1981) và có với nhau hai người con là Cao Ngọc Dương (SN 2005), Cao Ngọc Thái (SN 2011). Cuộc sống khó khăn nhưng chưa dừng giông bão, bi kịch dồn dập ập đến gia đình.
Anh Bình tàn tật chăm em trai liệt giường
Năm 2017, trong khi lao động, anh Bình bị bức tường rào đổ sập, đè trúng người, khiến chiếc chân lành lặn còn lại của anh gãy nốt, rồi từ đó cuộc đời anh không khi nào tách rời khỏi đôi nạng. Cuối năm 2018, tin dữ từ Đồng Nai, người em út Cao Ngọc Vui (SN 1989), khi đang làm việc thì bị điện giật, rơi từ tầng hai xuống đất. Tai nạn nghiêm trọng đã khiến anh Vui bị tụ máu não, liệt nửa người, hôn mê sâu gần một năm.
Anh Vui liệt nửa người bên trái, mức độ IV, rối loạn cơ tròn; có nhận thức được xung quanh, cảm nhận đau, khó chịu. Bác sĩ cho biết, anh Vui không có nhiều hy vọng bình phục. Bởi vậy, gia đình đành phải đưa anh về quê nhà Thanh Hóa chăm sóc. Được biết, anh Vui có vợ và một con trai hiện đã 3 tuổi ở Đồng Nai, nhưng từ khi chuyển anh về Thanh Hóa thì vợ con anh cũng không liên lạc. Hiện tại, mọi sinh hoạt ăn uống, vệ sinh của anh Vui đều diễn ra tại chỗ. Tất cả mọi việc lại do một tay chị dâu Lê Thị Tiến (vợ anh Bình) chăm sóc.
Vợ chồng anh Bình trước đây chăm chỉ làm lụng, chắt chiu thì cũng đủ tiền trang trải, chăm lo cho các con ăn học. Từ ngày anh gặp tai nạn, mọi thứ trở nên khó khăn hơn vì tất cả chỉ trông chờ vào đồng lương công nhân ít ỏi của vợ. Nay hai vợ chồng còn phải gồng gánh thêm anh Vui thì khó khăn trăm bề, nào tiền sinh hoạt, tiền tã, bỉm, tiền thuốc thang rồi thi thoảng đi viện...
Để giảm bớt gánh nặng cho vợ, anh Bình quyết định vay mượn tiền, mua một chiếc xe ba bánh rồi mua lại trái cây ở chợ đầu mố để đi bán rong. Hàng ngày, anh đi bán dạo dọc phố và đường quốc lộ. Công việc khá vất vả, hàng ngày phải dậy từ mờ sáng, nhưng thu nhập cũng không đáng là bao, chưa kể, nhiều hôm bị ế hàng.
Từ lúc tình dịch bệnh Covid-19 trở nên phức tạp hơn thì anh Bình cũng không đi bán hàng rong được nữa. Vì thế, khoản sinh hoạt phí tối thiểu của gia đình lại eo hẹp thêm. Mong ước của hai vợ chồng là sửa sang lại căn nhà cấp 4 cũ kĩ, đã dột nát để gia đình có chỗ trú mưa, tránh nắng thế nhưng quá xa vời.
Thương cảm không kém là hoàn cảnh bà Văn Thị Lan (50 tuổi, trú xóm 1, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Chồng mất vì bệnh ung thư, 4 đứa con đứa thì tàn tật, đứa teo não và chỉ một mình bà trụ cột kinh tế. Đời sống vô cùng khó khăn, vừa lo kiếm tiền trang trải, bà vừa chăm sóc các con nên mọi thứ thiếu trước hụt sau. Niềm hi vọng của bà là người con thứ 3 vừa đỗ đại học, song gia đình quá khốn khổ, em có nguy cơ nghỉ học giữa chừng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc.