Anh thanh niên tật nguyền chống nạng, xuống núi học kinh doanh nông sản giúp đỡ nông dân
Anh Nguyễn Toàn Thắng, ở Kon Tum, sinh ra trong gia đình có bố mẹ là cán bộ hưu trí. Năm 2 tuổi, sau trận ốm, anh bị bại liệt nửa người nhưng may mắn nhờ tập luyện, anh có thể chống nạng đi lại. Chàng trai tật nguyền ấy quyết tâm không trở thành gánh nặng cho gia đình nên tích cực học tập.
Tốt nghiệp cấp 3, anh thi vào trường Đại học Công nghệ TP.HCM, một mình tự lập nơi phố thị. Sau tốt nghiệp, anh Thắng được một công ty nhận vào làm việc tại TP.HCM với mức thu nhập ổn định. Năm 2021, do dịch Covid-19 bùng phát nên Tháng khăn gói về quê với bố mẹ. Khi hay tin có khoá học phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam do Công ty OBC (One Business Connection tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) tổ chức tại TP. Phan Thiết (Bình Thuận), anh thanh niên này liền đăng ký tham gia.
“Bản thân em tật nguyền và thời gian sống ở quê nhà thấy bà con nông dân cực khổ khi làm ra nông sản, nhiều loại trái cây ngon ở Kon Tum nhưng đầu ra bấp bênh, giá thấp nên em rất thương. Mặc khác, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên những người khuyết tật như em sống rất khó khăn, vô tình trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, em luôn suy nghĩ với kiến thức mình học được ở trường và nếu biết kinh doanh, kết nối cộng đồng doanh nghiệp khắp nơi sẽ giúp được phần nhỏ nào đó cho bà con nông dân và những người khuyết tật như mình có việc làm ổn định. Bởi thế, nên khi hay tin có khóa học kinh doanh này, bắt đầu từ một doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, em hy vọng mình có thể kết nối với nền tảng tri thức doanh nghiệp Việt Nam. Từng bước đưa cộng đồng, hội nhập vào nền tri thức doanh nghiệp toàn cầu. Vì vậy, em viết tâm thư gửi ban tổ chức xin được dự học…”, Thắng tâm sự.
Anh Thắng tham gia khoá học phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày 28/2 (Ảnh: Dân Việt)
Anh Thắng tự tin khẳng định, sau khi tham gia khoá học này sẽ giúp anh có nền tảng kiến thức, góp phần giúp đỡ bà con nông dân và những người cùng cảnh ngộ. Dù có gặp những khó khăn phía trước, nhưng anh sẽ không đánh mất ngọn lửa quyết tâm trong bản thân.
Theo ông Nguyễn Văn Hoà- Giám đốc kiêm nhà sáng lập OBC Việt Nam cho biết, khi nhận được tâm thư của anh Thắng, Công ty OBC đã tạo điều kiện cho xe đưa đón Thắng từ Kon Tum về TP.HCM và Phan Thiết để tham gia khoá học.
Được biết, khoá học có sự tham gia của 15 trường đại học và cao đẳng uy tín từ Huế trở vào. Qua đó tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và trường học, giúp cho hoạt động định hướng đào tạo được thiết thực và hiệu quả, đồng thời doanh nghiệp tiếp cận được nguồn cung ứng lao động tại mỗi địa phương. Qua đó sẽ định hình và tổ chức thực hiện các hoạt động phối hợp giữa doanh nghiệp và trường học nhằm mang lại giá trị thiết thực cho 3 chủ thể: sinh viên, giảng viên và cộng đồng.
Đặc biệt là mở rộng các hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ và tìm đầu ra cho các nông sản, sản phẩm của từng địa phương ra thị trường rộng lớn…
Ý chí của anh Thắng cũng tương tự như chàng trai dân tộc Ê đê Y Phăng, bị khuyết tật chân. Sau khi học hết cấp II, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Y Phăng Mlô đành phải nghỉ học ở nhà phụ giúp chị gái bán nước mía. Bản thân bị liệt một chân không tham gia lao động nặng nhọc được nên Y Phăng Mlô luôn suy nghĩ tìm một công việc thích hợp để nuôi sống bản thân. Những lúc rảnh rỗi anh thường ra cơ sở sản xuất chậu cảnh gần nhà, chăm chú quan sát học hỏi và nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp sản xuất chậu cảnh. Năm 2012 anh đã mạnh dạn mở một cơ sở sản xuất nhỏ làm chậu hoa cây cảnh để cung cấp cho nhân dân địa phương.
Năm 2016, nhờ sự quan tâm của Ban chấp hành đoàn xã và huyện đoàn Čư M’gar, anh được vay 20.000.000 đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp trong vòng 2 năm không lãi suất để đầu tư mở rộng sản xuất, mua thêm các thiết bị cần thiết phục vụ cho sản xuất với quy mô lớn hơn. Đến nay, sản phẩm làm ra phong phú, đa dạng hơn như: Chậu hoa cây cảnh nhiều kích cỡ; bàn ghế đá và các sản phẩm phục vụ cho thể thao, sinh hoạt khác được nhiều người yêu chuộng và ủng hộ. Đơn đặt hàng ngày một nhiều hơn, thu nhập hàng tháng ổn định hơn với mức bình quân hàng năm khoảng 80.000.000 đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương.
Bản thân anh cũng cố gắng nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm và đã có những sáng kiến phục vụ sản xuất, đem lại hiệu quả cao hơn như: làm ra những khuôn mẫu mới linh động hơn trong sản xuất và có thể tạo ra nhiều sản phẩm có mẫu mã khác nhau, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Bằng ý chí, nghị lực và niềm đam mê của mình, người thanh niên tật nguyền Y Phăng Mlô ở buôn Jók xã Ea H'đing đã vượt qua số phận, hoàn cảnh khó khăn và khởi nghiệp thành công. Tấm gương khởi nghiệp của anh đã được Hội LHTN Việt Nam tỉnh Đắk Lắk kịp thời biểu dương và khen thưởng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.