ASEAN cần phát huy vai trò dẫn dắt các cơ chế hợp tác an ninh
Quang cảnh lễ khai mạc Đối thoại Shangri-La 16. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 năm nay diễn ra từ ngày 2-4/6 tại Singapore, đoàn Việt Nam đã tham gia tất cả các phiên đối thoại cũng như có các cuộc tiếp xúc song phương nhằm thể hiện quan điểm trước các thách thức đang nổi lên hiện nay.
Nhân dịp này, phóng viên tại Singapore đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng, Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng về những vấn đề được đưa ra bàn thảo tại chương trình nghị sự của diễn đàn năm nay.
Theo Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng, Đối thoại Shangri-La lần này có năm phiên họp toàn thể chính, trong đó tập trung vào các chủ đề quan trọng như phổ biến vũ khí hạt nhân, khủng bố, an ninh mạng...
Các đại biểu chia sẻ quan điểm chung rằng phổ biến vũ khí hạt nhân là một trong những nguy cơ không chỉ đe dọa khu vực mà là toàn cầu. Chính vì vậy, các nước kêu gọi nỗ lực và trách nhiệm chung để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng như các nguy cơ an ninh tiềm ẩn từ khủng bố trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt tại châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, hiện nay đang xuất hiện những nguy cơ lan tỏa của chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Ngoài ra, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, các vấn đề an ninh phi truyền thống đều được đưa ra thảo luận, xem xét tại Đối thoại Shangri-La 16.
Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng nhấn mạnh là thành viên tích cực của Đối thoại Shangri-La, Việt Nam thể hiện quan điểm cho rằng hiện nay khu vực có rất nhiều vấn đề an ninh đòi hỏi các nước cần phải cùng nhau chung tay đối phó.
Thách thức thứ nhất, đó là nhận thức cũng như cách ứng xử hay vận dụng các quy định, luật pháp quốc tế của mỗi nước không giống nhau. Điều này tạo ra những khác biệt hoặc những cơ chế chưa đủ năng lực để giải quyết các vấn đề quốc tế hiện nay.
Hai là, cũng do lợi ích của các quốc gia khi chưa song trùng với lợi ích của cộng đồng hay các lợi ích chung nên vẫn tồn tại những khác biệt. Thậm chí có những quốc gia đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích cộng đồng. Chính vì vậy, thực tế này còn tạo ra những thách thức khó khăn trong vấn đề về nhận thức cũng như trách nhiệm chung trong xử lý các vấn đề quốc tế hiện nay của khu vực.
Một trong những nội dung chính của Đối thoại Shangri-La 16 là việc duy trì trật tự trong khu vực dựa trên các quy định. Điều này cũng liên quan đến việc các nước ASEAN và Trung Quốc nhất trí về dự thảo khung của Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Theo Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng, hiện nay tất cả các vùng biển trên thế giới đều có những tranh chấp do những nguyên nhân lịch sử khách quan để lại hoặc do cách vận dụng luật pháp quốc tế có những khác biệt ở từng quốc gia. Chính vì vậy, trên Biển Đông và biển Hoa Đông hiện nay đang có những tranh chấp khác biệt.
Tuy nhiên, các quốc gia như Trung Quốc với ASEAN đang nỗ lực để cùng nhau duy trì một Tuyên bố của các bên về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC) và đang đàm phán về bộ khung COC. Đó là quy tắc ứng xử trên biển giữa các bên có liên quan.
Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng đánh giá những tiến bộ vừa qua đạt được là khá khả thi và khích lệ. Tuy nhiên, để COC được hoàn tất thì nó cần nhiều trách nhiệm, vai trò của các bên liên quan tại đây, đặc biệt là Trung Quốc và ASEAN.
Sau khi COC ra đời, nó sẽ tăng cường được lòng tin, trách nhiệm về mặt pháp lý, cũng như tự tôn về pháp luật được tốt hơn, và trở thành công cụ để duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực.
Trong nỗ lực giải quyết các xung đột và duy trì hòa bình, ổn định, không thể không nhắc tới vai trò của các nước lớn và đặc biệt là tầm quan trọng của hợp tác đa phương. Về vấn đề này, Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng đã đề cao thông điệp của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull trong bài phát biểu dẫn đề.
Thứ nhất, các nước lớn cần phải có trách nhiệm trong vấn đề đảm bảo duy trì trật tự an ninh tại khu vực, đặt biệt là Mỹ và Trung Quốc, như Thủ tướng Australia đã khẳng định vai trò của Mỹ trong vấn đề can dự an ninh tại khu vực, đồng thời cũng thừa nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Australia cũng kêu gọi sự trỗi dậy đó phải có trách nhiệm. Và tất cả các quốc gia đều phải đề cao tính thượng tôn pháp luật và cần phải được bình đẳng và tự do trong khuôn khổ thượng tôn pháp luật của thế giới và khu vực.
Bên cạnh đó, theo Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng, vai trò của ASEAN đã, đang và sẽ được thừa nhận như một trung tâm, một động lực, một lực lượng dẫn dắt trong các cơ chế hợp tác an ninh khu vực và được Mỹ, Trung Quốc cũng như các nước lớn hoàn toàn ủng hộ.
Chính vì vậy, trong năm vừa qua, ASEAN trở thành một cộng đồng. Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng bày tỏ tin tưởng với sự ủng hộ của các nước lớn, các nước bên ngoài khu vực, ASEAN sẽ làm tròn sứ mệnh của mình với tư cách là trung tâm dẫn dắt các cơ chế hợp tác hiện nay.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.