Bắc Kạn lên kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021- 2030
Tặng quà cho người khuyết tật huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) tại Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”.
Quyết định nói trên của UBND tỉnh Bắc Kạn nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Kế hoạch số 677/KH-UBND để đạt được mục tiêu đề ra. Kế hoạch là căn cứ để các cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng cơ quan, đơn vị và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả; đồng thời phát huy vai trò chủ động, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố trên cơ sở phân công nhiệm vụ; phân bổ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, bảo đảm đạt các mục tiêu đề ra.
Theo Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được ban hành ngày 12/9/2024, tỉnh Bắc Kạn đã xác định 12 nội dung trợ giúp cụ thể.
Đó là trợ giúp về y tế; trợ giúp về giáo dục; trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế; phòng chống dịch bệnh và giảm nhẹ thiên tai; trợ giúp tiếp cận công trình xây dựng; trợ giúp tiếp cận và tham gia giao thông; trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ người khuyết tật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; trợ giúp phụ nữ khuyết tật; hỗ trợ người khuyết tật sống độc lập và hòa nhập cộng đồng; nâng cao nhận thức, năng lực chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật và giám sát đánh giá.
UBND tỉnh Bắc Kạn giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là đơn vị đầu mối, chịu trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra và trực tiếp phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện.
Các sở, ngành, đoàn thể, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao báo cáo định kỳ kết quả thực hiện Chương trình về UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp) trước ngày 10 tháng 12 hàng năm và báo cáo đột xuất theo yêu cầu.
Quyết định ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Được biết, hiện toàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 6.500 người khuyết tật, trong đó có hơn 520 người mù, 880 trẻ mồ côi, số người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội là hơn 5.500 người.
Những năm qua, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, chính sách dành cho người khuyết tật, nhất là thực hiện các chế độ của Nhà nước đối với người khuyết tật. Người khuyết tật được hỗ trợ làm nhà, sinh kế, cấp xe lăn, tặng quà nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, Ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12.
Trong 5 năm (2018 - 2023), Hội đã tổ chức khám sức khỏe, tư vấn miễn phí cho hơn 150 người khuyết tật của thành phố Bắc Kạn với chi phí hơn 19 triệu đồng và trao tặng quà cho 26 người khuyết tật mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá 12 triệu đồng; cùng với đó là triển khai phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ em khuyết tật vận động, mắc bệnh tim bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch và phẫu thuật dị tật mắt miễn phí…
Để hỗ trợ người khuyết tật có phương tiện đi lại, trong 5 năm qua, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã tổ chức trao tặng 1.040 chiếc xe lăn với tổng trị giá là hơn 1,5 tỷ đồng cho người khuyết tật vận động; trao tặng 455 xe đạp cho học sinh mồ côi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trị giá gần 300 triệu đồng. Riêng ngành Y tế Bắc Kạn trao tặng 56 xe lăn, 32 nạng cho người khuyết tật, 52 ghế cho trẻ bại não với tổng giá trị 179 triệu đồng.
Chung tay hỗ trợ người khuyết tật có khó khăn về nhà ở, Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai làm nhà nhân ái cho 4 hộ gia đình người khuyết tật tại huyện Ba Bể, Bạch Thông và Pác Nặm, trị giá 230 triệu đồng. Bên cạnh đó, thông qua nhiều việc làm thiết thực, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nhận đỡ đầu 147 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, Đoàn thanh niên các cấp cũng nhận đỡ đầu 307 học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Lắp đặt, trao tặng xe lăn cho người khuyết tật tại huyện Chợ Đồn.
Việc đào tạo, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật được xem là hành động thiết thực giúp người khuyết tật có “cần câu” ổn định cuộc sống. Những năm qua, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã kết nối với Trường Đại học công nghệ thông tin Thái Nguyên giới thiệu người khuyết tật tham gia dự án “Ứng dụng công nghệ số nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ khuyết tật trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19”; giới thiệu người khuyết tật đi học nghề sản xuất, đóng gói tăm tre tại tỉnh Vĩnh Phúc; học chữ nổi, tẩm quất, xoa bóp, bấm huyệt cổ truyền tại Hà Nội, học nghề spa đông y tại thành phố Bắc Kạn. Ngoài ra, hỗ trợ bò cho 5 hộ người khuyết tật tại thị trấn Vân Tùng và xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn.
Cùng với đó, người khuyết tật tại xã Dương Sơn, Xuân Dương, Quang Phong, Trần Phú, Cư Lễ (huyện Na Rì) và xã Quân Hà (huyện Bạch Thông) được hỗ trợ số tiền ban đầu gần 1 tỷ đồng để mua trâu, bò sinh sản. Sau 3 năm triển khai thực hiện, các hộ đã luân chuyển bò giống và quay vòng cho vay. Theo kết quả tổng hợp của các xã thực hiện sinh kế, đến năm 2023, có 2 hộ vươn lên trung bình, 11 hộ thoát nghèo và 1 hộ vươn lên cận nghèo.
Công tác chăm lo cho người khuyết tật còn nhận được sự quan tâm, sẻ chia của nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trong 5 năm (2018 - 2023), Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức nhiều đợt trao tặng xe lăn, quà tết, trao tặng học bổng, xe đạp, bánh trung thu cho học sinh khuyết tật, mồ côi và hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, các hoạt động trị giá hàng tỷ đồng. Văn phòng ChildFund Bắc Kạn hỗ trợ sinh kế cho các hộ có người khuyết tật với số tiền trên 2 tỷ đồng. Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam tổ chức trao tặng nhiều phần quà cho học sinh khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trị giá gần 420 triệu đồng. Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Wingruop hỗ trợ 500 suất quà cho hộ nghèo là người khuyết tật, trẻ mồ côi, nạn nhân chất độc da cam/Dioxintrị, giá trên 200 triệu đồng…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.