Bài 1: Ngày 5/8/1964, trận kinh điển đất đối không của Việt Nam

2024-07-26 21:53:00 0 Bình luận
Năm nay nước ta kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng trận đầu chống quân Mỹ không kích Miền Bắc (5/8/1964-5/8/2024); và là ngày truyền thống của bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam chiến đấu và chiến thắng không quân Mỹ. Những CCB trực tiếp chiến đấu trận ấy bảo, đây là trận chiến kinh điển đất đối không của Việt Nam.

Ông Đào Ngọc Sao, khẩu đội trưởng Khẩu đội 2 (súng 14,5mm 2 nòng), thuộc Trung đội 5, Đại đội 141 (pháo cao xạ 88mm) của Tiểu đoàn 217 bắn rơi máy bay Mỹ bắt sống phi công trong trận đầu 5/8/1964; với 21 năm tại ngũ ông còn tham gia chiến đấu bắn rơi pháo đài bay B52 của Mỹ, trong trận “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972.

Đầu thập kỷ 60, Miền Bắc nước ta thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ Nhất thu được thắng lợi, cách mạng Miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyên sang thế tiến công; từ đấu tranh chính trị là chủ yếu sang kết hợp với đấu tranh vũ trang. Đánh địch bằng ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận) trên cả ba vùng chiến lược rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị; phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân để đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, tiêu biểu là chiến thắng Ấp Bắc ngày 2/1/1963.

Quân Mỹ hòng cứu vãn nguy cơ sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa do Mỹ dựng lên; đồng thời đối phó với phong trào vô sản phát triển ở Việt Nam và vùng Đông Nam Á, chúng dùng gian kế khiêu khích vũ trang với nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tạo cớ xung đột ở vùng hải phận quốc tế hòng đánh lừa dư luận thế giới và nhân dân Mỹ để trực tiếp can thiệp quân sự vào Việt Nam.

Tư liệu lịch sử, đêm ngày 31/7 rạng sáng ngày 1/8/1964, quân Mỹ cho tàu khu trục Maddox tiến sâu vào vùng biển Miền Bắc nước ta từ Đèo Ngang (Quảng Bình) đến Hòn Nẹ (Thanh Hóa), có điểm chỉ cách đất liền 6 hải lý kiêu chiến. Trước hành động thô bạo quân Mỹ xâm phạm chủ quyền hải phận của ta; ngày 2/8/1964 Hải quân ta cho 3 tàu phóng ngư lôi số 333, 336, 339 thuộc Đoàn 135 ra xua đuổi.

Ông Đào Ngọc Sao sinh 3/2/1940 (vợ bà Nguyễn Thị Xứng), là một trong số ít người trực tiếp chiến đấu trong trận đầu chống quân Mỹ không kích Miền Bắc 5/8/1964 nay còn khỏe và minh mẫn, hiện cư trú ở tổ 7 khu 6, phường Thanh Sơn, thành phố Uông Bí.

Khi ấy kỹ thuật định vị hàng hải của ta còn thô sơ (những năm 60 của thế kỷ trước, luật biển quốc tế lại chưa rành mạch, cụ thể như Điều 3 của UNCLOS 1982 lãnh hải là 12 hải lý bây giờ), quân Mỹ xảo quyệt nhử mồi cho tàu ta tiến sâu ra vùng giáp ranh phao số không, rồi cậy thế quân đông, vũ khí hiện đại, dùng máy bay và tàu chiến lớn đánh áp đảo. Sĩ quan, chiến sĩ Hải quân ta trên 3 tàu phóng lôi chiến đấu dũng cảm, khi tàu bị trúng đạn địch đã dùng phao cứu sinh thoát hiểm. Có chiến sĩ bơi bộ 3 ngày đêm trên biển về đất liền; có chiến sĩ bị sa vào tay giặc (như PVH, hiện ông đang sống ở phường Trần Hưng Đạo, thành phố Hạ Long) chúng tự dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, vu cáo quân ta tấn công chúng ở hải phận quốc tế.

Ông Phạm Khắc Định sinh 1/10/1940, ở tổ 11 khu 2, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long. Khi chiến sự 5/8/1964, là đại đội phó C142 cho biết: về sơ đồ đường bay, số lượng và chủng loại máy bay Mỹ không kích tàu hải quân ở eo biển Cửa Lục; và lực lượng phòng không của ta bố phòng dưới mặt đất đánh trả máy bay Mỹ.

Trắng trợn hơn, đêm 4/8/1964, tàu khu trục Maddox của Mỹ lại tự nổ súng, bắn vu vơ trên vùng biển vịnh Bắc bộ và phát tín hiệu bị Hải quân Bắc Việt tiến công trên hải phận quốc tế. Thực tế khi ấy đất nước ta còn nghèo, bộ đội Hải quân mới thành lập vũ khí chỉ có 2 hải đội tàu nhỏ, chủ yếu là tuần tiễu ven bờ và một số tàu phóng ngư lôi cũ do Trung Quốc viện trợ không thể tác chiến khơi xa được.

Sau này, theo một tài liệu đã được giải mật, cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đăng trên trang web một tài liệu liên quan đến “sự kiện Vịnh Bắc bộ”- Công trình nghiên cứu do nhà sử học quân sự Mỹ Robert J. Hanyok viết cho National Security Agency-SA năm 2001, ông khẳng định rằng: “Mỹ đã bắt đầu cuộc chiến tranh tại Việt Nam trên cơ sở những sự kiện bị bóp méo”. Hanyok dẫn lời nhân chứng của phi công lái máy bay quân sự James Stockdale, người chỉ huy biên đội máy bay hộ tống hai tàu khu trục ấy quả quyết: khi ấy (đêm 4/8/1964) từ trên cao quan sát mặt biển, không hề thấy có tàu lạ nào tấn công vào tàu chiến Mỹ.

https://baoxaydung.com.vn/stores/news_dataimages/vananh/052015/21/09/094552baoxaydung_image006.jpg

Bộ đội phòng không chủ lực có 1 Tiểu đoàn với 3 đại đội pháo cao xạ trung cao, mỗi đại đội trang bị 6 khẩu 88mm và 4 khẩu 14,5mm 2 nòng hoặc 2 khẩu 14,5mm 4 nòng đi kèm (Hình ảnh trận địa pháo 88mm, vũ khí của Đức từ thế chiến thứ II).

Quân Mỹ vu cáo tàu khu trục hạm của chúng liên tục bị Hải quân Bắc Việt “vô cớ” tiến công trên vùng biển quốc tế, rồi dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, Tổng thống Mỹ Giôn-Xơn hiếu chiến đã phát động cuộc không kích qui mô lớn mật danh là “hành quân Pierce Arrow” “mũi tên xuyên”, ngày 5/8/1964 Mỹ bất ngờ huy động 64 lần chiếc máy bay của hải quân từ hai tàu sân bay Constellation và Ticonderoga của hạm đội 7, căn cứ quân sự nổi trên Thái Bình Dương ồ ạt đánh phá Miền Bắc-Việt Nam.

Tiếp theo chiến dịch Mũi Tên Xuyên là các cuộc không kích: Chiến dịch Flaming Dart (7/11/1964-2/1965); Chiến dịch Sấm Rền (2/3/1965-31/10/1968); Chiến dịch Linebacker I (9/5/1972-22/10/1972); và Chiến dịch Linebacker II (18-30/12/1972), ta gọi là trận “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm tháng chạp năm Nhâm Tý (1972).

Ngày 5/8/1964, quân Mỹ huy động 10 chiếc máy bay Scai-hốc-A4D, 4 chiếc Scai-rai-dơ-AD6 và 1 phi đội F4 bảo vệ trên cao (Hình ảnh chiếc máy bay Scai-hốc-A4D), không kích tàu Hải quân neo đậu ở eo biển vịnh Cửa, vịnh Hạ Long.

Vắn tắt quân Mỹ 2 lần không kích Miền Bắc, lần thứ nhất từ ngày 5/8/1964-31/10/1968; lần thứ hai 9/4/1972-30/12/1972. Trận đầu 5/8/1964, quân Mỹ không kích nhiều mục tiêu như: căn cứ Hải quân ta ở Cửa Hội ( Nghệ An); khu vực Vinh, Bến Thủy, Lạch Trường (Thanh Hóa), Cửa Lục (Quảng Ninh) và Cảng Gianh (Quảng Bình). Nhưng quy mô chiến tranh và ác liệt nhất là chúng bắn phá quân cảng Của Lục (thị xã Hồng Gai), nay thuộc thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.

https://baoxaydung.com.vn/stores/news_dataimages/hiep/082017/03/10/102636baoxaydung_image009.jpg

Trung úy Alvarez lái máy bay cường kích A4D, ngày 5/8/1964 khi không kích tàu Hải quân ở eo biển Cửa Lục, vịnh Hạ Long bị pháo cao xạ bắn rơi tại chỗ và bị bắt  là phi công Mỹ đầu tiên bị bắt trên Miền Bắc, được trao trả tù bình ngày 12/2/1973.

Những trận đầu quân Mỹ không kích lần thứ hai ác liệt tại các địa phương: Ngày 16/4/1972, quân Mỹ không kích thành phố Hải Phòng; Ngày 10/5/1972 không kích thị xã Hồng Gai (Quảng Ninh); và 12 ngày đêm tháng chạp năm ấy chúng huy động máy bay B52 ném bom giải thảm xuống thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên…

Trận 5/8/1964, là trận chiến kinh điển đất đối không của Việt Nam (trận chiến đấu diễn ra tại thị xã Hồng Gai, nay là thành phố Hạ Long)

So sánh giữa 2 thiên sử, chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm tháng chạp 1972, hạ chốt cuộc chiến mà quân Mỹ không kích Miền Bắc với trận đầu 5/8/1964 trên đất mỏ (Quảng Ninh), thì trận “Điện Biên Phủ trên không” quân ta huy động cả lực lượng không đối không, không quân và pháo cao xạ cùng hiệp đồng tác chiến, còn có tên lửa tác xạ tầm cao. Nhưng trận đầu 5/8/1964 quân Mỹ không kích quân cảng Cửa Lục, thị xã Hồng Gai quân ta chỉ có những cỗ pháo phòng không cũ kỹ, lạc hậu lưu dùng từ thế chiến thứ II, mà bắn cháy 3 máy bay hiện đại, tân thời của không quân Mỹ, 1 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống phi công Mỹ đầu tiên trên Miền Bắc.

Cụ thể binh lực mặt đất, mặt biển đối không trên địa bàn thị xã Hồng Gai khi ấy gồm căn cứ Hải quân vùng I ở vịnh Cửa Lục có 3 tàu tuần tiễu do Trung Quốc viện trợ, trang bị vũ khí phòng không nhỏ như súng máy cao xạ 20mm. Trên bờ, bộ đội chủ lực có 1 tiểu đoàn (D) pháo cao xạ trung cao, mật danh là D217 mới được tách ra từ các phân đội chiến đấu của Trung đoàn 240 (đóng quân ở Hải Phòng) và trung đoàn 250 (đóng quân ở Nam Định) cùng thuộc Quân chủng Phòng không do Đại tá Phùng Thế Tài làm Tư Lệnh.

Tiểu đoàn 217 gồm 3 đại đội (C) là C141, C142, C143; đơn vị mới thành lập vừa huấn luyện vừa sẵn sàng chiến đấu, doanh trại tiểu đoàn bộ đặt ở bên bờ vịnh Cửa Lục, sát bến phà Bãi Cháy. Mỗi đại đội trang bị 6 khẩu pháo 88mm của Đức (chiến lợi phẩm thế chiến thứ II) và 1 trung đội súng máy cao xạ 14,5m loại 2 nòng và loại 4 nòng ( trung đội nào dùng súng 2 nòng thì biên chế 4 khẩu đội, súng 4 nòng thì trang bị 2 khẩu) để bảo vệ trận địa trung cao và bắn máy bay tầm thấp, tác chiến tương đối độc lập. C141 ở đồi gốc khế Hà Tu, C142 ở đồi 75 khu bến phà Bãi Cháy, C143 ở đồi thị đội hiện nay.

Tiểu đoàn trưởng 217 là Thiếu tá Nông Ích Hiển; Chính trị viên là Đại úy Vương Đình Nạp; Tham mưu trưởng Thượng úy Trần Tam. Cán bộ các đại đội: Đại đội 141 đại đội trưởng Trung úy Đinh Công Sự (khi quân Mỹ không kích lần thứ II năm 1972, ông làm Tiểu đoàn trưởng D241 lại bảo vệ thị xã Hồng Gai), chính trị viên Lê Văn Lý; đại đội trưởng C142 Trung úy Bạch Kim Thứ; đại đội trường C143 Trung úy Ngô Thúc Loan, Chính trị viên Trung úy Nguyễn Tâm Đắc. Nòng cốt của Tiểu đoàn 217 hầu hết là cán bộ-chiến sĩ của Trung đoàn Pháo cao xạ 367, chiến đấu trong kháng chiến chống Pháp với bề dày chiến thắng, đơn vị đã bắn rơi 52 chiếc và bắn bị thương 117 chiếc máy bay các loại của quân Pháp ở mặt trận Điện Biên Phủ.    

Công an Vũ Trang và lực lượng tự vệ các mỏ than Hà Tu, Hà Lầm, nhà máy cơ khí Hồng Gai, Sở Bến chủ yếu súng trường K44, tiểu liên k50, trung liên Kalilop, DKB....dùng súng bộ binh bắn máy bay tầm thấp.

Diễn biến cuộc chiến, vào 14 giờ 30 phút ngày 5/8/1964 quân Mỹ huy động 10 chiếc máy bay cường kích A4D Scai-hốc (Skyhawk), 4 chiếc Scai-rai-dơ AD6 và 1 phi đội F4 bảo vệ bay trên cao cùng thuộc lực lượng Không quân của Hải quân Mỹ từ tàu sân bay Constellation của hạm đội 7 trên Vịnh Bắc Bộ, chia làm 2 tốp theo 2 hướng lạch biển Cửa Dứa và Cửa Vạn bay vào vùng trời thị xã Hồng Gai, cùng lấy núi Bài Thơ làm vật chuẩn nâng độ cao khoảng 3.000m bổ nhào góc 30 độ ném bom, bắn tên lửa và đạn 20mm dữ dội xuống tàu tuần tiễu và tàu ngư lôi của Hải quân neo đậu ở eo biển Cửa Lục, bờ Bãi Cháy (nay là cảng xăng dầu B12).

Tình huống bất ngờ, trong nguy lan các chiến sĩ Hải quân trên 3 chiếc tàu số 134, 227, 225 người bị thương vẫn chắc tay súng bắn trả máy bay Mỹ. Tiêu biểu là tàu số 225 do thuyền trưởng Lê Văn Chừng chỉ huy kịp thời cắt dây neo, vượt làn bom đạn địch trên cao dội xuống, rẽ sóng ra vịnh Hạ Long bắn trả 4 chiếc Scai-rai-dơ AD6 kéo đến tấn công mình.

Tiểu đoàn pháo cao xạ 217 thời điểm ấy Ban Chỉ huy tiểu đoàn công tác vắng, Tham mưu trưởng Thượng úy Trần Tam chỉ huy chiến đấu thay, đã chủ động lã đạn vào đội hình máy bay địch ở cự ly trên 6.000m khi chúng mới bay vào đến hòn Con Cóc, trên vịnh Hạ Long. Khi máy bay địch vào gần, các khẩu đội trung cao chuyển ngay sang bắn thẳng chi viện hỏa lực cho tàu Hải quân trên mặt biển đánh trả máy bay Mỹ. Quân Mỹ bị bất ngờ, không hiểu tài chỉ huy của Đại tá Phùng Thế Tài triển khai lực lượng phòng không ở vùng mỏ nhanh đến thế.

Quân Mỹ không thực hiện được ý đồ bắn phá hòng xóa sổ hải đội tàu tuần tiễu của Hải quân ở Cửa Lục, đội hình các phi đội dối loại, xả bom đạn xuống sông xuống biển tháo thân về tàu sân bay ngoài khơi vịnh Bắc Bộ. Hai chiếc A4D hạ độ cao bám mặt nước thượng nguồn vịnh Cửa Lục bay theo thung lũng Suối Lại, xã Vũ Oai rồi men theo sườn dãy núi Béo thuộc khai trường mỏ than Hà Tu, vòng xuống thung lũng Sặc Lồ định chuồn qua cửa cái Xà Cong ra biển.

Chúng không ngờ đây là cửa tử, chiếc A4D thứ nhất rơi vào tầm ngắm của 4 ổ súng máy cao xạ 14,5mm 2 nòng, của đại đội 141 trận địa đặt trên đồi Gốc Đa- Hà Tu (nay đại đội pháo cao xạ 37mm Đặng Bá Hát đặt trận địa) nhưng đạn không trúng mục tiêu (sau này mới biết đó là chiếc Scai-hốc của Trung tá Bopno phi đội trưởng). Chiếc A4D thứ hai bay sau lại rơi vào tầm ngắm cự ly gần; Trung đội phó Trương Thanh Luyện chỉ huy (Trung đội trưởng Lê Xuân Kiệm đi công tác vắng ) phất cờ, 4 khẩu đội súng 14,5mm 2 nòng liên thanh nhả đạn vào bụng chiến A4D khiến nó bùng cháy trong tích tắc và như bó đuốc rơi xuống Khe Cá- Hà Tu vào lúc 14 giờ 45 phút cùng ngày.

Viên phi công tưởng bị hỏa thiêu trên bầu trời hoặc thiên táng trên vách núi đá vôi, nhưng còn may là đã bật được dù. Chiếc dù theo gió dập dời trong tầm bắn của các khẩu đội pháo cao xạ C141, chỉ cần cờ lệnh trong tay đại đội trưởng Đinh Công Sự dập xuống, là tên phi công vừa gây tội ác dưới mặt đất này bị tử hình ngay trên không trung, nhưng ta không giết kẻ thất thế mà để bắt làm tù binh để hắn có cơ hội sống. Chiếc dù cùng phi công an toàn “tiếp đất” vụng lỗ Ruốc Thần, cửa cái Đầu Mối, vùng thủy diện vịnh Hạ Long (quân cảng 170 bây giờ).

Khi từ trên cao rơi xuống vịnh Hạ Long toàn thân người phi công chìm xuống nước, phần bị chấn thương do máy bay trúng đạn phòng không nổ tung trên bầu trời, phần cơ thể đã đuối sức chới với với chiếc phao cố ngoi lên mặt nước, trước nguy cơ đuối nước. Trong khoảnh khắc thập tử nhất sinh, thì một chiếc thuyền nhỏ của bố con lão ngư đánh cá gần đó đến cứu vớt đưa lên thuyền. Theo đó, Thiếu tá Vũ Đình Mai tỉnh đội trưởng Quảng Ninh, cùng một số chiến sĩ trong đó có Nguyễn Bách Thảo chiến sĩ trinh sát của Tiểu đoàn 217 cùng đến dẫn giải phi công Mỹ đến một doanh trại Hải quân ở Cửa Lục. Người đầu tiên gặp phi công Mỹ giao thoại bằng tiếng Anh là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thời khắc lịch sử này Thủ tướng đang công tác ở Quảng Ninh.

Viên phi công bất hạnh cuối đường lại gặp may đó là Trung úy Alvarez, sinh 23/12/1937 tại Salinas, California, Mỹ. Năm 1960, đầu quân vào lực lượng không quân của hạm đội 7 Hải quân Mỹ, ngay phút thứ 15 trong giờ bay đầu đời binh nghiệp không kích Miền Bắc-Việt Nam đã bị pháo phòng không mặt đất bắn rơi.

Trận đầu chiến thắng không quân Mỹ 5/8/1964 đi vào lịch sử của Quảng Ninh thì đã rõ, nhưng trận đầu lực lượng Phòng không mặt đất bắn rơi tại chỗ máy bay và bắt sống giặc lái Mỹ thì còn như ẩn tích. Những pháo thủ trực tiếp chiến đấu khi ấy, tự tôn đây là trận chiến đấu đất đối không kinh điển của Việt Nam.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Fansipan rực rỡ sắc màu lễ hội hoa sen đá, giá vé cáp treo chỉ còn 550.000 đồng

Lầu đầu tiên được tổ chức tại Fansipan, Lễ hội hoa sen đá đem đến vô vàn trải nhiệm độc đáo cho du khách, đặc biệt khi Sa Pa đang vào mùa mây đẹp nhất năm.
2024-11-22 18:47:26

HEAD Honda Thắng Lợi lưu chuyển tiền thuần âm và chiến lược vượt khó

Mặc dù trên bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Công ty TNHH Thắng Lợi âm 225 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm hơn 1,7 tỷ đồng nhưng kết thúc năm 2023, công ty TNHH Thắng Lợi đạt hơn 711 tỷ đồng doanh thu, báo lãi sau thuế hơn 260 triệu đồng.
2024-11-22 17:40:02

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Đại học Quốc gia Malaya

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh chặng đường tiếp theo của Việt Nam và Malaysia cũng như việc bảo đảm một hệ thống quốc tế công bằng, rộng mở phụ thuộc lớn vào sự phát triển vững mạnh của ASEAN.
2024-11-22 14:08:22

Hợp tác xã Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường kỷ niệm 10 năm thành lập

Hợp tác xã (HTX) Cựu chiến binh (CCB) Vạn Xuân Trường là mô hình được thành lập theo Luật HTX năm 2012, qua 10 năm hoạt động đã vươn lên trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế tập thể, là HTX tốp đầu của tỉnh Nam Định về sản xuất kinh doanh.
2024-11-22 09:34:27

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình

Sáng 22/11 diễn ra Hội nghị công bố Nghị quyết số 1242/NQ-UBTVQH15, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua ngày 24/10/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024; có những thay đổi quan trọng trong hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Bình.
2024-11-22 09:00:00

Hải Phòng khai trương Dự án ‘Chính quyền số thành phố’

Chiều 21/11, TP.Hải Phòng tổ chức khai trương Dự án “Chính quyền số thành phố”. Đây là một trong những dự án quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế số, xã hội và nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng ngày “Chuyển đổi số quốc gia 2024”.
2024-11-22 07:21:22
Đang tải...