Bài 2: không giết kẻ gây tội ác khi thất thế
Tháng 3/1993, Alvaretez trở lại Việt Nam cùng đoàn làm phim của Mỹ. Alvaretez đã tặng cho ta cuốn hồi ký nhan đề " Đại bàng bị xích" ( Ảnh: Xuân Ba).
Đại tá Lê Sam, nguyên là Chính ủy Trung đoàn pháo cao xạ 217 trên cơ sở Tiểu đoàn 217 (đơn vị bắn rơi máy bay-bắt sống phi công Alvaretez) sau trận 5/8/64 phát triển lên cấp Trung đoàn. Dưới đây, là nguyên bản dịch của Đại tá Lê Sam đoạn trong cuốn hồi ký nhan đề " Đại bàng bị xích" của Trung úy phi công Alvaretez:
Alvaretez 27 tuổi, lấy vợ được 6 tháng ảnh trên tàu sân bay năm 1964, trước khi thực hiện phi vụ không kích cảng Cửa Lục, tại thị xã Hồng Gai, nay là TP Hạ Long thì máy bay bị bắn rơi và bị bắt làm tù binh (Ảnh: Nguồn Internet)
“Vào lúc 2h chiều, chúng tôi nhận được lệnh: " Lên máy bay" . Tôi bèn mặc áo bay. Trong đó có áo cứu sinh với thuốc đuổi cá mập, pháo hiệu, thức ăn, dao díp và còi. Khi đeo găng tay, tôi chợt nhận thấy chiếc nhẫn cưới của tôi. Ở trường đào tạo, người ta đã cấm chúng tôi mang nhẫn cưới trong chiến đấu bởi vì những người cộng sản sẽ đánh đòn cân não vào phi công bị bắt đã có gia đình bằng cách bịa ra những câu chuyện rằng vợ của viên phi công đã bỏ anh ta để đi theo người khác. Ngay lúc đó tôi đã cân nhắc không biết có trao nó cho bạn đồng nghiệp đứng sau tôi không? Ôi, tôi không có đủ thời gian, vả lại tôi đã luôn luôn bay với nó, như một tấm bùa hộ mệnh của thành Crits-tô-phơ mà tôi đã cẩn thận tháo ra từ chiếc vòng chìa khóa và đặt nó vào tay áo trước mỗi chuyến bay.
Alvarez sinh 23/12/1937 tại Salinas, California. Năm 1960 Alvarez nhập ngũ, bị bắt năm 1964 sau gần 9 năm làm tù binh. Khi được trao trả về mỹ thì người vợ đã bỏ Alvarez lấy người chồng khác. Ảnh Alvarez về đến sân bay quân sự Clark, Philippines ngày12/2/1973 (nguồn Internet).
Tôi nhận đúng chiếc máy bay tôi đã lái tối hôm trước trong số 15 chiếc Scai - hốc (chim ưng nhà trời - tên một loại máy bay cường kích của Hải Quân Mỹ - ND) đã được dự định cất cánh vào lúc 2h30' chiều tới Hòn Gai. Tôi là người bay đầu tiên. Mật khẩu là "War Paint" và tôi mang số hiệu 411.
Mọi người trên boong tàu có vẻ rất hứng thú và được kích động bằng nhiệm vụ chiến đấu, một nhân viên thợ máy ngồi trên cánh máy bay của tôi và vỗ vào nói "Ngài đừng làm hỏng nó nhé! đó là chiếc máy bay tốt nhất của chúng ta" Anh ta nói đùa bằng một giọng Brốc-klin. Đúng lúc đó viên thuyền trưởng thông báo rằng 22 chiếc máy bay từ tàu sân bay Ticonderoga tấn công những mục tiêu khác ở Bắc Việt Nam lúc 1h15' đang trên đường trở về tàu.
Cho đến nay chỉ có một máy bay bị thương và phải quay về căn cứ ở Đà Nẵng. Lo-Sơn, viên đại úy làm nhiệm vụ phụ giúp đặt cầu thang và giúp tôi leo vào buồng lái nhỏ. Anh ta móc cái của tôi vào chiếc vòng kép ở ghế ngồi. Anh ta đã kiểm tra xong dù và pháo cứu sinh gắn ở ghế.
Tôi kéo hai chiếc ghim an toàn với những băng đỏ từ bộ phận bật dù bằng tay và đưa chúng cho anh ta. Anh ta rút một chiếc nữa từ phía sau tôi của bộ phận bật dù chính, đưa cho tôi và cuộn cả ba chiếc lại rồi nhét vào bên cạnh chiếc pano. Tôi thắt lại dây buộc đầu gối, đội mũ bay và đeo mặt nạ. Tôi ấn nhẹ vào công tắc cố định, một chiếc xì và một luồng ô xy đều đều thổi. Tôi kiểm tra lại radio, liên lạc tốt
"Được chưa?" Lo-Sơn hỏi - " Tốt"
"Đi thôi - Ngài! Chúc may mắn!"
Anh ta trèo xuống và nhấc chiếc thang qua lối đi men boong. Tôi đóng vòm lái phía trước, một nhân viên điều khiển bay quay cổ tay ra hiệu cho tôi khởi động máy. Sau khi nghe thấy tiếng rú quen thuộc của luồng khí thổi vào tuốc - bin, tôi làm tiếp công việc kiểm tra.
Khi tôi cho máy bay chạy lên bệ phóng, một nhân viên chọc đầu nhọn của thanh thép bẻ lái vào giữa bánh mũi, rồi điều khiển chiếc Scai- hốc để cho chiếc bánh trước lăn trùm lên con thoi. Họ còn gắn một số dây cáp nặng vào máy bay và vào thanh giữa phía sau. Vài giây sau, những sợi dây cáp căng ra và chiếc máy bay dường như bị rung lên trong sự ghì chặt của chiếc bệ kiên cố. Khi những động cơ kêu to dần, như thường lệ, tôi giơ tay phải ra hiệu " tất cả đã xong xuôi". Nhân viên điều khiển cũng đã sẵn sàng giơ ngón tay cái lên chúc tôi may mắn, dùng cánh tay vẽ một vòng cung lên không. Vọt một cái, tôi đã cất cánh, máy bay lao nhanh khỏi bệ phóng trong tiếng rít của động cơ. Nhiều phi công vẫn thường nói đùa rằng khi cất cánh thì tốt nhất lên nói câu: " Cảm ơn chúa, tôi đang bay, nhưng tôi cũng chẳng kịp nghĩ đến điều đó
Tất cả 10 chiếc Scai-hốc (A4D) có nhiệm vụ tấn công Hồng Gai gặp nhau ở độ cao 20.000 bộ trước khi tăng lên 30.000 bộ trong chuyến bay 70 phút tấn công mục tiêu phía tây-bắc.
Tôi thầm nghĩ " chiến tranh"! Chúng tôi đang đi vào chiến đấu. Đây có thể là sự khởi đầu của một sự kiện trọng đại". Tôi cũng không hoảng sợ, chỉ hơi bồn chồn chút... Nó gợi tôi nhớ lại khi thi chạy ở trường, hồi hộp trước khi phát súng lệnh nổ.
Tôi bay yểm hộ trung tá BopnoTinhham (Bốp Nốp-Tinh-Hâm) chỉ huy phi đội, sau nửa giờ chúng tôi hạ thấp xuống một vùng trời quang đãng. Bờ biển bắc Việt Nam, với cảng Hải Phòng ở bên trái, trải dài ra trước khi chúng tôi bắt đầu hạ thấp độ cao. BopnoTinhham nói qua vô tuyến "Khi chúng tôi bay vào vùng trời Hồng Gai, tất cả mọi người lùi lại, En-vi (gọi thân mật Anvaret - ND) và tôi vào trước".
Theo phổ biến nhiệm vụ sơ bộ, chúng tôi có thể nhìn thấy những chiếc thuyền đậu ở bên phải vịnh Hạ Long" Tất cả kiểm tra công tắc. BopnoTinhham nói khi phi đội chúng tôi lùi lại phía sau, rồi hạ thấp độ cao. Tôi bật công tắc mở bệ phóng của 19 quả rốc két gắn ở dưới phần chính giữa thân máy bay. Đồng thời tôi nghe thấy tiếng người chỉ huy nói: 4 chiếc Scai-rai-dơ (AD6), máy bay một động cơ cánh quạt cũ kỹ đã cất cánh một giờ rưỡi trước khi chúng tôi cất cánh để hiệp đồng tác chiến. BopnoTinhham cổ súy: "Tốt lắm, các chàng trai tăng tốc độ lên, kiểm tra nút bấm cò tác xạ"
Từ chiếc F4 bay bảo vệ chúng tôi ở phía trên lại vang lên tiếng cổ vũ: " Tấn công chúng đi, những con mãnh hổ".
Tôi đã không thể nhìn kỹ chiếc bản đồ khi phổ biến nhiệm vụ, bởi vì đến lúc này tôi mới nhận thấy có nhiều hòn đảo xuất hiện ngoài biển, cửa vịnh hẹp: bến tàu ở phía bên phải nhưng không có chiếc tàu nào đấy như người ta phỏng đoán. Chúng tôi bổ nhào dưới góc 15 độ với vận tốc 500 dặm một giờ.
Cả viên chỉ huy và tôi đều nhìn thấy ở phía bên trái có bốn chiếc tàu phóng ngư lôi đỗ cạnh một chiếc tàu tuần tiễu lớn.
" Tốt rồi! Bắn" BopnoTinhham hét lên khi anh ta bay qua, nhưng đã quá chậm để khai hỏa.
Tôi đang bay trong đội hình dãn ra, cách khoảng 70 bộ sau chiếc máy bay chỉ huy. Tôi chúc mũi máy bay và bấm cò tác xạ. Tôi cũng chẳng kịp nhìn xem rốc - két của tôi có bắn trúng mục tiêu hay không. Khi tôi vòng lên về phía bên phải vẫn ở trong vịnh Hạ Long, tôi hét vào micro gọi những chiếc A4 khác :"Chúng đang bay lượn ở trong vịnh, bờ phía tây: bốn chiếc phóng lôi và một tàu tuần tiễu!"
"Ôi! Rốt En-vi", Nich (Nich Ni-côn- sơn) nhận ra. " Cẩn thận, bọn chúng đang bắn cậu đấy!" Viên phi công lái F4 nhắc nhở khi chiếc A4D thứ ba lao về phía mấy con tàu.
Khi tôi nhìn lại, tôi cảm thấy cả thế giới đang đổ đạn về phía tôi, cứ sau khoảng 2 giây một, từng chiếc Scai-hốc lần lượt lao sát xuống mặt biển. Tôi bay qua những luồng đạn phòng không bắn lên từ tàu Hải Quân và các trận địa pháo cao xạ trên những ngọn đồi phía sau. Hỏa lực đó mạnh hơn nhiều so với chúng tôi dự đoán và họ nổ súng nhanh, rõ ràng là họ đã được chuẩn bị trước. Nhưng tôi cảm thấy tôi lái chiếc máy bay như một phi công lão luyện và tôi cũng không hoảng loạn trước hỏa lực dày đặc như vậy.
Khi chiếc Scai-hốc cuối cùng bổ nhào rồi cất lên cao. BopnoTinhham nói: "Tôi lại công kích đây" tôi vẫn chưa dùng đến loại pháo 20mm, vì vậy tôi nhanh chóng ấn nút điều khiển súng, lấy đường ngắn và kiểm tra lại công tắc tác xạ. Tôi bay theo BopnoTinhham bởi vì tôi đã được huấn luyện rằng một phi công bay yểm hộ tốt luôn theo sát chỉ huy của mình.
Ở phía dưới, những chiếc tàu con bốc cháy và một làn khói nhẹ bốc lên ở chiếc tàu lớn. BopnoTinhham lại bổ nhào, phóng rốc két và kêu " Xong rồi". Tôi cũng chẳng kịp nhìn theo xem anh ta có bắn trúng cái gì không.
" Tôi tấn công" . Tôi hô, lao xuống và bắn vào chiếc tàu lớn nhất, đúng lúc đó một đường đạn bay sượt qua máy bay tôi. Loạt đạn đầu tiên của tôi bắn sát vạch ngấn nước của chiếc tàu và mặc dù nằm trong hỏa lực mạnh từ mặt đất bắn lên, tôi vẫn bắn vào thành tàu cho đến khi bắn trúng đài chỉ huy. Tôi còn có thể gây ra nhiều thiệt hại nữa nhưng cò súng không bóp được, hoặc là hết đạn, hoặc vì súng bị hóc đạn.
Tôi vượt lên cao trong khi BopnoTinhham nói: " Tôi vẫn đang ở trên boong tàu" Anh ta bay thấp và quặt sang bên phải. Tôi lại lao xuống, có thể 100 bộ trên mặt nước và cố theo kịp anh ta. Anh ta lắc cánh và chúng tôi vọt qua vùng đất, bay về phía đông Vịnh. Chúng tôi lướt qua những ngọn cây và những mái ngói đỏ " Thật yên tĩnh và thanh bình", tôi nghĩ "nhưng dưới đó là lãnh thổ của kẻ thù".
Chúng tôi bay qua phía bắc đô thị Hồng Gai, tiến tới một mỏm đồi trông ra biển. Bỗng tôi nghe thấy một tiếng "bùng" cùng một tia lửa xanh lớn ở cửa kính bên trái buồng lái. Chiếc máy bay bị lắc mạnh, kêu lách cách như có ai đó đổ một thùng bu- lông vào động cơ. Tất cả đèn báo cháy và báo mất nước đều nhấp nháy. Khói tràn đầy buồng lái, hệ thống thủy lực mất tác dụng. Thật là lạ, tôi có cảm giác như tất cả mọi chuyện đang xảy ra rất chậm. Tôi như chìm trong ảo giác và khó cử động được tay, bật mi-cro hay nói một câu lưu loát.
Cuối cùng tôi gọi "411 gọi 409. Tôi bị đạn phòng không mặt đất bắn trúng rồi!"
" Cậu đang ở đâu" BopnoTinhham?"
- Ngay đằng sau anh!
Tôi rút hệ thống bay khẩn cấp ra, trong khi tất cả những đèn thủy lực bật sáng và ngay lập tức tôi vận hành chiếc máy phát điện cấp cứu. Trong tai nghe phát ra tiếng kêu ù ù. Tôi trút bỏ tất cả các thứ ở cánh máy bay cho nhẹ, mặc đù tôi không biết tiếng nổ vừa rồi có làm cụt đi một phần hay cả chiếc máy bay. Chiếc máy bay Scai- hốc nghiên hẳn về bên trái.
Một lần nữa tôi lại bấm mi-cro "Máy bay tôi bị cháy không điều khiển được".
Tôi cố gắng hết sức để giữ thăng bằng nhưng chắc hẳn chiếc máy bay đang bị rời ra từng phần một. Nếu phải nhảy dù ra thì tôi phải giữ cho máy bay được thăng bằng đã. Nhưng tôi càng tìm cách nghiêm máy bay sang bên phải thì nó lại càng lật về bên trái. Chiếc máy bay đang mất dần độ cao.
Giọng nói của Nich Ni-côn- sơn lại vang lên trong tai nghe " Cậu phải biết làm gì chứ En-vi!"
"Được thôi" tôi trả lời mặc dù lâm nạn đang rối bời.
Nhưng ngay lúc tôi vừa trả lời, tôi bỗng tự dưng hỏi không biết anh định nói gì. Lúc này không còn thời gian để hỏi và trả lời nữa. Cách tốt nhất cố hết sức gạt cần lái về phía trái và lăn vòng lấy thăng bằng, tạo đà vọt thẳng lên cao. Chiếc máy bay lật ngửa và mũi chúc xuống. Tôi bị treo gần như lộn ngược ở góc 45 độ so với mặt đất. Nếu chậm trễ tôi sẽ bị tan xác cùng với chiếc máy bay. Tôi có thể nhìn thấy mặt đất khoảng 500 độ. Nếu tôi bật được ra lúc này thì tôi sẽ có cơ may được sống và may mắn nhất với vài cái xương gãy
Tôi bấm micro, không biết là nó còn phát sóng nữa hay không: "Tôi đang nhảy ra đây! Hẹn gặp lại các bạn sau!"
Tôi nắm chiếc vòng ở phía sau đầu tôi và giật mạnh. Vòm lái bật ra và ghế ngồi của tôi bị bắn tung khỏi máy bay. Tôi lao cắm đầu xuống. Tôi cảm thấy choáng váng gần như ngất đi. Một cái gì đó giật mạnh người tôi và tôi nghe thấy chiếc dù phụ kéo tung chiếc dù chính trong khi chiếc ghế ngồi tự động văng ra . Trong vòng một hoặc hai phút, tôi đã bị rơi xuống nước, chứ không phải xuống đất như tôi tưởng”.
Đoạn hồi ký của Alvaretez, do Đại tá Lê Sam nguyên Chính ủy Trung đoàn 217 dịch; CCB Đào Ngọc Sao người bắn rơi máy bay của Alvaretez lưu giữ.
Cuốn hồi ký của Alvaretez còn ghi chép chi tiết cơ sự khi chiếc dù của mình treo trên đầu súng của đối phương, định cầu chúa một câu nhưng nỗi khiếp đảm lại đè nặng lên đầu. Giây phút chờ đợi tử thần, nhưng không thấy phát đạn nào từ mặt đất bắn lên chắc họ tha chết cho mình, rồi Alvaretez rơi tõm xuống biển.
Thân thể cùng đồ bay nặng trên 1 tạ chìm xuống mặt nước, phao trợ lực giúp Alvaretez ngoi lên mặt nước nhưng quá đuối sức, chơi vơi trên sóng biển. Alvaretez chả rõ liều thuốc đuổi cá mập có tác dụng không? không rơi vào miệng kình ngư thì cũng bị chết đuối, đang tất tưởi lo sợ. Thì trước mặt Alvaretez xuất hiện một con thuyền nhỏ, dờ đến khẩu colt thì cũng không còn, mà có còn cũng chẳng có tác dụng tốt nhất là dơ hai tay lên đầu.
Alvaretez đảo mắt quan sát, trên tuyền chỉ có một người đàn ông trạc trung tuổi và một cậu bé khoảng trên 10 tuổi, trong tay không có vũ khí hoặc gậy gộc thì bớt sợ. Đoạn người đàn ông ra hiệu cho Alvaretez lên thuyền và đưa tay kéo mình lên thuyền họ. Alvaretez miễn cưỡng làm theo và toàn thân như con bò chết nằm vật xuống khoang chiếc thuyền đánh cá nhỏ.
Hai bố con người đánh cá nhân hậu cứu vớt Alvaretez khỏi nguy cơ chết đuối, còn tốt bụng giót cho mình bát nước và ra hiệu uống khi cơn khát đang cháy bỏng ruột gan. Bát nước có màu nâu sẫm, Alvaretez tưởng là caphe loãng nhưng uống mới hay đó là thứ trà của người địa phương, uống vào ấm bụng khoan khoái.
Ít phút sau thì nhiều thuyền bè tiến đến, trong số đó có một chiếc tàu vỏ sắt đầu kéo xà lan, trên có một sĩ quan (sau này Alvaretez mới biết là Thiếu tá Vũ Đình Mai, tỉnh đội trưởng) mấy anh lính trẻ đến áp giải Alvaretez về một doanh trại Hải quân gần nơi mà mình vừa không kích, còn khét mùi khói đạn. Người đầu tiên thẩm vấn Alvaretez bằng tiếng Anh, cũng sau này mới biết đó là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi ấy đang công tác ở Quảng Ninh.
Cuốn hồi ký nhan đề " Đại bàng bị xích" còn ghi chép nhiều nội dung khi Alvaretez làm tù binh ở nhà giam Hỏa Lò, nhưng trang ghi chép về chiến sự trận đầu 5/8/1964 thì có giá trị trực tiếp với Quảng Ninh. Hồi ký của phi công Mỹ làm sáng tỏ những vấn đề mà trước đó còn chưa rõ, về số lượng máy bay quân Mỹ huy động vào trận ấy. Nhất là thông tin về những giá trị văn hóa, đức độ của người lính, của người dân thành phố Hạ Long trong chiến sự không giết còn cứu mạng kẻ gây tội ác khi bị thất thế.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.