Bản tin Hoà Nhập ngày 12/1/2022: Đề xuất cho phép doanh nghiệp tăng số giờ làm thêm theo thỏa thuận
Khoa được thành lập nhằm chăm sóc, khôi phục sức khỏe và tinh thần cho những bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh Covid-19.
Theo các bác sĩ, sau thời gian điều trị tích cực, bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh có nhu cầu rất lớn về phục hồi chức năng như: Phổi (hô hấp), cơ – xương – khớp (vận động) và tinh thần.
Các bệnh nhân Covid-19 sau giai đoạn cấp, đến giai đoạn hậu Covid-19 có những bệnh nhân phải nằm hơn 1 tháng, 2 tháng, thậm chí nhiều bệnh nhân vẫn phải thở oxy tại nhà. Nếu những bệnh nhân này được hỗ trợ hồi phục chức năng ngay từ đầu thì thời gian thở máy sẽ được rút ngắn.
Hiện nhu cầu hồi phục chức năng phổi là nhiều nhất. Sau đó là cơ xương khớp, vận động, tinh thần.
Các bệnh nhân khi đã khỏi bệnh vẫn có thể cần sự hỗ trợ hồi phục chức năng như: hô hấp, vận động, điều trị tâm lý sau thời gian dài hồi sức thở máy.
Bởi vậy, bệnh viện đã mở khoa hồi phục chức năng, trước tiên là ưu tiên những bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Sau khi hết thời gian hồi sức có thể chuyển sang hồi phục chức năng hậu Covid-19.
Vụ "bán chui" cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết, HoSE sẽ hủy toàn bộ giao dịch
Chiều tối 11/1, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã gửi thông báo đến cơ quan báo chí khẳng định về việc hủy giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết.
Văn bản của HoSE nêu rõ: Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại Công văn 198/UBCK-TT ngày 11/1 về việc bán cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC, mà không không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch (theo khoản 1 Điều 33 Thông tư 96/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán), HoSE sẽ hủy giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC.
Trong phiên giao dịch chứng khoán ngày 11/1, cổ phiếu FLC tiếp tục giảm sâu hơn 1.200 đồng, xuống còn 19.900 đồng/cổ phiếu - giảm gần 13% trong vòng 2 phiên.
Ngày 10/1, ông Trịnh Văn Quyết đã thực hiện giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu, trong khi chưa công bố thông tin này với cơ quan chức năng theo yêu cầu. Ông Quyết còn có hành vi "lùi" ngày thông báo trên website. Sau đó, thông tin này cũng được gỡ bỏ.
Cùng thời gian đó, ông Trịnh Văn Quyết đã giải trình với cơ quan chức năng rằng việc "bán chui" cổ phiếu là do sơ suất của thư ký. Theo đó, trước khi đi công tác, ông đã giao bộ phận thư ký gửi thông báo giao dịch 175 triệu cổ phiếu từ ngày 10-17/1 cho bộ phận phụ trách công bố thông tin của FLC. Do sơ suất trong quá trình xử lý công việc nên bộ phận thư ký đã quên, không gửi thông báo đăng ký giao dịch theo quy định.
Chỉ dùng thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir theo đơn của bác sĩ
Thuốc Molnupiravir được chỉ định cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ.
Chiều 11/1, Bộ Y tế có thông tin về thuốc Molnupiravir và các lưu ý khi sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir điều trị Covid-19.
Theo Bộ Y tế, vừa qua, một số báo có đăng tải thông tin về việc Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR) "loại thuốc Molnupiravir khỏi danh mục thuốc điều trị Covid-19 do lo ngại tác dụng phụ".
Căn cứ các chỉ định, các khuyến cáo của thuốc Molnupiravir được phê duyệt bởi Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan Quản lý Dược và Sản phẩm Y tế của Anh (MHRA), các nội dung quan trọng cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng thuốc Molnupiravir để điều trị Covid-19 như sau:
Molnupiravir được sử dụng để điều trị Covid-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
Tuy nhiên, theo trang tin india.com đăng tải ngày 5-1 trích dẫn ý kiến của Tiến sĩ Bhargava, Tổng Giám đốc của ICMR - là Cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng phác đồ điều trị Covid-19 tại Ấn Độ - về việc ICMR đến nay vẫn chưa cập nhật thuốc Molnupiravir vào danh sách các thuốc điều trị Covid-19 theo phác đồ của ICMR do quan ngại về một số phản ứng phụ như đột biến gene, tổn hại đến cơ và xương có thể dẫn tới các nguy cơ cho việc mang thai và cho trẻ em (không phải ICMR loại Molnupiravir ra khỏi danh sách các thuốc điều trị Covid-19).
Giá xăng, dầu đồng loạt tăng mạnh
Từ 15h ngày 11/1, liên bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định điều chỉnh giá xăng, dầu. Theo đó, xăng E5RON92 tăng 609 đồng/lít, xăng RON95-III tăng 581 đồng/lít, dầu diesel tăng 660 đồng/lít, dầu hỏa tăng 620 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S tăng 617 đồng/kg.
Theo liên bộ Công Thương - Tài chính, tình hình dịch bệnh trong nước vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhất là tại Hà Nội và một số tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, theo chủ trương mới của Chính phủ về việc thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp vẫn được hoạt động, nhất là đang gần dịp Tết Nguyên đán.
Bộ Công Thương và Bộ Tài chính quyết định thực hiện trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu một cách hợp lý để giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng của giá xăng dầu thế giới và bảo đảm duy trì công cụ Quỹ bình ổn giá ở mức phù hợp để có dư địa điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới.
Đề xuất người lao động không làm thêm quá 300 giờ/năm
Đề xuất tăng giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm cho mọi ngành nghề.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có kiến nghị Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về số giờ làm thêm trong 1 tháng và số giờ làm thêm trong 1 năm theo quy định của Bộ luật Lao động.
Theo đó, hướng đề xuất là nâng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng quy định tại Bộ luật Lao động khi người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động về việc làm thêm giờ từ 40 giờ lên 72 giờ. Đồng thời, tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ trong 1 năm mà không bị giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp quy định tại Bộ luật Lao động.
Về thời gian áp dụng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất được thực hiện cho đến hết ngày 31/12/2022 và báo cáo Quốc hội về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt này tại kỳ họp gần nhất.
Khởi tố tú bà điều hành đường dây bán dâm liên tỉnh
Tú bà Dương Thị Lan điều hành đường dây bán dâm liên tỉnh.
Thông tin từ Công an huyện Như Xuân cho biết đêm 8/1, qua công tác kiểm tra hành chính tại nhà nghỉ Thu Hoa ở thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, công an huyện này phát hiện, bắt quả tang 2 đôi nam nữ đang có hành vi mua bán dâm.
Theo đó, tại phòng số 101 và 102, công an phát hiện 2 gái bán dâm gồm: L.T.N. (SN 1989) và L.T.T. (SN 1982) cùng ngụ tỉnh Nghệ An đang bán dâm cho khách.
Quá trình điều tra, Công an huyện Như Xuân đã bắt khẩn cấp Dương Thị Lan (SN 1983), ngụ xã Cát Tân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, là chủ quán nhậu và cà phê Lan Rừng (ở thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân) về hành vi "Môi giới mại dâm".
Theo Công an huyện Như Xuân, mỗi lần khách có nhu cầu mua dâm, người phụ nữ xinh đẹp này sẽ điều gái bán dâm tới cho khách với giá 500.000 đồng/lượt. Trong đó, gái bán dâm hưởng 300.000 đồng, còn "tú bà" Lan hưởng 200.000 đồng.
Tân Hoàng Minh bỏ cọc gần 600 tỷ lô đất đấu giá tại Thủ Thiêm
Tân Hoàng Minh đã chính thức xác nhận 'rút' khỏi lô đất 24.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm
Đây là nội dung được Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết trong thông cáo báo chí liên quan đến việc trúng đấu giá ô đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).
Tập đoàn này cũng cho biết, doanh nghiệp chấp nhận chịu mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định của pháp luật về việc đấu giá tài sản công.
Nêu lý do về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng, Tập đoàn này cho hay: "Sau khi đấu giá thành công, ban lãnh đạo tập đoàn đã lắng nghe và ghi nhận các ý kiến phân tích từ cơ quan quản lý nhà nước và dư luận, trong đó có những ý kiến cho rằng kết quả trúng đấu giá ở mức cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt...".
Trước đó, ngày 10/1, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt (Công ty Ngôi sao Việt) đã gửi tâm thư gửi Tổng Bí thư và quý lãnh đạo cao cấp ở trung ương và TP.HCM về việc trúng đấu giá trên. Theo đó, ngày 10/12/2021, Công ty Ngôi sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã tham gia và trúng đấu giá ô đất 3-12 có diện tích 10.060m2 với giá 24.500 tỷ đồng (tính ra 1m2 đất trị giá 2,45 tỷ đồng) cách người trả thứ 2 là một công ty nước ngoài đặt giá 23.800 tỷ đồng là 700 tỷ đồng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.