Bản tin Hòa Nhập ngày 15/2/2022: TP.HCM lên kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho gần 1 triệu trẻ 5-11 tuổi
Theo ông Tâm, trẻ sinh sống tại TPHCM từ 5 đến 11 tuổi có khoảng 970.000 em. Trong số này, 950.000 trẻ đã đi học, 20.000 trẻ chưa đi học. Số trẻ đi học sẽ do Sở Giáo dục và Đào tạo thống kê danh sách, số trẻ con lại do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thống kê danh sách. Theo dự kiến, trong vòng 30 ngày sẽ hoàn tất quá trình tiêm mũi 1. Thời gian để tiêm mũi 2 cũng trong 30 ngày. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm sẽ do Bộ Y tế quy định.
TPHCM đang chuẩn bị các kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi.
Trong thời gian chờ Bộ Y tế hướng dẫn và UBND TPHCM ban hành kế hoạch, HCDC đã chủ động tập huấn, hướng dẫn địa phương giám sát công tác tiêm chủng, bảo quản vaccine và xử lý những trường hợp tai biến… để chuẩn bị tốt nhất khi triển khai. Ông Tâm lưu ý, việc tiêm vaccine cho trẻ là không bắt buộc, phải có sự đồng thuận.
Trong trường hợp gia đình trẻ không đồng ý, trẻ vẫn được đi học bình thường. Tuy nhiên, địa phương, nhà trường cũng như ngành Y tế cố gắng thuyết phục phụ huynh đồng thuận cho trẻ tiêm vaccine.
Xác định đối tượng dọa bắn hạ máy bay Vietnam Airlines
Ảnh minh họa.
Cơ quan chức năng phía Nhật Bản đã xác định được nghi phạm ban đầu vụ gọi điện khủng bố dọa bắn hạ máy bay Vietnam Airlines (VNA) khi bay qua vịnh Tokyo.
Nguồn tin cho hay đối tượng là đàn ông, người Nhật Bản, đã theo dõi thông tin chuyến bay của VNA được đăng tải công khai trên mạng và phát sinh hành động đe dọa an ninh an toàn. Điều tra ban đầu cho biết người này thực hiện hành vi đe dọa một mình, không có đồng phạm. Qua thẩm vấn, đối tượng khai báo có hành vi đe dọa bắn hạ nhưng không có động cơ, mục đích. Được biết người này có những biểu hiện thần kinh không bình thường.
Trước đó, ngày 5.1, chuyến bay VN5311 với máy bay B787-868 từ sân bay Narita (Toyko, Nhật Bản) hành trình về Hà Nội. Chi nhánh VNA tại Nhật Bản đã nhận được cuộc điện thoại tự xưng là người Mỹ, nói tiếng Nhật. Đối tượng này đe dọa “chuyến bay VN5311 tốt nhất là quay lại Narita, nếu không sẽ bị bắn hạ khi bay qua vịnh Tokyo”. Sau khi hạ cánh khẩn cấp tại Nhật Bản, máy bay được kiểm tra an ninh và bay về Việt Nam vào chiều tối cùng ngày.
Đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 5.000km cao tốc đường bộ
Đến năm 2025, có 3.000km đường bộ cao tốc.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 42/TB-VPCP ngày 14/2/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về công tác chuẩn bị đầu tư các Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc giai đoạn 2021-2025.
Tại Thông báo trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, UBND thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương đã rất nỗ lực, tích cực trong công tác chuẩn bị hồ sơ, triển khai các thủ tục thẩm định các dự án đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025. Đây là các dự án có quy mô dự án rất lớn, trong đó có 05 Dự án quan trọng quốc gia và 04 dự án nhóm A.
Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có các tuyến đường bộ cao tốc này. Với tổng chiều dài các Dự án khoảng 865 km và 729 km của Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 khi hoàn thành có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phục hồi, phát triển kinh tế xã hội đất nước trong giai đoạn tới, đồng thời sẽ đạt được mục tiêu có 3.000km đường bộ cao tốc đến năm 2025 và 5.000 km đến năm 2030 đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua.
Hơn 22.600 học sinh, giáo viên Hải Phòng mắc COVID-19
Cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục tại Hải Phòng đều đã được tiêm vắc xin, xét nghiệm trước khi đi làm. Ảnh minh họa.
Tại Hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch COVID-19 TP Hải Phòng, ông Bùi Văn Kiệm – Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin, tích lũy đến nay ngành giáo dục ghi nhận có 22.652 ca (1.288 giáo viên và 21.364 học sinh) dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, 6.104 bệnh nhân chưa tiêm vắc xin.
Theo ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, việc trẻ đến trường hay ở nhà thì nguy cơ nhiễm bệnh như nhau vì vẫn có tiếp xúc với ông bà, bố mẹ, người thân có nguy cơ mang bệnh. Ông Kiệm nêu quan điểm, ngành giáo dục và nhà trường luôn mở cửa, sẵn sàng đón dạy dù chỉ 1 học sinh đến lớp.
Không cần thiết test nhanh định kỳ cho học sinh tại nhà
Ảnh minh họa.
Một số phụ huynh cho biết trường yêu cầu test nhanh định kỳ cho con dù con không thuộc diện F1 hay có biểu hiện nghi nhiễm. PGS Nguyễn Huy Nga đánh giá việc này không cần thiết.
“Test định kỳ không góp phần sàng lọc F0 trước. Hơn nữa, việc xét nghiệm thường xuyên gây tốn kém tiền bạc, Mỗi lần test lại thêm chất thải ra bị xả ra môi trường, gây ô nhiễm”, PGS Nguyễn Huy Nga nói.
Theo ông, gia đình chỉ cần test nhanh khi trẻ là F1 (lớp hoặc trong nhà có người mắc Covid-19, tiếp xúc gần) hoặc khi trẻ có triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2.
Ông nói thêm khi trường học mở cửa, việc xuất hiện F0 trong lớp là chuyện bình thường. Phụ huynh không cần quá lo lắng hay test hàng ngày vì hết hết học sinh từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.