Bản tin Hòa Nhập ngày 2/12/2021: 86 học sinh nhập viện sau tiêm vaccine ngừa Covid-19
Thanh Hóa sẽ tiêm 117.000 liều vắc xin Pfizer phòng COVID-19 cho trẻ từ 15 - 17 tuổi. Ảnh minh họa.
Tối 1/12, thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Hoằng Hóa cho biết trong hai ngày 1 và 2/12, huyện Hoằng Hóa tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 cho 6.690 học sinh ở độ tuổi từ 15 - 17 tuổi tại 37 xã, thị trấn. Sau ngày tiêm đầu tiên, tại huyện này ghi nhận 86 học sinh có phản ứng sau tiêm, phải nhập viện theo dõi.
Được biết, sau tiêm, các em học sinh này có biểu hiện phổ biến là buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, ớn lạnh nên nhà trường và gia đình đã đưa các em đến cơ sở y tế gần nhất.
Sau khi được chăm sóc y tế, hiện sức khỏe và tâm lý của các em đã ổn định. Các cơ sở y tế trên địa bàn huyện Hoằng Hóa sẽ tiếp tục theo dõi sức khỏe cho các em học sinh, bảo đảm an toàn, hiệu quả tiêm phòng.
Được biết trong hai ngày 1 và 2/12, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiêm 117.000 liều vắc xin Pfizer phòng COVID-19 cho trẻ từ 15 - 17 tuổi tại tất cả huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Số người chết và mất tích do mưa lũ ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên đang tăng lên
Mưa lũ khiến nhiều khu vực tại Phú Yên ngập sâu. Ảnh: CÔNG NGUYÊN
Tính đến 17 giờ chiều 1/2, đã có 12 người chết và mất tích do mưa lũ ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên.
Báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, số người chết và mất tích do mưa lũ đang tăng lên. Đến chiều 1/12, đã có 12 người chết và mất tích, tăng hai người so với báo cáo buổi sáng. Trong đó, Bình Định có ba người, Phú Yên sáu người, Kon Tum một người, Đắk Lắk hai người.
Về nông nghiệp, hơn 700 ha lúa ở Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk bị thiệt hại; hơn 600 ha hoa màu, gần 3.000 con gia cầm ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai bị lũ cuốn trôi, thiệt hại.
Về thủy lợi, có hơn 1.500 m kè và gần 24.000 kênh mương ở Bình Định, Gia Lai bị hư hỏng. Hơn 66.000 học sinh phải nghỉ học, 55 trường ở Bình Định bị ảnh hưởng.
Về thủy sản, có ba tàu ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa bị chìm; hai sà lan ở Khánh Hòa đang thi công đập ngăn mặn sông Cái bị nước lũ cuốn trôi.
Bộ Y tế: Được tiêm trộn vaccine mũi 3 từ tháng 12/2021
Ảnh minh hoa.
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Cục Y tế, Bộ Công an; Cục Quân Y, Tổng Cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại.
Đối với tiêm liều bổ sung, mũi 3 sẽ dành cho các đối tượng gồm: Người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...
Loại vaccine tiêm cùng loại với liều cơ bản hoặc tiêm trộn vaccine mRNA (Pfizer, Moderna). Về khoảng cách, tiêm 1 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vaccine.
Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine véc tơ virus (vaccine Astrazeneca)
Bộ Y tế hướng dẫn phát hiện 12 dấu hiệu mắc Covid-19
Bộ Y tế vừa ban hành “Hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị” áp dụng thống nhất tại tất cả các địa phương trên cả nước.
Theo Bộ Y tế, dịch Covid-19 đang bùng phát, việc phân loại nguy cơ sẽ giúp hệ thống y tế tránh áp lực quá tải, lúng túng trong điều trị, xác định đúng nhu cầu điều trị và tiết kiệm nguồn lực của ngành y tế, xã hội.
Bộ Y tế cũng nêu 12 dấu hiệu, biểu hiện nhiễm SARS-CoV-2 bao gồm: Ho; Sốt (trên 37,5 độ C); Đau đầu; Đau họng, rát họng; Sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi; Khó thở; Đau ngực, tức ngực; Đau mỏi người, đau cơ; Mất vị giác’ Mất khứu giác; Đau bụng, buồn nôn; Tiêu chảy.
Bên cạnh đó, Bộ cũng hướng dẫn 5 dấu hiệu của người mắc Covid-19 trong tình trạng cấp cứu gồm: Rối loạn ý thức; Khó thở, thở nhanh > 25 lần/phút hoặc SpO2 < 94%; Nhịp tim nhanh > 120 nhịp/phút; Huyết áp tụt, huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg. “Bất kỳ dấu hiệu bất thường khác mà nhân viên y tế chỉ định xử trí cấp cứu”, hướng dẫn thông tin thêm.
Từ 1/1/2022, xe kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát sẽ bị xử phạt
Xe vận tải hoàn thiện lắp camera giám sát trước ngày 31/12 để giám sát lái xe và phòng chống dịch Covid.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ vừa ký công văn số 12733/BGTVT-VT gửi Thanh tra Bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải, Giao thông vận tải - Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục triển khai Nghị quyết số 66/NQCP ngày 1/7/2021 của Chính phủ.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các Sở Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị vận tải kinh doanh vận tải trên địa bàn khẩn trương thực hiện nghiêm việc lắp đặt camera trên xe để ghi, lưu trữ hình ảnh trong quá trình tham gia giao thông đối với các phương tiện xe thuộc diện phải lắp camera quy định tại khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 14 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.
Thanh tra Bộ chỉ đạo Thanh tra Giao thông vận tải thuộc các sở giao thông vận tải kết hợp với công tác thanh tra, kiểm tra để tuyên truyền cho đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe về xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, kể từ ngày 1/1/2022 đối với các phương tiện không thực hiện lắp camera giám sát trên xe theo quy định.
TP.HCM cho học sinh lớp 1, 9, 12 đi học trở lại từ ngày 13/12
Học sinh lớp 1, 9 và 12 ở TP.HCM sẽ trở lại trường từ ngày 13/12. Ảnh minh họa: Chí Hùng.
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
UBND TP.HCM chia việc cho học sinh đi học trở lại thành hai giai đoạn. Trong giai đoạn từ ngày 13/12 đến 25/12, thành phố thí điểm tổ chức dạy học trực tiếp với tất cả học sinh lớp 1, 9 và 12. Trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường từ tuần thứ 2.
Riêng ở huyện Cần Giờ, trường Mầm non Thạnh An, Tiểu học Thạnh An, THCS-THPT Thạnh An, học sinh tất cả khối lớp học trực tiếp từ ngày 13/12.
Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 27/12. Trong đó, ngành giáo dục tổ chức hội nghị sơ kết, rút kinh nghiệm 2 tuần dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.
Căn cứ kết quả tổ chức dạy và học sau 2 tuần và tình hình dịch Covid-19, sở GD&ĐT phối hợp sở Y tế tham mưu UBND thành phố xem xét và quyết định việc tiếp tục, mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn thành phố từ ngày 3/1/2022.
Hà Nội sẽ cho tất cả học sinh THPT trở lại trường từ 6/12
Sau khối 9 ở khu vực ngoại thành, học sinh khối lớp 10, 11, 12 và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên dự kiến trở lại trường từ ngày 6.12
Mới đây, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội, cho biết Thường trực Thành ủy đã xem xét báo cáo và cho ý kiến về kế hoạch đưa học sinh trở lại trường. Theo đó, khối lớp 10, 11, 12 và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên sẽ là nhóm tiếp theo đi học trực tiếp, sau khối 9 ở khu vực ngoại thành. Trước mắt, kế hoạch này sẽ triển khai ở các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã mức độ dịch cấp độ 1 và 2; trong 14 ngày, tính đến 30.11, không có ca F0 cộng đồng. Thời gian thực hiện có thể từ thứ hai tuần sau, ngày 6/12.
Trả lời Thanh Niên chiều 1/12, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết Sở đã có văn bản trình UBND TP về việc cho HS THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trở lại trường từ ngày 6/12. Ngày 30/11, Sở cũng đã có cuộc họp với lãnh đạo các cơ sở giáo dục để quán triệt các nội dung chuẩn bị đón HS trở lại trường khi được lãnh đạo TP quyết định. Theo đó, các trường trước hết phải đạt các tiêu chí về yêu cầu an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn liên ngành của Sở GD-ĐT và Sở Y tế ban hành tháng 10/2021; bên cạnh đó phải đáp ứng một số nguyên tắc cơ bản như: giáo viên (GV) chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin chỉ được dạy trực tuyến, không tổ chức ăn bán trú, căn tin trong trường, HS tự mang theo nước uống cá nhân. Các trường cũng chỉ dạy học trực tiếp một buổi mỗi ngày...
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.