Bản tin Hòa Nhập ngày 31/10/2021: Cảnh báo tin nhắn lừa đảo trợ cấp do dịch COVID-19

2021-10-31 08:00:00 0 Bình luận
Cảnh báo tin nhắn lừa đảo nhận trợ cấp COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; TP HCM đề xuất tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 vào cuối năm; ; Phí ôtô vào nội đô 'có thể lên tới 100.000 đồng mỗi lượt'; Khởi công dự án 1.000 căn hộ dành cho công nhân...

TP HCM đề xuất tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 vào cuối năm

Sở Y tế TP HCM đang đề xuất UBND thành phố và Bộ Y tế cho phép tiêm mũi 3 vaccine Covid-19 cho nhóm người có nguy cơ cao và lực lượng tuyến đầu chống dịch, trong hai tháng cuối năm.

Thông tin được Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết tại Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 của ngành y tế thành phố, chiều 30/10.

Đây là mũi tiêm nhắc lại với những người đã tiêm đủ hai mũi sau 6 tháng đến một năm, tùy loại vaccine, không phải mũi tăng cường.

TP HCM đề xuất tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 vào cuối năm (Ảnh minh họa).

Theo bác sĩ Châu, trong tháng 11 và 12, ngành y tế triển khai tiêm vét mũi một, mũi hai cho người trên 18 tuổi. Cuối tháng 11, TP HCM sẽ tiêm mũi hai cho trẻ 12-17 tuổi. TP HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước tiêm vaccine cho trẻ em, khởi động từ ngày 27/10.

Trong năm 2022, thành phố dự kiến tiêm mũi một và mũi hai cho trẻ từ 3 tuổi trở lên. Đồng thời, ngành y tế tiêm mũi 3, mũi 4 cho người đủ thời gian theo quy định của Bộ Y tế.

TP HCM bắt đầu tiêm chủng cho nhóm ưu tiên là lực lượng y tế trên tuyến đầu chống dịch vào ngày 8/3. Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới và hướng dẫn từ nhà sản xuất vaccine, thời hạn tiêm nhắc lại là 6 tháng đến một năm kể từ khi tiêm mũi 2, tùy loại vaccine.

Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM nhận định vaccine là chiến lược lâu dài và hàng đầu trong phòng chống dịch, cần đảm bảo thật sự độ bao phủ vaccine đến từng người dân trong độ tuổi theo quy định.

Tính đến ngày 30/10, hơn 7,2 triệu người dân thành phố đã tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi một, gần 5,7 triệu người đã tiêm mũi hai.

Khởi công dự án 1.000 căn hộ dành cho công nhân

Dự án nhà ở xã hội cho công nhân quy mô 1.000 căn hộ, đáp ứng nhu cầu sinh sống cho 3.000 người, ở phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, khởi công sáng ngày 30/10.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết dự án có diện tích hơn 20.800 m2, mật độ xây dựng 60%, diện tích cây xanh trên 4.000 m2. Tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng dự kiến hoàn thành cuối năm 2024. Công trình sẽ góp phần tạo quỹ nhà ở xã hội cho thành phố. Công nhân, người lao động làm việc trên địa bàn sẽ được hỗ trợ điều kiện để mua, thuê sử dụng lâu dài.

TP Thủ Đức tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lớn như Linh Trung 1, 2, Bình Chiểu, Cát Lát, Khu công nghệ cao... với gần 200.000 công nhân, trong đó khoảng 70% người ngoại tỉnh có nhu cầu thuê, mướn chỗ ở lâu dài. Qua khảo sát, phần lớn công nhân sống tại các nhà trọ do người dân và doanh nghiệp xây dựng để kinh doanh. Các phòng trọ khá chật chội, chưa đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, điện, nước; chất lượng cuộc sống người lao động thấp.

Phối cảnh dự án "nhà ở xã hội dành cho công nhân".

Mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố sẽ xây một triệu nhà giá rẻ thay thế chung cư cũ, nhà trên kênh rạch, khu nhà trọ... để công nhân, người thu nhập thấp tiếp cận được. Người đứng đầu chính quyền thành phố thừa nhận TP HCM đón lượng lớn người lao động đến đây góp phần xây dựng, phát triển thành phố, nhưng việc chăm lo cho họ chưa đầu tư đúng mức.

Theo khảo sát của Liên đoàn lao động TP HCM, khoảng 1,3 triệu lao động, công nhân làm việc ở thành phố có nhu cầu về nhà ở. Trong số này, chỉ gần 40.000 công nhân (chiếm 3%) sống ở các khu lưu trú, ký túc xá được xây dựng tại các khu công nghiệp. Hầu hết lao động sống ở các phòng trọ diện tích trung bình mỗi phòng 14 m2, mức thuê bình quân 1,6 triệu đồng mỗi tháng và có khoảng 4 người cùng ở. Công nhân dành 10-15% thu nhập để chi trả chỗ ở.

Phí ôtô vào nội đô 'có thể lên tới 100.000 đồng mỗi lượt'

Khung mức phí đối với xe vào trung tâm Hà Nội được xây dựng từ 50.000 đến 100.000 đồng mỗi lượt, theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện.

Chiều 30/10, ông Viện đã trao đổi với báo chí về Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông".

Vị trí dự kiến 87 trạm thu phí ôtô vào nội đô Hà Nội. Đồ hoạ: Tiến Thành.

Theo đó, dự kiến khung mức thu phí được tính trên cơ sở khái toán kinh phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí, lưu lượng xe.

Mức thu phí thấp nhất để bù đắp chi phí đầu tư, quản lý, vận hành khoảng 50.000 đồng mỗi lượt. Tuy nhiên, với nguyên tắc mức phí đủ tác động điều chỉnh hành vi người tham gia giao thông và căn cứ vào mức chi trả của người dân hiện nay (phí trông giữ xe ôtô khoảng 50.000 đến 100.000 đồng), đề án đưa ra mức phí cao nhất 100.000 mỗi lượt.

Nhóm bị thu phí là ôtô di chuyển từ bên ngoài vào trong khu vực nguy cơ ùn tắc giao thông (trừ xe ưu tiên, xe công an, quân đội, cứu thương, cứu hỏa, ôtô vận tải hàng hóa...).

Các phương tiện được miễn phí có điều kiện gồm xe hộ gia đình, ôtô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí; một số trường hợp sẽ được giảm phí, trong đó có ôtô kinh doanh vận tải hành khách (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi ...).

Phạm vi thu phí được xây dưng trên ba nguyên tắc. Thứ nhất, khu vực nguy cơ ùn tắc giao thông. Thứ hai, khu vực có thể tổ chức giao thông thuận tiện, các phương tiện không cần đi vào nội đô mà có thể vòng tránh, đi qua địa bàn thành phố. Thứ ba, khu vực có điều kiện lắp đặt các trạm thu phí, ít ảnh hưởng đến giao thông và hạn chế gây ùn tắc.

Trên cơ sở các nguyên tắc nêu trên, Hà Nội dự kiến đặt 87 trạm thu phí tại 68 vị trí: Vành đai 3 – Cầu Thanh Trì – Pháp Vân – Mai Dịch – Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long – Võ Chí Công – Cầu Nhật Tân – Đường Hoàng Sa – Đường Trường Sa – Đường Lý Sơn – Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào vành đai 3.

Theo tính toán của các đơn vị xây dựng đề án, số phương tiện sẽ tránh không đi vào khu vực thu phí khoảng 12 đến 18%; cộng cả số người thay đổi thói quen đi lại, chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng hay xe đạp, đề án đưa ra mức giảm phương tiện vào nội đô khoảng 20%.

Trước băn khoăn 87 trạm thu phí có thể gây ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, đề án đưa ra phương án trạm thu phí áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng. Các camera giám sát được lắp đặt trên các giá long môn để nhận diện biển kiểm soát ôtô và tự động trừ phí. "Vị trí các trạm phí không có barie nên không gây mất mỹ quan đô thị", ông Viện cho hay.

Cũng theo Giám đốc Sở Giao thông Vân tải Hà Nội, đề án mới là nghiên cứu đề xuất của Sở trên cơ sở giao nhiệm vụ của UBND TP Hà Nội; sắp tới Sở sẽ báo cáo cấp thẩm quyền xem xét trình HĐND thành phố.

Cây cầu do ca sĩ Thủy Tiên hỗ trợ xây bị nứt, nhà thầu chỉ ra nguyên nhân

Ông Hoàng Phạm Thọ - Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ, Nghệ An cho biết, doảnh hưởng của cơn bão số 9 năm 2020 đã gây thiệt hại nặng nề. Mưa lũ khiến 600 nhà dân bị ngập nước, cầu Khe Liệu bị sập hoàn toàn.

Đoàn ca sĩ Thủy Tiên đã hỗ trợ cho 38 hộ gia đình trên địa bàn xã bị thiệt hại nặng nề nhất với tổng số tiền là 696 triệu đồng và xây mới hoàn toàn cầu Khe Liệu. Trị giá cây cầu mà đơn vị thi công báo để xã biết là 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dù chỉ mới đưa vào sử dụng nhưng cầu Khe Liệu đã xuất hiện vết nứt, hư hỏng ở mố cầu. Lý giải về vấn đề này, ông Phạm Xuân Tiệp – Kỹ thuật công ty TNHH Tư vấn thiết kế đô thị Thanh Chương giải thích: “Đó là vết nứt kỹ thuật chứ không phải công trình thi công kém chất lượng. Theo thiết kế, giữa mặt đường bê tông và mái taluy cầu có vết nứt để tạo độ co giãn”.

Dù là địa phương thụ hưởng công trình, nhưng chính quyền ở địa bàn được xây cầu cũng không biết chính xác đơn vị nào thi công.

3 bộ thống nhất sử dụng ứng dụng phòng chống dịch COVID-19

Ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT cho biết, lãnh đạo 3 Bộ: Y tế, Công an, TT&TT đã thống nhất sử dụng 3 ứng dụng liên quan phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 gồm: PC-Covid quốc gia (ứng dụng phục vụ phòng chống dịch COVID-19); VNeID (ứng dụng phục vụ định danh người dân, xác thực người dân do Bộ Công an quản lý và là ứng dụng tồn tại lâu dài để phục vụ xã hội); Sổ sức khỏe điện tử (ứng dụng quản lý thông tin sức khỏe của người dân suốt đời, trong đó có dữ liệu về tiêm chủng do Bộ Y tế quản lý).

PC-Covid quốc gia- ứng dụng phục vụ phòng chống dịch COVID-19.

Ba nền tảng này sẽ liên thông dữ liệu với nhau, xác thực thông tin cho nhau. Địa phương không phát triển thêm phần mềm ứng dụng khác, tránh gây phiền hà cho người dân.

Các Bộ đề nghị các địa phương triển khai dùng chung 1 mã QR. Cụ thể, người dân sẽ sử dụng mã QR trên thẻ Căn cước công dân (đối với trường hợp chưa cấp thẻ Căn cước công dân thì sử dụng mã số công  dân); khi sử dụng trên ứng dụng di động thì dùng chung mã QR do Bộ TT&TT quản lý.

Ba Bộ thống nhất quan điểm chủ trương xuyên suốt là toàn thể các cấp các ngành phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện Kế hoạch kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tất cả vì mục tiêu chung, tránh "quyền anh, quyền tôi" để tạo thuận lợi nhất cho người dân.

Hành khách đi tàu hỏa chỉ cần khai báo y tế điện tử

Trên cơ sở đó, ngày 30/10, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã ban hành Quyết định số 1893/QĐ-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải đường sắt thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định số 1839/QĐ-BGTVT ngày 20/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, với những điểm đáng chú ý như sau: Thống nhất hành khách chỉ khai báo y tế điện tử ở phần khai báo di chuyển nội địa trên ứng dụng PC-COVID, được áp dụng kể từ 0h00 ngày 31/10/2021.  

Đối với hành khách, ngoài những điều kiện và yêu cầu bắt buộc về y tế như các hướng dẫn trước đây, trong Quyết định lần này quy định hành khách khi đi tàu chỉ khai báo y tế điện tử trên ứng dụng PC-COVID. Khuyến khích hành khách chủ động khai báo từ trước khi đi tàu. Trong trường hợp hành khách chưa khai báo hoặc không có thiết bị/gặp khó khăn khi sử dụng các thiết bị điện tử thông minh, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có trách nhiệm bố trí nhân lực, thiết bị để hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng và khai báo.

Một điểm sửa đổi đó là quy định về việc bố trí khách đi tàu đến từ địa phương/khu vực cấp độ dịch là cấp 4 được bố trí vận chuyển bằng “khoang riêng” thay vì “toa xe riêng” so với trước đây.

Cũng theo Văn phòng Bộ Giao thông vận tải, hiện nay hệ thống PC-COVID và các giải pháp kỹ thuật đã đảm bảo để có thể trích xuất dữ liệu di chuyển nội địa của hành khách theo từng chuyến tàu. Với việc hành khách được khai báo di chuyển nội địa trên một ứng dụng duy nhất sẽ giúp thống nhất và thuận lợi để trích xuất dữ liệu di chuyển của hành khách trực tiếp từ ứng dụng PC-COVID. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phải tổng hợp thông tin của hành khách để thông báo cho địa phương nơi ga đến trước khi tàu khởi hành nhằm phối hợp xử lý theo quy định. 

Qua đó, rút ngắn thời gian làm thủ tục của hành khách và việc trích xuất dữ liệu cũng nhanh chóng hơn; giảm thiểu áp lực về nhân lực đối với các đơn vị ngành đường sắt.

Hành khách đi tàu hỏa chỉ cần khai báo y tế điện tử (Ảnh minh họa).

Như vậy, theo Quyết định trên của Bộ Giao thông vận tải thì hành khách chỉ cần khai báo y tế điện tử, thay vì khai thông tin theo mẫu phiếu thông tin như quy định trước đó.

Về xét nghiệm y tế, hành khách vẫn thực hiện theo hướng dẫn trước đó là chỉ yêu cầu xét nghiệm một trong các trường hợp có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3; đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng phong tỏa; không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn.

Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh COVID-19 chỉ xét nghiệm một trong các trường hợp: Khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng phong tỏa. Việc xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh âm tính có giá trị trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm tới trước thời điểm khởi hành chuyến tàu.

Khi đi tàu hành khách chú ý khai báo y tế trước khi lên tàu; thường xuyên rửa tay bằng dung dịch hoặc nước sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ga và trong suốt quá trình đi tàu; hạn chế đi lại giữa các toa xe nếu không thực sự cần thiết.

Ngoài ra, tuân thủ "Thông điệp 5K", khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.

Cảnh báo tin nhắn lừa đảo nhận trợ cấp COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Những ngày gần đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nhận được thông tin phản ánh của một số người dân về việc họ nhận được tin nhắn có đầu số 052... thông báo việc nhận tiền trợ cấp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với nội dung “Ban chua nhan duoc tr0 cap C0VID-19, vui long dang nhap tinyurl.com/kxytdc8z (hoặc shorturl.at/frFHU) de lay, qua han se khong duoc chap nhan".

Xuất hiện tin nhắn lừa đảo người lao động nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (Ảnh TTXVN)

Trước vụ việc trên, BHXH Việt Nam khẳng định, tin nhắn trên là của đối tượng lừa đảo, lợi dụng thông tin về chính sách hỗ trợ đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ Quỹ BHTN nhằm trục lợi hoặc lấy thông tin cá nhân và hack tài khoản của người dân. Cơ quan BHXH không gửi bất kỳ tin nhắn nào có nội dung như trên.

BHXH Việt Nam cảnh báo, người lao động không nên tin bất kỳ tin nhắn nào nếu không có chữ "BHXHVN" hoặc “BHXH HA NOI” (các địa phương khác trên toàn quốc sẽ có tên tương tự như Bảo hiểm xã hội Hà Nội) hiển thị tại phần số điện thoại của người gửi tin nhắn. Đồng thời, cần nâng cao cảnh giác vì thời gian người lao động nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN theo quy định của Nghị quyết số 116/NQ-CP và thời gian nhận đề nghị hỗ trợ của người lao động theo Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg là đến ngày 20/12/2021. Vì vậy, người lao động tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào, nhất là không nhấp chuột vào bất kỳ đường dẫn nào, nếu không sẽ có khả năng lộ thông tin cá nhân và bị hack tài khoản.

Để tra cứu thông tin hưởng hỗ trợ từ Quỹ BHTN, người lao động chỉ cần truy cập vào dịch vụ tra cứu trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam theo đường link: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/cong-khai-thong-tin-huong-ho-tro-theo-nghi-quyet-so-116nqcp.aspx. Sau đó, nhập “Mã số BHXH”, “Họ tên” rồi tích chọn “Tôi không phải là người máy” chọn hình ảnh trả lời rồi nhấn “Tra cứu”.

BHXH Việt Nam khuyến nghị: Khi nhận được các tin nhắn như trên, người dân cần nâng cao cảnh giác, hoặc thông báo đến số hotline của BHXH Việt Nam 1900.9068 để được tư vấn, hỗ trợ và giải đáp kịp thời.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

HDBank mở chi nhánh thứ 2 tại Quảng Ninh

Chi nhánh HDBank tại Móng Cái được đầu tư quy mô về nguồn vốn, tài sản và đội ngũ CBNV nhằm tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng và phù hợp, bám sát đặc thù và chiến lược phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm phía Bắc.
2024-04-25 11:31:59

Thái Nguyên khai mạc mùa du lịch 2024

Sáng 25/4 tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.
2024-04-25 11:06:52

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38
Đang tải...