Bản tin Miền Tây ngày 8/6/2022: Khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế hướng biển

2022-06-08 19:00:00 0 Bình luận
Với chiều dài trên 65km bờ biển trải dài qua 3 huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú và có vùng biển đặc quyền kinh tế gần 20.000km2, Bến Tre có lợi thế phát triển kinh tế biển cùng nhiều lĩnh vực khác. Tỉnh cũng đã chú trọng triển khai các dự án điện gió (DAĐG) và phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao (CNC), góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế về hướng Đông.

Nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú. Ảnh: Công Trí

Theo Báo Đồng Khởi, tỉnh Bến Tre đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 29/1/2021 về phát triển tỉnh về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, nhằm đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng ven biển, kết nối giao thông thông suốt với các huyện trong tỉnh và với các tỉnh trong khu vực, giúp phát huy tiềm năng kinh tế biển.

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết: Hiện tỉnh đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch 19 DAĐG với tổng công suất 1.007,7MW. Có 9/19 dự án với công suất khoảng 368MW đang triển khai ngoài thực địa, thi công lắp đặt hoàn thành với công suất 270MW; trong đó, 5/9 dự án kịp công nhận vận hành thương mại trước ngày 31-10-2021 với công suất 93,05MW, phần còn lại đang tiếp tục triển khai thi công hoàn chỉnh. Còn 10/19 dự án với công suất khoảng 640MW đang thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan, chưa tiến hành thi công ngoài thực địa do chờ Chính phủ ban hành cơ chế giá điện.

DAĐG có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tính đơn giản, nếu phát triển 1.500MW điện gió, sản lượng điện phát ra trung bình trên 4 tỷ kWh/năm, đạt doanh thu khoảng 10 ngàn tỷ đồng/năm, thì mức thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng/năm. Đồng thời, dự án sẽ giải quyết được việc làm cho người dân vùng dự án và phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng khác. Từ đó, góp phần to lớn đảm bảo an sinh xã hội, đời sống của người dân vùng dự án nói riêng và tỉnh nói chung. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu, hiện nay cơ chế hỗ trợ, ưu đãi giá mua điện gió quy định tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực. Trong khi đó chưa có chính sách mới thay thế nên các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp tục triển khai. Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15/1/2019 của Bộ Công Thương về phát triển các DAĐG cũng chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về khu dân cư nên người dân khu vực các DAĐG trên bờ có phát sinh khiếu nại, làm chậm tiến độ dự án…

Để khắc phục các vướng mắc, khó khăn nêu trên, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế giá điện mới để các nhà đầu tư có quyết định sớm triển khai các DAĐG còn lại. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan (đặc biệt là Bộ Công Thương) có hướng dẫn rõ ràng về khu dân cư để giải quyết các khiếu nại phát sinh đối với các DAĐG trên bờ.

Nuôi tôm công nghệ cao

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Văn Phúc, để gia tăng giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản, tỉnh có kế hoạch phát triển 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC đến năm 2025. Theo đó, một số công ty tham gia như: Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam liên kết sản xuất tại vùng nuôi tôm CNC tại 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Tập đoàn Thủy sản Minh Phú hỗ trợ xây dựng quy hoạch ngành tôm trên địa bàn 3 huyện biển; xác định 3 vùng nuôi tôm CNC tập trung tại 3 huyện vùng biển Thạnh Phú, Bình Đại, Ba Tri, với tổng quy mô 450ha.

Trong những tháng đầu năm 2022, tình hình nuôi thủy sản của tỉnh khá thuận lợi, giá tôm nguyên liệu ổn định ở mức khá cao. Tổng diện tích nuôi thủy sản thả giống 45.503ha, tăng 4,62% so với cùng kỳ; trong đó, diện tích nuôi tôm biển đạt 34.700ha; tổng sản lượng nuôi đã thu hoạch ước đạt 190.472 tấn, đạt 99,48% so với cùng kỳ. Nuôi tôm ứng dụng CNC phát triển tốt, sản lượng cao, giá ổn định; tổng diện tích nuôi tôm ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 2.000ha, năng suất bình quân 60 - 70 tấn/ha, sản lượng đạt 20.620 tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ.

Mô hình tôm CNC liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam của ông Nguyễn Thành Phong, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, sau gần 3 năm triển khai đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định. Ông Phong cho biết, việc ứng dụng CNC vào nuôi tôm có thể đạt siêu lợi nhuận, quá trình nuôi cần phải nắm vững kỹ thuật, biết điều tiết nguồn nước, đảm bảo tôm có môi trường sống tốt. Hiện ông Phong nuôi tôm ứng dụng CNC 3 vụ/năm, với 4 ao nuôi, tổng diện tích là 2ha. Với giá tôm hiện khoảng 180 ngàn đồng/kg, thu hoạch 22 tấn/vụ, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận ông Phong thu được khoảng 1,5 tỷ đồng/vụ.

Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Đào Công Thương cho hay, huyện đang tập trung vận động nuôi tôm CNC với diện tích khoảng 800ha. Đây là mô hình nuôi tôm rất hiệu quả, đạt chất lượng cao, có thể xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Sản lượng nuôi tôm CNC hiện đạt mức cao khoảng 40 tấn/ha/năm, gấp 3,5 lần nuôi tôm thâm canh và gấp 20 lần nuôi tôm bán thâm canh.

Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ nhấn mạnh, năm 2022, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tối đa phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 8 - 8,5%, giúp tạo nguồn thu cho ngân sách và nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đặc biệt, tỉnh xây dựng chương trình phát triển nghề khai thác thủy sản phù hợp với tình hình mới; nâng cao hoạt động dịch vụ hậu cần trên biển; triển khai mạnh đề án 4.000ha nuôi tôm biển ứng dụng CNC; trong đó, ban hành quyết định phân vùng nuôi để các tổ chức tín dụng tiếp cận, hỗ trợ vốn ưu đãi cho các hộ/công ty nuôi tôm CNC…

 

Vĩnh Long phát triển vườn cây ăn trái an toàn sinh học

Theo Báo Vĩnh Long, có diện tích cây trái thứ hai vùng ĐBSCL với hơn 63.000 ha (sau tỉnh Tiền Giang hơn 79.000 ha). Những năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã phát triển mạnh các vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản như: cam sành ở huyện Trà Ôn và Tam Bình, bưởi Năm Roi ở TX Bình Minh, chôm chôm ở huyện Long Hồ… Đồng thời, tích cực hỗ trợ sản phẩm đạt OCOP, truy xuất nguồn gốc, cũng như nâng chất các tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm, an toàn sinh học, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường.

Hợp tác xã (HTX) cam sành Phương Thuý (xã Vĩnh  Xuân- huyện Trà Ôn) chỉ mới thành lập năm 2019, nhưng đến nay đã trở thành một trong những HTX điểm của tỉnh chuyên về cây cam sành. Khi mới thành lập, HTX chỉ có 25ha trồng cam sành, nhưng đến nay đã phát triển lên 65ha, sản xuất tập trung diện tích lớn, mỗi khu vực liền kề từ 20- 30ha.

Anh Nguyễn Tấn Phương- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cam sành Phương Thuý, cho biết: “Diện tích của hợp tác xã luôn được khép kín thành một khu riêng biệt, quản lý theo một quy trình sản xuất nhất định theo hướng VietGAP và đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Trong thời gian qua, số xã viên không tăng nhưng tăng cả về quy mô diện tích và chất lượng sản phẩm.

Trong 2 năm qua, mỗi năm, hợp tác xã xuất hơn 2.000 tấn cam/năm. Hiện nay, sản lượng cam trong vườn đang tăng, ước vụ tới có thể xuất bán khoảng 4.000 tấn, với giá cả hiện nay, mỗi công (1.000m2) thu nhập hơn 100 triệu đồng. Sắp tới, hợp tác xã tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ tốt hơn như cầu thị trường.”

Bưởi Năm Roi trồng ở TX Bình Minh- một trong những loại cây ăn trái nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Long.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng được nhiều mô hình được ký cam kết an toàn thực phẩm cùng với mô hình người dân tự thực hiện. Qua đó, đạt chứng nhận VietGAP hơn 260 ha trên nhiều loại cây trồng.

Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai đề án phát triển nông nghiêp̣ hữu cơ đến năm 2030.

Theo đó, từ nay đến năm 2025, thực hiện từ 3- 5 mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ trên cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản chủ lực và tiềm năng của tỉnh; nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm trên một hécta đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,3- 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Tỉnh Vĩnh Long có các vùng chuyên canh đặc sản, trong số diện tích cây cam sành toàn tỉnh hơn 16.000ha thì ở  huyện Trà Ôn có hơn 7.000ha.

Mỗi vùng chuyên canh đều có hợp tác xã, các tổ hợp tác được chứng nhận các mô hình an toàn sinh học và có đầu ra tương đối ổn định.

Các sản phẩm cây ăn trái từng bước đảm bảo theo thị trường tiêu thụ. Mẫu mã, chất lượng ngày càng được nông dân quan tâm, nhất là khả năng vận chuyển theo hướng hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh.

Tới đây, ngành nông nghiệp cũng tiếp tục khuyến cáo người dân nên áp dụng các biện pháp bón phân tiết kiệm, tăng cường bón phân hữu cơ, bao trái, sản xuất hướng an toàn để tiếp tục nâng cao giá trị nông sản.”

 

Kiên Giang: Bắt giữ 2 tàu vận chuyển 130.000 lít dầu DO trái phép

Theo TTXVN, vào lúc 21 giờ 20 phút ngày 5/6, trong quá trình tuần tra, kiểm soát tại vùng biển gần khu vực tiếp giáp với Malaysia, tàu cảnh sát biển phát hiện 2 tàu cá vận chuyển khoảng 130.000 lít dầu DO trên biển.

Kiểm tra một vụ tàu chở dầu DO bất hợp pháp trên vùng biển Tây. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 6/6, Trung tá Vũ Đình Ngà, Trưởng ban Tuyên huấn Vùng Cảnh sát biển 4 (đứng chân trên địa bàn thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) cho biết thực hiện kế hoạch tăng cường nắm tình hình, đấu tranh ngăn chặn hoạt động mua bán, vận chuyển dầu DO trái phép trên vùng biển Tây Nam, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 vừa bắt giữ hai tàu vận chuyển khoảng 130.000 lít dầu DO trên biển.

Lúc 21 giờ 20 phút ngày 5/6, trong quá trình tuần tra, kiểm soát tại vùng biển gần khu vực tiếp giáp với Malaysia, tàu CSB 4035 phối hợp với Tổ công tác của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã phát hiện 2 tàu cá mang số hiệu TG 93979 TS và TG 92267 TS có dấu hiệu nghi vấn và đã ra tín hiệu dừng tàu để kiểm tra hành chính.

Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu TG 93979 TS có 5 thuyền viên, do ông Trương Văn Phong (53 tuổi), ngụ xã Tân Chánh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, làm thuyền trưởng; chủ tàu là ông Đỗ Hoàng Phong, địa chỉ thường trú tại phường 8, thành phố Mỹ Tho. Còn tàu TG 92267 TS có 4 thuyền viên, do ông Võ Văn Hoàng (56 tuổi) ngụ xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, làm thuyền trưởng; chủ tàu là ông Đỗ Hoàng Lý, có địa chỉ thường trú tại phường 9, thành phố Mỹ Tho.

Theo lời khai của 2 thuyền trưởng, tàu TG 93979 TS đang vận chuyển khoảng 70.000 lít dầu DO, tàu TG 92267 TS vận chuyển khoảng 60.000 lít dầu DO và toàn bộ số dầu trên 2 tàu này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, thiết lập hồ sơ ban đầu của vụ việc và niêm phong hàng hóa vi phạm, đồng thời tổ chức lực lượng dẫn giải 2 phương tiện về cảng Hải đội 421 tại huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Những chuyến hàng ngược xuôi sông nước

Theo Báo Cà Mau, đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Cà Mau nói riêng, là vùng đất nhiều sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, bao quanh bởi cánh rừng đước, rừng tràm. Chính vì yếu tố đó, từ xa xưa vùng đất này đã hình thành giới thương nhân trên sông nước. Họ lấy ghe tàu làm phương tiện vận chuyển hàng hoá, ngày đêm lênh đênh trên sông nước để giao thương.

Những chuyến ghe hàng cặp bến Cà Mau, đa số là dân thương hồ từ miệt Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng… xuôi dòng sông Phụng Hiệp, kênh xáng Xà No, Chắc Băng, Miệt Thứ, mang theo những hàng hoá thiết yếu, như xăng dầu, cát đá, gạch ngói, xi-măng, trái cây… về xứ Cà Mau buôn bán, và khi trở về thì trên từng chiếc ghe đầy ắp sản vật Cà Mau, nào là cây đước, cây tràm, tôm, cá, lúa, gạo… toả đi buôn bán khắp nơi, đến với nhiều xứ sở.

Những chuyến hàng xuôi ngược trên sông đã hình thành một nền kinh tế văn hoá sông nước đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, giúp việc giao thương ngày càng phát triển.

Những chiếc sà lan vận chuyển cát từ vùng trên về xứ Cà Mau qua đường sông Ông Đốc.

Những chuyến ghe hàng chở củi đước từ Cà Mau về các tỉnh miền Tây tiêu thụ.

 

Chuối Cà Mau đầy ắp ghe, tàu, toả về muôn nẻo.

Bữa cơm đạm bạc trên sông nước thương hồ.

Bình yên đời sống thương hồ khi về đêm.

“Xuống biển lên nguồn, gạo chợ nước sông”, câu ca quen thuộc của khách thương hồ ngược xuôi trên sông nước miền Tây Nam Bộ.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 49 năm thống nhất đất nước

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
2024-04-26 11:48:48
Đang tải...