Bất động sản tăng giá ở mọi phân khúc, chuyên gia tiết lộ điêu này tránh lỗ
Theo thống kê của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận do tình hình giá vật liệu xây dựng tăng đột biến trong quý 1/2022.
Riêng năm 2021, giá thép tăng gần 50%, kéo theo các loại vật liệu xây dựng khác tăng theo từ 20% trở lên. Và đến tháng 2/2022, so với thời điểm cuối năm 2021, các đơn giá này lại tiếp tục tăng thêm: giá bê tông tăng 3%, nhôm kính tăng 15%, xi măng tăng 8%, gạch và cát tăng 2%.
Đáng lo ngại nhất là giá sắt thép đã tăng 4% trong khi đây là thành phần chính trong xây dựng. Một số nhà thầu xây dựng cho biết tháng nào cũng nhận được báo giá mới.
Điều này không chỉ gây khó khăn đến người mua nhà, mà những nhà thầu xây dựng làm các công trình lớn cũng "méo mặt" vì quá sức chịu đựng dẫn tới bắt buộc phải tăng giá thi công xây dựng lên.
Giá vật liệu xây dựng tăng trong thời gian ngắn đã phần nào đẩy mặt bằng giá bất động sản lên cao.
Theo Batdongsan.com.vn, trong tháng 1/2022, giá chung cư Hà Nội và TP.HCM tăng lần lượt là 4,6% và 1,8% so với trung bình giá cả năm 2021. Mức độ quan tâm đến loại hình chung cư ở hai thành phố lớn trong tháng 2/2022 tăng đáng kể so với tháng trước đó, Hà Nội tăng 23%, TP.HCM tăng 22%. Lực cầu dồi dào trong khi nguồn cung chưa đủ đáp ứng cũng là yếu tố kéo giá bất động sản đi lên.
Bên cạnh đó, Covid-19 làm gián đoạn một số hoạt động kinh doanh, sản xuất, thị trường chứng khoán hay tiền ảo lại liên tục biến động, khó nắm bắt. Vì vậy nguồn tiền lớn vẫn đang tìm đến bất động sản khi nhu cầu đầu tư và sở hữu bất động sản trong dân luôn cao.
Trong những tháng đầu năm 2022, có một diễn biến đáng chú ý là loại hình đất, đất nền có lượt quan tâm tăng trên nhiều địa phương. Riêng trong tháng 2/2022, mức độ quan tâm tới đất tăng tới 32% tại Đà Nẵng, TP.HCM và Hà Nội tăng lần lượt 18% và 8%. Với lực cầu đi lên, giá bán đất nền sơ cấp tại nhiều nơi đang giữ ở mức khá cao. Đơn cử như mức giá đất nền dự án sơ cấp thấp nhất ở TP.HCM hiện là 48 triệu đồng/m2, cao nhất 97 triệu đồng/m2.
Loại hình biệt thự, liền kề cũng ghi nhận xu hướng tìm kiếm gia tăng mạnh ở hầu khắp các tỉnh thành. Cụ thể, tính riêng trong tháng 1/2021, mức độ quan tâm biệt thự, liền kề tại Hà Nội và TP.HCM tăng lần lượt là 29% và 30% so với cùng kỳ năm trước. Tại các thị trường tỉnh, dẫn đầu là Lâm Đồng với nhu cầu tìm kiếm biệt thự, liền kề tăng 200%, Quảng Ninh tăng 74%, Khánh Hòa tăng 55%, Đà Nẵng và Long An tăng 54%.
Nhận định về thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho hay, năm 2022 vẫn là một năm khó khăn đối với thị trường bất động sản. Giá cả đứng trước áp lực tăng bởi rào cản về mặt pháp lý của các dự án vẫn chưa được tháo gỡ và cả áp lực lạm phát. Cho nên, giá bất động sản chắc chắn chưa có khả năng điều chỉnh xuống mà vẫn có áp lực tăng giá trong năm 2022.
Còn PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị, thị trường 2022 vẫn còn triển vọng. Nhưng thị trường chỉ tốt, khi các nhà đầu tư tham gia thị trường với tâm lý đầu tư dài hạn. Bởi đầu tư lướt sóng, chộp giật bao giờ cũng sẽ đi kèm với rủi ro. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng không nên "tất tay" vào một phân khúc theo tư duy đám đông mà nên chọn phân khúc phù hợp với khả năng tài chính cũng như năng lực đầu tư của mình mới có thể tạo ra hiệu quả đầu tư và giảm thiểu các rủi ro.
Trong khi đó, ông Cao Minh Thành, Tổng giám đốc MLAND Pro cho rằng, thực tế, giá bất động sản tăng ngay cả giai đoạn Covid-19 như năm 2021. Nhà đầu tư chuyên nghiệp biết rằng, giá bất động sản vẫn còn lên nên sẵn sàng chấp nhận rủi ro để vào tiền.
Theo ông Thành, thị trường bất động sản 2022 còn tiến triển tốt. Nhưng nhà đầu tư nên xem xét thời điểm ra hàng hợp lý. Ông Thành dự báo, phải tới năm 2023, thị trường mới có dấu hiệu đi xuống, và nhà đầu tư thoát hàng kịp thời, nếu không rơi vào tình trạng cắt lỗ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.