“Bệ phóng” cho khát vọng khởi nghiệp
Sinh viên tham gia chương trình triển lãm “Khát vọng sinh viên Việt Nam” |
Mong muốn được cống hiến
Sau 1 năm triển khai Đề án 1665 về “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025”, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong ngành Giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực. Điều đó được minh chứng bằng các sản phẩm, các dự án khởi nghiệp của HSSV trong cả nước mang đến trưng bày thông qua các gian hàng tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của HSSV năm 2018 rất phong phú, sáng tạo.
Những sản phẩm khoa học không chỉ có tính ứng dụng thực tiễn cao, đáp ứng yêu cầu phát triển trong đời sống, lao động, sản xuất mà còn thể hiện đầy tính nhân văn đối với cộng đồng xã hội. Mỗi người một ý tưởng với nhiều mục tiêu hướng đến khác nhau, song ở họ đều có điểm chung là tinh thần sáng tạo không ngừng cùng sức trẻ, nhiệt huyết với mong muốn cống hiến thật nhiều cho gia đình, xã hội và khẳng định bản thân.
Em Lê Như Thiên Sao, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng, trưởng nhóm sản phẩm nghiên cứu “Gậy thông minh cho người già” được lựa chọn tham gia triển lãm “Khát vọng sinh viên Việt Nam” tại Hà Nội cho biết: Các sản phẩm nghiên cứu không chỉ nhằm cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất mà còn giải quyết những vấn đề khó khăn đối với những người khuyết tật, người già, người bệnh và giúp ích, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Đặc biệt, các dự án khởi nghiệp không chỉ có sự góp mặt của các bạn sinh viên mà còn có sự góp mặt của các bạn học sinh phổ thông ở độ tuổi còn rất trẻ nhưng tinh thần khát khao khởi nghiệp và mong muốn được hiện thực hóa các ý tưởng của mình.
Em Ngô Thị Huế, học sinh lớp 11, Trường THPT Minh Hà (TX Quảng Yên, Quảng Ninh) cho biết: Em ấp ủ ý tưởng chiết xuất sản phẩm tự nhiên thành nước rửa bát từ khá lâu. Sau mỗi giờ học, em lại lên mạng Internet tìm tòi các công thức pha chế. Nghĩ là làm, theo hướng dẫn trên mạng, lựa chọn các nguyên liệu có sẵn như xả, bồ kết, vỏ bưởi rồi phơi khô, xay nhỏ, cho vào túi lọc. Khi sử dụng, chỉ cần cho túi lọc vào nước nóng rồi bắt đầu rửa. Nhiều lần làm nhưng thất bại. Sau mỗi lần như thế, em không nản lòng mà lại thêm quyết tâm, tiếp tục mày mò, tìm ra công thức cho sản phẩm đầu tay của mình. Sau hơn 10 lần thay đổi nguyên liệu và tỷ lệ, cuối cùng em đã thành công.
“Nhờ tham gia cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp năm 2018”, được các chuyên gia đóng góp ý kiến mà em đã “nâng cấp”, hoàn thiện sản phẩm của mình. Bây giờ, em có thể tự tin giới thiệu sản phẩm nước rửa bát túi lọc từ nguyên liệu tự nhiên ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày” - Ngô Thị Huế cho biết.
Sinh viên cần được trải nghiệm thực tế
“Không có thứ tài nguyên nào vô tận và vĩnh cửu như khả năng sáng tạo. Khởi nghiệp trên nền tảng sáng tạo, thành công ắt sẽ đến” - Đây là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest 2018.
Có thể nói, khởi nghiệp đang là một vấn đề thu hút được xã hội quan tâm, đặc biệt có sức hút cực kỳ lớn đối với giới trẻ. Nếu như trước kia, mục đích cuối cùng của sinh viên là ra trường, kiếm được một công việc ổn định thì hiện nay rất nhiều bạn đã thay đổi tư duy. Dù đang ngồi trên ghế giảng đường nhưng nhiều bạn trẻ luôn khát khao thành công, khởi nghiệp, làm chủ doanh nghiệp.
Anh Ngô Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, để khơi dậy niềm đam mê khởi nghiệp và chắp cánh cho những ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên thành hiện thực, điều cần nhất là các tổ chức hội. Đó là nơi kết nối nguồn lực xã hội để hỗ trợ tốt nhất cho sinh viên khởi nghiệp. “Ý tưởng khởi nghiệp có thể xuất phát từ một hoặc một vài cá nhân nhưng khi triển khai cần nhiều đến sự kết nối và tham gia của xã hội. Sự kết nối các nguồn lực của xã hội này không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ trực tiếp cho các bạn trẻ khởi nghiệp mà kết nối để cùng chung tay phát triển hoạt động khởi nghiệp của thanh niên nói chung”.
Cùng với xu thế hội nhập quốc tế, tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vừa là nhiệm vụ, vừa là yêu cầu không thể thiếu đối với sinh viên. Chính vì vậy, trong thời gian qua, nhiều trường học trên cả nước đã có nhiều biện pháp, cách thức, mô hình để gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên với quá trình đào tạo, với doanh nghiệp.
Ba yếu tố nhà trường - doanh nghiệp - người học phải kết nối với nhau trên nguyên tắc cân bằng. Đó là hướng đi mới của các nhà trường trong việc đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường. Đồng thời, các trường ĐH phải có trách nhiệm trong thiết kế chương trình và có trách nhiệm với người học.
Thiết nghĩ, để hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại ý nghĩa, hiệu quả thiết thực, cần tạo dựng môi trường học tập, nghiên cứu hết sức thuận lợi, ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên.
Thông qua việc tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, sinh viên tiếp cận và học tập được cách vận dụng các phương pháp, kiến thức được học để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra một cách rất khoa học, hình thành kỹ năng làm việc nhóm, phát huy tính năng động, sáng tạo, khả năng nghiên cứu độc lập và hình thành năng lực tự học.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.