Bị miệt thị vì hở hàm ếch, cô gái sống khép mình suốt nhiều năm
Quá khứ đầy tủi nhục
Chị Trịnh Thị Ánh sinh ra và lớn lên tại Trúc Sơn (Chương Mỹ- Hà Nội), từng tốt nghiệp khoa Công tác xã hội thuộc Học viện Phụ nữ Việt Nam. Nhắc về tuổi thơ của mình, chị Ánh cho biết đây là khoảng thời gian khủng hoảng nhất, khiến chị ám ảnh đến tận bây giờ.
Lúc mang thai, mẹ chị Ánh bị cúm rất nặng, gia cảnh nghèo khó nên chỉ có thể chờ bệnh thuyên giảm. Suốt 9 tháng thai kỳ, mẹ vất vả mang nặng, những lần nghén không ăn uống được, gầy rộc cả người. Thật may, khi siêu âm, các bác sĩ chuẩn đoán thai nhi vẫn phát triển bình thường.
Đến lúc mẹ lâm bồn, chị Ánh được sinh ra nhưng lại có dị tật hở hàm ếch. Lo sợ người mẹ mất sức sau ca sinh sẽ thêm buồn, gia đình đành giấu chị Ánh đi, không cho mẹ biết. Nhưng không được bao lâu, mẹ chị đã rất sốc và thương khi thấy đứa con gái bé bỏng bị vậy.
Chị Ánh với dị tật hở hàm ếch khi 4 tháng tuổi
“Lúc bấy giờ chỗ mình vẫn chưa có ai sinh con ra bị như mình cả và mọi người đồn ầm lên là mẹ mình sinh ra quái thai. Họ hiếu kì kéo nhau đến nhà để xem rất đông.
Có người còn nặng lời bảo nó sống được ngày nào hay ngày ý, không thì mang ra mà bón cỏ. Số khác lại khuyên bố mẹ mình mang ra viện mà bỏ đi chứ nuôi làm gì, nhưng bố mẹ vẫn nuôi mình, dù sống hay chết bố mẹ vẫn giữ mình ở nhà”- chị Ánh giàn giụa nước mắt kể lại.
Đến khi được 4 tháng tuổi, chị Ánh trải qua cuộc phẫu thuật đầu tiên trong đời. Với một cô bé sinh ra đã 4 tháng nhưng không thể tự bú mẹ, phải ăn bằng nước cháo vắt ra rồi xúc vào thìa bởi gia đình quá nghèo, giờ lại phải phẫu thuật, thật quá sức chịu đựng!
Những tưởng cuộc phẫu thuật chỉ dừng lại ở đó, khi lên 3 tuổi, chị tiếp tục phẫu thuật lần 2. Bác sĩ chuẩn đoán, chị bị hở rộng hai bên hàm, thông vào tận cuống họng. Thậm chí, bằng mắt thường có thể nhìn thấy lưỡi gà bị chẻ đôi trong cuống họng, ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ và ăn uống hàng ngày. Mỗi lần đưa thức ăn vào miệng, cảm giác đau đớn lại dội lên, chị bị sặc, chảy máu cam liên tục.
Lúc lên 3, chị tiếp tục phẫu thuật lần 2
Gia đình khi đó cũng vất vả, nhà có ba chị em nên bố phải ở nhà chăm 2 chị bé, lo việc nhà cửa và kiếm tiền nuôi gia đình. Một mình mẹ vất vả chăm sóc chị, nhiều lần ngược xuôi khắp các viện lớn nhỏ với hy vọng con phẫu thuật thành công. Mong ước của người làm cha, làm mẹ không gì hơn ngoài việc con cái khoẻ mạnh, phát triển bình thường, có tuổi thơ êm đềm nhất.
Tổn thương tinh thần từ những lời miệt thị
Mặc dù bệnh tật là rào cản lớn nhưng đam mê học tập luôn cháy rực trong con người chị. Sau những cuộc phẫu thuật đầy đau đớn, chị trở về nhà theo dõi sức khoẻ và được bố mẹ cho tham gia học tập.
Ban đầu, chị Ánh mong muốn đi học bởi trường học vừa dạy chị kiến thức, vừa giúp chị có thêm những người bạn tốt để cùng học tập, vui chơi. Thế nhưng, đây lại là khoảng thời gian chịu nhiều tổn thương nhất của chị khi bị miệt thị, buông lời ác ý,...
“Khi đó mình học cấp 2, vào khoảng thời gian học lớp 9, mình đã từng nghĩ sẽ được các bạn cùng trang lứa vẽ nên tuổi thơ đẹp nhưng đây lại là lúc khiến mình áp lực nhất. Mình bị bạn bè xa lánh, chỉ trỏ rằng mình bị hở hàm ếch”- chị Ánh tâm sự.
Chị kể, nhiều lần các bạn lớp bên cạnh lăng mạ, buông nhiều lời ác ý như ví von chị giống loài khỉ, không ngừng nhại lại lời nói của mình. Một số bạn cho rằng, mình không nên học tại đây bởi làm ô nhiễm môi trường học của các bạn. Thậm chí, số khác còn chặn đường, đánh, túm tóc và doạ nạt, tinh thần bị suy sụp rất nhiều.
Cô học sinh lớp 9 không may mắn nhưng rất dũng cảm
Không dừng lại ở đó, vài lần chị bị bạn khác chửi rủa, ngăn cản, không cho vào lớp học, bị cô giáo hiểu nhầm bỏ tiết. Quá nhiều lần bị bắt nạt khiến tinh thần tổn thương, tạo thành vết cắt sâu trong lòng cô gái bé nhỏ.
Những lần như vậy, chị Ánh không than trách với ai, luôn chịu đựng một mình. Suốt bốn năm học cấp 2, động lực để chị cố gắng là gia đình và quyết tâm học tập thật tốt, bỏ ngoài tai những gì người khác dị nghị mình.
Bỏ ngoài tai những lời ác ý, luôn suy nghĩ tích cực và sống cho riêng mình
Lên lớp 10, chị thi đậu vào một ngôi trường có tiếng ở huyện. Đây là thành quả của sự nỗ lực, học ngày đêm, khiến ai nấy trong gia đình đều rất tự hào.
Lên cấp 3, chị vui vẻ, mở lòng hơn, gặp được những người bạn tốt
Chị bắt đầu suy nghĩ tích cực hơn, mở lòng với bạn bè, không quan tâm những lời chê bai của người khác. Chị tâm niệm, chỉ cần bản thân sống tốt và cố gắng, ông trời sẽ không bỏ rơi mình. Bù lại, những người bạn khi xưa từng có ác cảm nay lại thành bạn thân thiết, thấu hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh của chị nhất. Bên cạnh đó, chị luôn cố gắng hoà đồng với mọi người, được nhiều người yêu quý hơn. Với thành tích học tập tốt, chị Ánh được cô giáo và cả lớp tín nhiệm làm lớp trưởng.
Năm lớp 11, chị một lần nữa phải nhập viện phẫu thuật do di chứng của khe hở vòm và dịch tràn lên tai, gây viêm tai giữa, bục màng nhĩ. Cô học sinh cấp 3 khi ấy đã tự mình đi khám tại các viện, không cần người lớn đi cùng bởi chị đã quen với việc ra vào viện từ khi lọt lòng.
Bản thân chị không muốn là gánh nặng cho gia đình, khao khát được tự lập và không muốn bố mẹ lo lắng nên chỉ khi gần ngày phẫu thuật, bố mẹ mới phải đưa chị đi và chăm sóc.
Hình ảnh xinh đẹp sau nhiều ca phẫu thuật của chị Ánh
Cô gái không may mắn ấy thật mạnh mẽ. Khao khát sống và mong ước trở là một người bình thường chưa bao giờ tắt trong tâm trí. Chính sự lạc quan, kiên cường đó đã khiến nhiều người nể phục, yêu thương và ngày càng có cuộc sống viên mãn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.